Trung cười sảng khoái. Mới gì, cũ quá rồi, sắp hết đời rồi. Thì ra Chí Trung sắp lên chức, mà nghe ra cái việc lên chức, chả lấy gì làm vui đối với anh.
Bạn ảo mà thân
Chí Trung cũng biết chơi Facebook cơ đấy.
- Tôi chơi face từ tháng 4 vừa rồi. Thú thực, tôi chả biết gì về máy tính. Khi đó, nhà hát đang rối ren vì vụ anh Lê Hùng, có một cậu diễn viên đã vào face, viết vài điều khiến người ta hiểu nhầm về nhà hát. Nó không hiểu bản chất của vấn đề. Tôi phản ứng lại chuyện đó. Và tôi quyết tâm học máy tính, vào face để kiểm soát tất cả những thông tin liên quan đến nhà hát.
Nhưng đó là trang cá nhân, mọi người có quyền nói những suy nghĩ của mình. Làm sao anh kiểm soát được điều đó?
- Mọi người có thể nói bất cứ điều gì, kể cả chửi Chí Trung. Nhưng với nhà hát thì không, không ai có quyền nói để mọi người hiểu nhầm về nơi đó.
Anh phát hiện ra khả năng làm thơ của mình từ khi nào vậy?
- Không hiểu sao tự nhiên dở hơi thế. Nhưng thú thực, tôi đọc nhiều từ xưa nên cũng có những hiểu biết nhất định. Cả những dòng status của tôi thi thoảng sai lỗi chính tả là do khả năng máy tính chứ không phải khả năng tư duy.
Thơ của tôi nhìn cây ra cây, nước ra nước, nhìn bằng con mắt hài, dung dị, nhưng người ta thích. Đôi khi dung tục nhưng người ta thích. Và cũng rất Chí Trung.
Anh tìm kiếm điều gì trong thế giới ảo đấy?
- Tôi hướng tới chính mình. Đây là trang cá nhân và cho chính mình. Văn hóa mình thế nào nó ra như thế. Tuy là bạn ảo nhưng mà rất thân/Luôn chăm sóc, hỏi ân cần/Còn hơn bạn thân không lần ghé thăm. Tôi đã biến tất cả những người bạn ảo ấy thành thật trong ngày tận thế vừa qua, một cuộc gặp mặt rất vui vẻ tại Nhà Văn hóa Thanh niên.
Những điều tử tế không “bán” được
Thấy anh chia sẻ những điều tử tế không “bán” được. Chí Trung đang làm nghệ thuật hay đi buôn đấy?
- Sân khấu là một thánh đường khi có tín đồ. Còn không, nó chỉ là một gian chợ và có người mua hàng. Tôi thà làm tiểu phẩm hài hay còn hơn làm tác phẩm tồi. Tôi luôn rành mạch những chuyện đó.
Bây giờ, với tôi, sân khấu đang là thánh đường, khi tôi làm Lời thề thứ 9, Nhà ôsin, phía dưới có tín đồ, có con chiên. Nhưng tôi làm phố cười thì là một gian hàng.
Và khách hàng đến mua có quyền lựa chọn, thậm chí mắng mỏ. Để làm thế nào tìm được thánh đường là điều chúng ta phải bàn. Chúng ta không nên thần thánh hóa tất cả mọi thứ.
Anh quay lại chính kịch với mong muốn gì? Nhiều người nghĩ rằng, anh phục dựng lại Lời thề thứ 9 để làm sang cho mình, cho chức vụ Phó giám đốc sắp tới.
- Chúng tôi được chỉ tiêu của nhà nước là dựng vở Nhà ôsin. Còn Lời thề thứ 9 là tự bỏ tiền ra để dựng vì nó hay quá.
Khi chúng tôi tập, có một vị đạo diễn gạo cội nói rằng, giời ơi là giời, đây là thời buổi nào mà còn dựng lại Lời thề thứ 9 hả giời. Tôi chọn giải pháp xã hội hóa. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận diễn mà không có thù lao. Nhưng cuối cùng, khán giả vẫn kín rạp (Dù có rất nhiều vé mời). Và chúng tôi vẫn có thù lao cho anh em, hơn 50 con người.
Trong thời điểm này, chính kịch và những điều tử tế không “bán” được. Chị nghe có thấy chua chát, nhưng đó là thực tế. Tôi không thể có những tác phẩm, tiểu phẩm không bán được.
Tôi phải bán được, cho dù bán bằng giấy mời mà người ta xem phải thấy sung sướng.Một tác phẩm như một món ăn ngon phải có người mua, người tặng. Còn nhìn sân khấu bây giờ người ta cứ quay đi.
Tất cả giấy mời đều về nửa chừng ầm ầm. Bởi những tác phẩm vô hồn, những vở diễn chẳng tốt cho ai, chỉ tốt cho tác giả, chỉ để giải ngân, giải ngân vì tiền, giải ngân vì ý tưởng. Đụng vào vấn đề này cực kỳ nhạy cảm, nhưng tôi sắp sửa hết đời rồi, tôi chả cần gì cả.
Là sao, Chí Trung định giải nghệ chăng?
- Tôi sắp sửa bị đôn lên, đúng nghĩa bị đôn lên chức Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.
Nếu không muốn anh có thể từ chối.
- Có một điều khó thế này, nếu ai cũng quay lưng thì ai làm. Tôi là người vừa có tâm lại vừa có tầm. Tôi không thích bị bó buộc, bị lệ thuộc và phát ngôn, hành động những điều không phải của mình, tôi không bị ai áp chế sau lưng cả. Làm quản lý nghệ thuật thì ta sẽ mất đi một đạo diễn giỏi mà có một nhà quản lý tồi.
Đạo diễn Lê Hùng của chúng tôi vẫn là một bài học. Anh đã tự biến mình thành một vị bạo chúa. Trong thời buổi hiện nay, bạo chúa và vĩ cuồng không có chỗ đứng trong lòng anh em. Trong thế bùng nhùng hiện nay rất khó.
Tôi có tầm, có nhiều quan hệ. Nhưng với một “động vật cấp thấp” như tôi hiện nay, đang là Trưởng đoàn 2, phía dưới có 50 anh em cũng tâm huyết như mình, tôi sẽ làm được nhiều thứ hơn. Còn lên chức, tôi chỉ còn một mình, cô đơn trong phòng, sáng 8h đến nhà hát, giải quyết những sự vụ. Và sẽ mất đi một Chí Trung của những tâm huyết nghề nghiệp.
Có ai bắt anh phải lựa chọn đâu.
- Nhưng trong thời buổi hiện nay, tôi không có sự lựa chọn. Nếu không vì cái chung, lên để giữ nhà hát thì ai làm. Nghe nói bị làm phó giám đốc, nhiều người bảo là diễn, nhưng nói thật, tôi không thích lên một tí nào.
Nhưng nếu được phép sắp xếp nhân sự, thì tôi sẽ lựa chọn những người trẻ hơn.Bây giờ họ 45-46, đến khi 50, họ lên chức giám đốc, họ còn có 10 năm để cống hiến. Còn tôi, giờ đã 50 rồi. Năm năm nữa thì cũng oải lắm rồi. Chẳng thể làm gì thay đổi được cả với một thân xác uể oải, già nua, có chăng chỉ là sự tiếc nuối mà thôi.
Chí Trung mà cũng có lúc mệt mỏi sao. Anh có chán cái mặt của mình không?
- Mệt chứ. 60 tuổi mà vẫn hào hứng người ta cho là thằng điên. 55 tuổi mà vẫn đi đầu là hiện tượng siêu nhiên. Tôi có cảm giác mình như Đông Ki Sốt đánh nhau với cối xay gió mà đánh mãi không thắng được.
Tôi đạt đến độ trên tiền
Tôi thấy anh sống được bằng nghề đấy chứ, và cái tên Chí Trung vẫn rất hot, bằng chứng là những hợp đồng quảng cáo, những sô diễn khắp nơi, cát xê cao ngất ngưởng. Anh không hài lòng sao?
- Đúng, tôi sống được bằng nghề, có một thương hiệu như tôi, sống được bằng nghề tốt chứ. Nhưng kể cả cát xê của tôi đi event bây giờ 20 triệu ở các nhà hàng tôi cũng không thích bằng việc đi diễn vở của tôi, với diễn viên của tôi chỉ 200 ngàn đồng một tối.
Tôi không bao giờ ăn cắp tiền của Nhà nước, cấu véo tiền của anh em. Nhiều người không bao giờ đạt được độ như tôi, không phải là độ vĩ đại mà là độ trên tiền.
Thế nên, tôi biết điều tử tế mà không ra tiền cho mọi người để qua được thời đại khó khăn này, thì tôi chết. Trong trái tim mỗi người nghệ sĩ, chính kịch vẫn là chính, mình được tôn vinh chính mình. Hài kịch có số đông khán giả, nhưng không đại diện cho tầng lớp trí thức. Hài kịch không bao giờ được tôn vinh.
Ai cũng bảo tôi làm việc quần quật mà chưa được xét tặng danh hiệu NSND. Tôi nói đùa, tôi là đàn ông mà nên bao giờ cũng được “ưu tiên” sau phụ nữ, hơn nữa, tôi đóng hài kịch, hài kịch hết người để trao thì người ta mới trao cho tôi.
Vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền |
Thế giờ anh mong muốn điều gì?
- Tôi nói với các diễn viên rằng, chúng ta sẽ trở lại chính kịch, trở lại và lợi hại hơn xưa. Và phải kéo được khán giả đến rạp. Phải “bán” được, “bán” niềm tin, “bán” yêu thích, “bán” được sự thuyết phục. Khi “bán” được những điều đó, chúng ta sẽ có tiền.
Nhiều người hỏi tôi, tại sao Lê Khanh, Anh Tú đều khẳng định mình mà Chí Trung không khẳng định. Tại sao tôi chưa làm được những vở diễn tử tế, vì không có kịch bản. Tôi không muốn làm những vở diễn chẳng cho ai cả như một thời nhà hát tôi đã làm để giải ngân, 300-400 triệu mà chẳng để làm gì.
Thế nên anh chung thủy với hài, và, hài nuôi sống anh. Vậy bản sắc hài của Chí Trung là gì?
- Trí tuệ, thông điệp và tử tế. Hài kịch của tôi là hài kịch tử tế. Những điều tử tế của tôi bán rất được, nhưng đừng nghĩ chỉ là tiền nhé. Tôi cực kỳ ghét những người gọi chúng tôi là hề. Tôi không bao giờ đi dưới tầm của công chúng cả, chỉ đi ngang, và thỉnh thoảng, cố gắng vươn lên một chút.
Táo giao thông tay cầm ipad, miệng lẩm nhẩm đọc thơ
Nghe nói anh thân với Bộ trưởng Đinh La Thăng. Năm ngoái, trước khi ông Thăng lên chức, anh xin đạo diễn cho Táo giao thông thắt cổ tự tử vì không giải quyết được nạn ách tắc. Anh ngại đụng chạm chăng? Nếu vậy thì chẳng giống chất Chí Trung tí nào.
- Anh Thăng hiểu chất tôi, đó là công việc tôi phải làm. Tôi chẳng có gì mà ngại cả. Tôi chơi với anh Thăng từ khi chúng tôi còn nghèo. Hồi đó chúng tôi chỉ có cái ghi ta rách suốt ngày bập bùng với nhau. Uống vài ba chén rượu suông. Giờ anh Thăng lên cao thì tôi vẫn thế. Đùng cái, đầu năm vừa rồi, con đường lại đụng vào nhau. Anh Thăng cũng phản ứng nhiều cái.
Anh bảo: “Tôi có dốt toán đâu mà bảo tôi dốt toán”. Tôi cười: “Chả lẽ lại bảo anh giỏi toán, khen hết thì ai người ta xem. Em làm hài kịch mà”. Tôi cũng nói với anh Thăng là may tôi đóng Táo giao thông, vì tôi hiểu anh ấy và tôi chịu đọc. Nên ngoài việc bôi ra cho mọi người sướng, thì còn biết phản biện để cho anh có cơ hội giãi bày.
Năm nay, nếu được chọn vai, anh sẽ chọn Táo nào?
- Nếu được chọn, tôi vẫn chọn Táo giao thông, vì tôi đã gắn liền với hình ảnh Táo giao thông. Năm vừa rồi giao thông cũng rất nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt.
Anh muốn một hình ảnh mới của Táo giao thông như thế nào, không lại thấy mình cũ và nhàm?
- Thì facebook vậy, miệng làm thơ lẩm nhẩm và tay cầm ipad. Ngọc Hoàng có hỏi: “Tại sao nhà ngươi lại lẩm bẩm thế” thì “Báo cáo Ngọc Hoàng, giao thông họ cứ quyết đâm nhau, nên em đành phải trốn vào thơ để em đỡ phải nhìn thực trạng, đành sống ảo vậy, sức em chỉ đến thế thôi, không thể ngăn 2 cái xe đâm vào nhau mà lao xuống vực được ạ”.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện thú vị của anh.
Theo CSTC