Truyền hình thực tế: Thừa chương trình, thiếu tài năng

Thứ sáu, 08/05/2015, 09:50
Không phủ nhận các chương trình truyền hình thực tế đang làm phong phú trong lĩnh vực giải trí, đáp ứng nhu cầu thư giãn của khán giả và tạo ra được những tài năng, nhân tố mới, song tình trạng bội thực truyền hình thực tế, thả nổi kiểm định chất lượng khiến khán giả ngán ngẩm.
Ya Suy được nhớ đến bởi scandal có con khi chưa cưới.
Ya Suy được nhớ đến bởi scandal có con khi chưa cưới.

Tin nhắn bình chọn là nhất

Trong đêm bán kết 7 mùa đầu tiên của Vietnam Got talent năm 2011, nhiều người ngỡ ngàng khi thí sinh Kiều Văn Thanh - người bán sáo dạo nhận được nhiều tin nhắn bình chọn nhất, lọt vào vòng chung kết. Ngay ở vòng loại, BGK nhận xét Kiều Văn Thanh chỉ là người biết chơi nhiều loại nhạc cụ nhưng chưa chơi hay đến mức xuất sắc để được vinh danh tài năng. Kiều Văn Thanh từng bị loại khỏi chương trình. Nhưng đến vòng bán kết thì một thí sinh đột ngột bỏ cuộc và Kiều Văn Thanh được gọi thế chỗ vào phút chót.

Điều bất ngờ đã xảy ra khi chất lượng biểu diễn của Thanh chỉ đạt mức trung bình, thậm chí còn bị đánh giá là copy nhạc cụ của người khác, nhưng vẫn nhận được sự bình chọn nhiều nhất từ khán giả. Đáng ngạc nhiên hơn, trong đêm diễn đó, nhiều thí sinh có tài năng thực sự đã bị loại vì số lượng bình chọn từ khán giả quá ít. Đánh giá đường đến chung kết của Kiều Văn Thanh, một giám khảo lắc đầu: “Tin nhắn bình chọn chính là thượng đế, họ mà bình chọn gì thì phải theo đó”.

Ở mùa giải Vietnam Idol thứ 4 năm 2012, thí sinh Ya Suy đến từ Lâm Đồng, dù có chất giọng bình thường trong số 16 thí sinh lọt vào chung kết, nhưng đã lần lượt loại các giọng ca tài năng để đăng quang ngôi vô địch. Đây là điều khiến các vị giám khảo cũng bị bất ngờ nhưng với những người tổ chức thì tiêu chí của cuộc thi truyền hình thực tế, xây dựng những biểu tượng “From Zero to Hero” (từ số không tới anh hùng) lại là thành công lớn.

Nhiều tin nhắn đến tới tấp trong cuộc bình chọn (chỉ đêm chung kết đã có 306.000 lượt bình chọn cho Ya Suy), khán giả đã được quyền quyết định kết quả cuộc thi, dù rằng kết quả ấy không hề có dấu ấn chuyên môn. Sau này, Ya Suy gần như không thể hiện được mình trong âm nhạc và khán giả chỉ nhớ đến Ya Suy với những bê bối ít liên quan tới âm nhạc.

Trong một trả lời gần đây về các chương trình truyền hình thực tế, Diva Mỹ Linh thẳng thắn cho hay về trường hợp đăng quang của “Thần tượng Âm nhạc” Ya Suy năm 2012: Một giọng ca bình thường nhưng đăng quang chính là do mặt bằng âm nhạc dưới chuẩn của số đông công chúng; nó cũng cho thấy sự cảm tính của người nghe, khán giả nghe nhạc bằng hoàn cảnh chứ không phải bằng tài năng.

Không có nhiều tài năng để đáp ứng      

Những chương trình Got Talent, X-Factor, The Voice, American Idol... ở Mỹ, Anh, Úc... ngoài việc thu hút quảng cáo, còn bán được vé xem live show, kiếm lời từ tin nhắn bình chọn của khán giả, bán bản thu âm của các thí sinh dự thi... Họ rất chăm chút trong việc sản xuất, đầu tư cho thí sinh để tìm ra người chiến thắng tài năng nhất để làm hài lòng, lôi cuốn khán giả.

“Họ suy nghĩ, chính thí sinh tài năng mới là nhân tố mang lại thành công, giúp họ tạo được uy tín và thu được lợi nhuận cho chương trình”- một đạo diễn ở TPHCM nói. Nhưng ở Việt Nam, điều này dường như được xem là ngược lại.

Việt Nam không quá nhiều tài năng để đáp ứng các show truyền hình thực tế. Vì vậy, khi chất lượng nhạt dần, nhà sản xuất phải đau đầu trong việc tìm kiếm những nhân tố mới. Đó cũng là lý do khi các chương trình chạy qua mùa đầu tiên, khan hiếm gương mặt tài năng thật sự, người ta bắt đầu nghĩ đến việc khai thác những câu chuyện từ các thí sinh “đặc biệt”.

Việc lấp đầy người chơi đã trở thành thách thức, chính vì vậy, đầu vào dễ và đầu ra cũng không quan trọng. Minh chứng là chất lượng thí sinh của các chương trình ngày càng yếu đi, những quán quân, người chiến thắng của các game show nhạt nhòa, chưa có cống hiến cho ngành giải trí Việt. Thậm chí, có những quán quân đã biến mất sau 1 năm đoạt giải, vì không thể hiện được mình.

Vietnam Idol là bệ phóng đưa tên tuổi của Hương Giang bước vào con đường ca hát một cách dễ dàng mặc dù giọng hát của cô chưa bao giờ được đánh giá cao. Như trường hợp của Thảo My, ca sĩ của đội Đàm Vĩnh Hưng đăng quang trong cuộc thi The Voice 2013 cũng không thu hút sự quan tâm của công chúng, và giờ đây chả ai còn nhớ tên cô. Hay như Vietnam Idol mùa thứ 5, với sự lên ngôi của Nhật Thủy, không để lại nhiều ấn tượng về giọng hát, khán giả chỉ nhớ tới cô với lùm xùm scandal bình chọn.

Theo Tiền phong

Các tin cũ hơn