Trong gần 5 thập kỷ tồn tại, dòng nhạc này đã để lại nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng độc giả như "Hoa mười giờ", "Chuyện tình cô đơn” (Đài Phương Trang), "Tình lỡ" (Thanh Bình), "Đôi mắt người xưa" (Trúc Phương), "Nhẫn cỏ trao em" (Vinh Sử), "Tình bơ vơ", "Trăm nhớ ngàn thương" (Lam Phương), "Sầu tím thiệp hồng", "Về đâu mái tóc người thương" (Hoài Linh), "Giọt lệ đài trang" (Châu Kỳ)…
Tác giả ca khúc "Tình lỡ", nhạc sĩ Thanh Bình đã giã từ cõi đời hồi tháng 5/2014. Sinh thời, ông là một người tài hoa, để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh nét tài hoa, Thanh Bình được biết đến là nhạc sĩ tiêu biểu cho chữ "phận bạc" khi nói về đời nghệ sĩ.
Trải qua ba đời vợ, làm đủ công việc để sinh sống, từ viết nhạc, viết văn, viết báo đến bán xăng, bán cơm, chăn nuôi… để mưu sinh. Cuối đời, nhạc sĩ rơi vào cảnh trắng tay, cô đơn rồi ra đi trong nỗi khắc khoải không gặp được con gái duy nhất. Khi con gái dính vào vòng lao lý, nhạc sĩ Thanh Bình sống lang thang tại bến xe miền Đông với tài sản duy nhất là chiếc quạt máy cũ kỹ và bọc nilon đựng quần áo, tư trang.
Ngay cả khi chết, ông vẫn phải nương nhờ vào lòng hảo tâm của các tổ chức thiện nguyện khi những người thân không đủ tiền lo tang ma. Ca sĩ Ánh Tuyết cho rằng, không chỉ nghèo khó, cô quạnh, nhạc sĩ Thanh Bình còn chịu đựng đủ các chứng bệnh nguy nan như cao huyết áp, lao phổi và chứng nghễnh ngãng tuổi già.
Giống như Thanh Bình, Trúc Phương là nhạc sĩ để lại nhiều bản tình ca chạm đến nỗi lòng sâu kín của nhiều thế hệ người Việt. Trong âm nhạc, ông tài hoa bao nhiêu, đời sống lại trải qua quá nhiều bất hạnh và đau thương bấy nhiêu. Sinh thời, nhạc sĩ sống trong nghèo khó, đặc biệt là vào thời kỳ "nhạc vàng" lắng xuống. Ông từng làm đủ nghề để sinh sống, lấy vỉa hè làm nhà, bạn bè làm người thân thích.
Nhạc sĩ từng tâm sự về hoàn cảnh khốn khó của mình: "Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no… Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi đát"… Cuộc sống bấp bênh cùng sự hành hạ của bệnh tật đã khiến Trúc Phương sống một đời sống buồn tẻ cho đến những ngày cuối đời.
"Anh đã đến trong cuộc đời này, để lại bao kỷ niệm nhẹ nhàng qua nhiều nhạc phẩm chất chứa ân tình, rồi lặng lẽ ra đi âm thầm thật cô đơn. Tôi đã mất anh, nhưng tôi sẽ không bao giờ mất đi những kỷ niệm giữa anh và tôi, cũng như bao lời ca tôi đã thuộc nằm lòng", ca sĩ Thanh Thúy viết trên trang cá nhân.
Hoài Linh được coi là nhạc sĩ hiếm hoi của dòng "nhạc vàng" có đời sống vật chất thoải mái nhờ sáng tác. Rồi ông cũng trở nên trắng tay sau năm 1995 khi bị bại liệt do di chứng của tai biến mạch máu não. Nhạc sĩ ra đi trong cảnh nghèo khó, bệnh tật trước khi tấm lòng hảo tâm của đồng nghiệp và khán giả đến được với ông.
Ngoài Thanh Bình, Trúc Phương, Hoài Linh, tác giả ca khúc "Hoa sứ nhà nàng", nhạc sĩ Hoàng Phương cũng ra đi trong tận cùng nghèo khó khi bỏ lại sau lưng một sự nghiệp khá giả để chung sống với người tình trẻ kém con trai mình đến hai giáp. "Làm nghệ sỹ thực thụ có khi nào giàu có, tài sản quý giá nhất của họ là âm nhạc. Đó cũng là điều khiến họ sống mãi trong lòng người hâm mộ", khán giả Trần Thu bày tỏ tình cảm trước sự ra đi trong khốn khó, cô đơn của nhiều nhạc sĩ.
Những người còn sống, ngoài Mặc Thế Nhân, Đài Phương Trang, Bảo Thu… không phải ai cũng may mắn có cuộc sống yên bình. Vinh Sử được coi là "vua nhạc sến" với những bản boléro thất tình, buồn hiu hắt như "Nhẫn cỏ cho em", "Sầu tím thiệp hồng", "Người phu kéo mo cau", "Hai bàn tay trắng"…Thời cực thịnh, ông từng có một cuộc sống xa hoa, giàu có khi mỗi nhạc phẩm của ông trị giá hai chiếc xe hơi đời mới.
Vốn bản tính đào hoa, nghệ sĩ, ông từng trải qua nhiều đời vợ, có nhiều con và tiêu tiền không tiếc tay cho những bữa tiệc. Ở tuổi ngoài 70, khi tiền bạc tiêu tán vì bệnh tật, ông chỉ có duy nhất một người phụ nữ bên cạnh chăm lo. Hiện tại, nhạc sĩ phải chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng trong một căn phòng trọ chật hẹp tại một xóm lao động nghèo thuộc quận 7, TP.HCM.
"Vinh Sử từng có rất nhiều nhà lầu, xe hơi nhờ tiền tác quyền từ việc sáng tác. Tính đào hoa khiến bao nhiêu tài sản của Vinh Sử bị rơi hết vào tay phụ nữ. Thành ra, cuối đời bệnh tật, nghèo túng", đó là nhận xét của nhiều đồng nghiệp khi nói về nhạc sĩ Vinh Sử.
Nếu như Vinh Sử nhận được sự quan tâm, trợ giúp của đông đảo khán giả ái mộ và đồng nghiệp về vật chất và tinh thần thì nhạc sĩ Lê Duyên nhiều năm nay sống âm thầm trong căn nhà nhỏ, toàn tâm chăm sóc người vợ mắc bệnh mất trí nhớ. Lê Duyên nổi tiếng trong nhóm nhạc Khánh Băng - Phùng Trọng khi xưa với khả năng chơi đàn mandolin. Ông cũng là tác giả của nhiều bài hát như "Chiều buồn", "Dưới ánh trăng rừng" (viết cùng Tùng Lâm, Hiếu Nghĩa), "Nắng đẹp rừng chiều", "Trăng quê"... trong số đó tình khúc "Âm thầm" (Hãng đĩa Asia với tiếng hát Tuyết Mai) đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt.