NSƯT Chí Trung: 'Tôi muốn khán giả phải thấy xấu hổ'!
Thứ sáu, 30/11/2012, 16:12
“Nếu chỉ để bán vé hay lấy nước mắt, lấy tiếng vỗ tay của khán giả thì tôi còn nhiều tiểu xảo hơn cơ. Nhưng cái tôi muốn là sự lặng im, sự bâng khuâng thức tỉnh trong lòng mỗi người…”- “Táo Giao thông” chia sẻ về vở diễn “Lời thề thứ 9” của mình.
Chí Trung dạo này nổi như cồn. Nổi cả trên báo chí lẫn cộng đồng mạng. Có lẽ, thời nay, người người nhà nhà, không ai là không biết đến ông diễn viên hài bụng bự 80kg của Nhà hát Tuổi trẻ, hay có những vai diễn duyên duyên và những câu nói gây cười thâm thúy.
Và có lẽ, đến nay, Chí Trung đã không phải hối hận khi nhớ lại sự lựa chọn năm xưa của mình, cái thời “học hết phổ thông, vừa đẹp trai vừa... học dốt, tôi chỉ còn nước đi... làm nghệ sĩ”…
Lịch trình hàng ngày của Chí Trung bây giờ là 8h sáng vợ chồng đèo nhau đến nhà hát, 12h trưa về nhà ăn cơm, hai vợ chồng ôm nhau ngủ nửa tiếng, sau đó vợ ra cửa hàng buôn bán phụ thêm cho gia đình, còn chồng lại quay về nhà hát, “đóng đinh” từ 1h30 đến 5h chiều.
Hôm nào chiến hữu gọi đi uống bia thì hôm đó về nhà trong trạng thái… bị khiêng. Không uống thì 7h tối lại vào rạp tập tiếp với anh em. Chí Trung luôn xem gia đình mình chính là Nhà hát Tuổi trẻ.
Những lúc rảnh rỗi, thú vui của Chí Trung là xem phim Mỹ, sưu tầm đồ cổ, đi uống bia để tán phét, nói xấu một ai đó và mới đây là “nghiện” thêm Facebook. “Đời sống” của Chí Trung trên Facebook khá sôi động.
“Ở cái tuổi này, con thì nó không thèm chơi, vợ thì không dám chơi nhiều, ăn thì chẳng được mấy, xem phim thì ít có thời gian, đi uống bia thì hôm nào cũng say mèm nên có lẽ chỉ mỗi Facebook là khiến tớ hả hê nhất”- ông “Táo Giao thông” cười hề hề phân bua.
Hả hê vì ở đó có những người bạn rất thân nhưng không thấy mặt. Nhiều khi bạn thật ngoài đời chẳng một lời hỏi thăm thì có khi không bằng bạn ảo trên Facebook. Thế nên, dễ hiểu khi mỗi ngày, Chí Trung không chỉ liếc qua một tí mà liếc hẳn 20 tí vào cái Facebook.
Và cũng nhờ cái Facebook mà Chí Trung biết được dân tình đang xôn xao bàn tán, ngóng chờ vở diễn “Lời thế thứ 9” của anh như thế nào. "Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ là một vở kịch từng tạo nên cơn sốt khắp cả nước từ những năm cuối thập niên 1980.
Trong số hàng loạt bản dựng khác nhau, vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ năm 1988 gần như được giới chuyên môn đánh giá cao nhất. Đã hơn 20 năm trôi qua, nhiều giá trị sống đã và đang thay đổi, nhưng ý nghĩa của "Lời thề thứ 9” dường như vẫn vẹn nguyên tính thời sự.
Đây cũng là lần đầu tiên, Chí Trung xuất hiện trên sân khấu chính kịch với cương vị trợ lý đạo diễn. Để mục sở thị xem “Táo Giao thông” sẽ “làm ăn” thế nào trong vai trò mới, chúng tôi đến Nhà hát xem anh cùng đoàn diễn tập vở “Lời thề thứ 9”.
Trên sân khấu, diễn viên miệt mài diễn. Dưới khán đài, trợ lý đạo diễn cũng sinh động chẳng kém. Lúc chau mày chỉ trỏ, lúc chống cằm đăm chiêu, có lúc nhảy hẳn lên sân khấu hô hào như hò kéo pháo.
Bà xã Ngọc Huyền, bình thường theo luật riêng của hai người là không được tham gia công việc của chồng, nhưng hôm nay được đặc cách, cũng đến lặng lẽ ngồi xem buổi diễn tập.
Năm xưa, vai Vân của Ngọc Huyền trong “Lời thề thứ 9” khá thành công nên cô chăm chú theo dõi rất kỹ diễn viên trẻ được giao vai Vân trong lần phục dựng này. Thỉnh thoảng, cô lại nhắc nhở vài chỗ để diễn viên nắm được hồn cốt của nhân vật.
Mãi đến hơn 12h, đoàn tập xong, ai cũng đói và mệt nhưng vẫn ở lại họp nhóm để nghe Chí Trung nhận xét, rút kinh nghiệm từng người. Cả đoàn về hết, Chí Trung vuốt mồ hôi, thở phào quay sang tôi: “Nào, bây giờ thì anh là của em đây!”.
Buổi trò chuyện của chúng tôi có lan man đôi chút về cuộc sống riêng, chuyện gia đình, vợ chồng… nhưng hình như “mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, lan man kiểu gì thì Chí Trung cũng lại quay về với công việc, với “đứa con tinh thần” đang trong thời kỳ thai nghén và sẽ chào đời vào ngày 30/11 này…
Đang rất thành công với sân khấu hài, lý do nào khiến anh quay sang phục dựng một vở diễn chính kịch?
Trước đây, từ những năm 1978, nếu ai đã từng yêu mến và theo dõi Chí Trung ở Nhà hát kịch Tuổi Trẻ thì sẽ biết tôi đã đóng hàng trăm vai diễn chính kịch rồi. Mọi người vẫn hay định kiến rằng nghệ sĩ diễn hài thì chỉ diễn hài, hay chính kịch thì chuyên tu cho chính kịch.
Nhưng nghệ sĩ cũng như người thợ xây thôi. Nhà lá, nhà ngói hay nhà cao tầng không quan trọng miễn là xây tốt, xây đẹp là được. Tôi là một người thợ, và tôi làm tất cả những gì cuộc sống cần.
Nhưng vì sao lại là vở diễn “Lời thề thứ 9”- một kịch bản cũ và đã được dựng nhiều lần?
Có 4 đoàn đã dựng vở diễn này nhưng đều cách đây 23- 24 năm. Thường, người ta không muốn làm lại các vở cũ. Nhưng theo tôi, cái vấn đề mà vở diễn chuyển tải có cũ hay không mới quan trọng.
“Lời thề thứ 9” gióng lên hồi chuông cảnh báo con người về sự vô cảm. Mà sự vô cảm thì không bao giờ cũ. Ngày nay, sự vô cảm của xã hội, của những người có trách nhiệm và sự bất công trong xã hội vẫn còn nguyên. Vậy nên, con chữ có thể cũ nhưng vấn đề thì vẫn rất mới và chúng ta phải giải quyết nó.
Theo anh, điểm nhấn của vở kịch nằm ở đâu?
Trong vở diễn “Lời thề thứ 9” có một câu rất hay của ông Chủ tịch xã: “Tôi có lỗi! Chính tôi là người có lỗi nhưng không hiểu vì quá tự tin hay trái tim tôi đang dần nguội lạnh…”.
Dù ông không ăn trộm, ăn cướp của ai nhưng ông vô cảm, trái tim nguội lạnh trước nỗi đau của nhân dân, vô cảm trước sự kiện xảy ra trong xã hội thì đó cũng đã là một tội ác rồi.
Và tôi cũng thích cái kết của vở kịch, chỉ có tình cảm của người mẹ, chỉ có lòng nhân ái mới hoá giải được mọi xung đột. Đó chính là bản sắc của anh Lưu Quang Vũ. Chất nhân văn trong mỗi tác phẩm, mỗi kịch bản của anh luôn luôn sống trong mọi tầng lớp, mọi thời đại.
Sự vô cảm ở đây không chỉ của những người có chức có quyền mà trong cả mỗi chúng ta. Và nếu khán giả không đồng cảm với những điều mà chúng tôi muốn nói thì đấy là sự vô cảm ở nơi khán giả.
Vậy anh trông chờ gì ở vở diễn này, khán đài chật kín người hay những tràng vỗ tay không dứt?
Tôi không hy vọng khán giả sẽ nô nức đi xem “sự bất công”, “sự vô cảm”. Không cần khán giả phải vỗ tay rầm rầm khen “Hay thế!”. Và cũng không kỳ vọng khán giả sẽ nhỏ nước mắt khi ngồi xem.
Tôi chỉ nghĩ rằng chúng tôi đang nói đến một vấn đề cả xã hội quan tâm và hy vọng sẽ có nhiều người cùng quan tâm với chúng tôi. Tôi muốn khán giả xem xong sẽ thấy bâng khuâng, lặng lẽ đi ra ngoài khán phòng và thấy xấu hổ, thấy mình như là người có lỗi và thấy dư vị đắng ngắt trong lòng.
Người ta vẫn hay nói khán giả đang quay lưng với sân khấu kịch, nhưng có một thực tế, chính sân khấu kịch cũng đang quay lưng với khán giả. Phải chăng, với vở diễn này, Chí Trung muốn thay đổi định kiến này?
Lâu nay, sân khấu như một chàng trai đỏm dáng, cứ tự mình ve vuốt bản thân mình, nhìn ngắm trong gương và ngắm dưới chân mình. Sống bằng những đồng tiền ngân sách, bằng những đạo diễn, tác giả.
Sân khấu quên đi sứ mệnh của mình, quên đi rằng để có một vở diễn thành công thì ngoài tác phẩm còn có diễn viên và khán giả. Khi “chàng” không quan tâm đến cảm xúc của “nàng” thì rất nguy hiểm. Và “Lời thề thứ 9” là một trong những vở mà tôi tin rằng “nàng” sẽ không quay lưng.
Với cương vị mới: trợ lý đạo diễn, Chí Trung sẽ thể hiện cái “tôi” trong “Lời thề thứ 9” như thế nào?
Tôi có chút sửa chữa như chỉnh lại vài chi tiết, đẩy nhanh tiết tấu cho hợp với người xem hôm nay. Còn lại, bản diễn cũ của NSND Xuân Huyền đã rất hoàn hảo rồi.
Với một câu chuyện còn nguyên vẹn tính thời sự, tại sao chúng ta lại phải làm hỏng sự hoàn hảo ấy bằng cách cố gắng thêm vào chút “phần trăm” đạo diễn của mình? Tôi không định chứng tỏ mình theo cách ấy.
Diễn viên lần này đều thay mới toàn bộ, hầu hết là các bạn trẻ, chỉ có nhân vật người mẹ là vẫn do NSND Lê Khanh đảm nhận. Tôi chỉ cố gắng thổi hồn vào tất cả các nhân vật, để tái tạo lại cảm xúc xưa.
Hơn 20 năm trước, anh đã từng tham gia vở diễn với vai Đôn “sứt”- một vai diễn phần nào để lại ấn tượng về một Chí Trung trong lòng khán giả. Lần trở lại này, với vai trò mới, cảm xúc có gì khác?
Trước đây tôi chỉ đóng một vai, sống với một nhân vật và thổi vào đó một nguyện vọng, tâm tư. Bây giờ, với tất cả 16 vai, tôi sống với 16 tâm trạng khác nhau. Và toàn bộ 16 diễn viên ấy đều có trách nhiệm cùng với tôi, dưới sự chỉ đạo của NSND Xuân Huyền, thổi thêm một luồng gió mới vào vở diễn này.
Trong từng buổi tập, trong những lúc chạy vở, cả diễn viên trên sân khấu và trợ lý đạo diễn như tôi ngồi ở dưới vẫn khóc thì tôi tin rằng chúng tôi đang đi đúng hướng
Vâng, xin chúc cho NSƯT Chí Trung và “Lời thề thứ 9” sẽ thành công!