Cảnh trong phim Mỹ nhân (2015): vốn nhà nước bỏ ra khoảng 16 tỉ, bán vé thu về khoảng 500 triệu đồng (chưa trừ phí phát hành, phí rạp...). |
“Nên có hình thức xử lý nhà sản xuất thiếu trách nhiệm, nhà làm phim ít năng lực “xài tiền chùa” làm những bộ phim ít ai xem” là ý kiến mà nhiều bạn đọc đòi hỏi xung quanh việc phim Việt “đặt hàng” đầu tư tiền tỉ từ ngân sách nhà nước nhưng cất kho hoặc bán được quá ít vé.
Bạn đọc tên Quốc lý giải vì sao phim “đặt hàng” lại kém thu hút:
“Tĩnh tâm xem lại các phim được đặt hàng sẽ thấy rõ phim mang tính tuyên truyền nhưng trình độ tuyên truyền lại quá thấp, lộ liễu, nội dung quá khiên cưỡng, khô khan và đôi khi sáo rỗng. Lời thoại nhiều khi là bài giảng lý luận, hoặc cường điệu quá đáng khiến khán giả vừa xem vừa "thấy kỳ quá", không thể hấp thu, không thể thưởng thức theo đúng nghĩa”.
Bạn đọc Chí Trọng cho biết: “Phim đặt hàng trong đó tôi thích nhất nội dung của Những người viết huyền thoại. Tuy nhiên hình thức làm vẫn chưa đẹp, kỹ xảo chưa hay, chưa phù hợp với xu thuế thưởng thức của giới trẻ. Đó cũng là nguyên nhân doanh thu thấp. Những bộ phim muốn có doanh thu trong rạp thì phải coi giới trẻ có thích không”.
Một vài thống kê về phim Việt "đặt hàng". Đồ họa đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 4-12.
Nhiều bạn đọc nêu hướng giải quyết cho thực trạng phim Việt “đặt hàng” tiền tỉ:
Bạn Kiều Linh viết: “Khi nào bỏ đi tư duy cũ, bỏ đi sự phân biệt phim nhà nưoc và tư nhân thì sẽ có nhiều hơn những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật và đạt doanh thu”.
Bạn đọc Phi Hùng góp ý: “Còn cơ chế xin cho thì còn những sản phẩm làm ra sẽ không ai mua. Phim ảnh cũng vậy. Sản xuất một bộ phim mà không phải lo đầu ra của phim thì khó có thể làm được phim hay".
Dẫn ra trường hợp hiếm hoi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhcủa đạo diễn Victor Vũ có một phần vốn từ ngân sách nhà nước đã thu về lợi nhuận cao, bạn đọc tên Hưng đề nghị: “Theo tôi sau này phim có kinh phí nhà nước nên giao cho những đạo diễn có tài năng thực sự ví dụ như Victor Vũ làm hơn là mấy ông đạo diễn "nổi tiếng phá tiền" ngân sách”.
Bạn đọc Hồng Quang gửi gắm ý kiến: “Muốn khán giả mua vé xem phim "đặt hàng" thì Nhà nước hãy quản lý chặt hơn nữa chất lượng phim và có hình thức xử lý nếu nhà sản xuất, đạo diễn làm phim “tồi”, phim dở. Tiền của nhân dân là mồ hôi và nước mắt đấy”.
"Hãy để thị trường quyết định, hãy bỏ cơ chế xin cho, hãy bỏ kiểu sản xuất phim xong rồi cho vào kho lưu trữ. Hãy dùng số tiền này để xây dựng trường học cho trẻ em vùng xâu vùng xa, nơi điều kiện còn khó khăn” - Bạn đọc Phi Hùng.
Theo Tuổi Trẻ