Đạo diễn Lê Hoàng: "Thấy nhục khi xem thi hoa hậu!"
Thứ ba, 06/10/2015, 09:37
Đó là quan điểm mà đạo diễn Lê Hoàng thể hiện qua bài viết "Phỏng vấn 1 chàng trai xem hoa hậu". Theo ông, phụ nữ không cần thiết phải hy sinh bản thân vì người khác, 1 người đàn ông cần phải thấy nhục khi để phụ nữ hy sinh vì mình. Bài viết được rút từ tập "Phỏng vấn một con bò".
Chàng trai: Cũng như bao người đàn ông khác thôi, tôi mê máy tính, thể thao, du lịch và mê…hoa hậu.
Vâng! Hoa hậu ai chả mê!
Nhưng có hàng triệu chàng trai, mà chỉ có 1 cô hoa hậu. Cho nên tôi biết mình chả có tí hi vọng gì làm quen được với 1 cô như thế, chỉ có quyền…xem thôi!
Nghĩa là anh luôn luôn xem thi hoa hậu?
Chả những xem, mà còn xem đi xem lại nhiều lần.
Và anh thấy sao?
Thấy vui, thấy buồn, và thấy…nhục!
Nhục ư? Anh nói thật không?
Thật hoàn toàn!
Tại sao anh nhục?
Tại vì tôi xấu hổ!
Tại sao anh xấu hổ?
Tại tôi là đàn ông. Một trong những phẩm chất vô cùng quan trọng của đàn ông là phải biết che chở, lo lắng, hi sinh cho phụ nữ.
Đạo diễn Lê Hoàng
Đúng thế!
Người đàn ông trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng cần có sức mạnh, lòng vị tha, tính độc lập, tiên phong… Nhà báo đồng ý chứ?
Vô cùng đồng ý!
Vậy mà trong các cuộc thi hoa hậu, tôi đã xem và vừa xem, nhiều cô gái đã trả lời trong phần thi ứng xử đại ý rằng: Đức tính cao quý nhất của người phụ nữ Việt Nam là sự hy sinh.
Họ nói vậy không đúng sao?
Rất là đúng! Có người gật đầu khi nghe nói như thế, có người thì khóc vì cảm động. Riêng cá nhân tôi, tôi thấy nhục.
Nhục cho ai?
Tôi không dám đại diện cho bất cứ ai hết. Tôi nhục cho mình. Tại sao những người phụ nữ cứ phải hi sinh mới là tốt? Tại sao họ cứ nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn vui chơi, nhịn đủ thứ cho chồng, cho con thì mới được đề cao?
Phụ nữ cũng có 1 cuộc đời như đàn ông, đã thế, do giới tính, họ còn gặp khó khăn hơn đàn ông rất nhiều trong mọi mặt. Họ phải có quyền sung sướng, quyền hưởng thụ, quyền vui chơi hơn tất cả chúng ta thì mới đúng. Tại sao họ cứ “bị” phải hi sinh?
Trời ơi! Có “bị” gì đâu. Các cô ấy tự nguyện kia mà?
Dù các cô gái có tự nguyện đi nữa, thì với tư cách đàn ông, chúng ta có quyền khuyến khích không? Những đàn ông 1 quốc gia cần tự hào là phụ nữ của mình được nâng niu, được tạo mọi cơ hội sống tốt nhất, thế mới đúng, chứ không thể tự hào là các cô gái luôn luôn sẵn sàng chịu thiệt thòi.
Có lẽ anh đúng!
Bản thân tôi rất kính trọng những người con gái đã, đang và sẽ hi sinh. Nhưng bản thân tôi thấy đã tới lúc không nên lạm dụng mãi điều đó, và càng không nên coi đức tính hi sinh là 1 cái gì bất biến, cần phát huy và bảo tồn trong người phụ nữ.
Khi đề cao những phụ nữ đòi quyền bình đẳng, đòi quyền sống là ta đã đề cao quyền muốn “giảm bớt hi sinh” của họ. Tôi rất tin tưởng điều này. Cho nên tôi kinh ngạc khi thấy trên sân khấu các cô gái đẹp nói về đức tính hi sinh, dưới khán giả (phần lớn là đàn ông) vỗ tay rào rào.
Tôi muốn gào lên với họ rằng: Đáng ra các anh nên khóc vì câu đấy, chứ không nên cười. Và chừng nào chúng ta còn thấy đức hi sinh của phụ nữ là 1 phẩm chất tự nhiên, chừng đó chúng ta chưa phát triển.
Chính xác!
Trong quá khứ, rất nhiều khi do hoàn cảnh, chúng ta đã khuyến khích đức tính quên mình của người phụ nữ, nhưng chúng ta không được phép lạm dụng điều ấy mãi mãi, chúng ta cũng không được phép hưởng thụ sự hi sinh ấy 1 cách thanh thản. Đàn ông phải cảm thấy mình nợ họ.