Dù chỉ còn vài ngày nữa sẽ tới lễ trao giải Oscar (24/2), báo chí Châu Á cũng thường xuyên đề cập tới những bộ phim lớn xuất hiện trong danh sách đề cử của giải nhưng khán giả Châu Á chỉ thích chọn những phim mang tính giải trí nhẹ nhàng.
“Người xem thích phim hành động gay cấn, phim có sử dụng nhiều hiệu ứng hình ảnh – âm thanh, hoặc hài kịch vui nhộn… Nói chung phải là những phim thực sự giúp họ giải trí, phải dễ dàng cảm thụ.
Tại Đài Loan, những phim Hollywood có tính nghệ thuật cao mà vẫn đạt doanh thu lớn không nhiều, tôi mới chỉ thấy có một ngoại lệ là phim “2012” làm về đề tài thảm họa trong ngày tận thế”, Ross Lee - giám đốc của hệ thống rạp chiếu phim Vieshow Cinemas ở Đài Loan cho biết.
Với đa số người dân Châu Á, Tết là dịp để họ thoát khỏi những lo toan đời thường vì vậy họ chọn những bộ phim vui vẻ, dễ xem và thờ ơ với những phim nặng nề, chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa sâu xa.
Những ví dụ điển hình của dòng phim nghệ thuật Hollywood nhưng bị người Châu Á thờ ơ chính là “Lincoln” - ứng cử viên nặng ký tại Oscar năm nay hay “The Artist” – Phim hay nhất tại Oscar năm ngoái.
Leo Wong, một thanh niên trẻ ở Hong Kong thường xuyên đi xem phim ngoài rạp chia sẻ: “Phim “Lincoln” đậm chất Mỹ. Tôi nghĩ người Mỹ sẽ rất thích nó nhưng người Châu Á đa phần không quan tâm tìm hiểu lịch sử Mỹ làm gì. Nó quá hàn lâm đối với nhu cầu xem phim để giải trí của chúng tôi.”
Đánh trúng tâm lý người xem, không chỉ thị trường điện ảnh Hong Kong mà nhiều thị trường điện ảnh khác tại Châu Á cùng có chung dịp Tết âm lịch đã chiều lòng khán giả nội địa bằng việc cho ra mắt những bộ phim hài tình cảm nhẹ nhàng, dễ xem dành riêng cho dịp năm mới.
Đó là thị trường màu mỡ được các nhà làm phim Châu Á đặc biệt chú tâm khai thác hằng năm và người ta gọi nó là “thị trường phim Tết”.
Giải thích về lý do tại sao dịp Tết người Châu Á thích xem phim nội địa hơn, cô Christine Lam – một khán giả yêu điện ảnh cho rằng xem phim nội địa sẽ khiến tinh thần Tết lên cao: “Tết ai cũng muốn tâm trạng mình vui vẻ, phấn khích. Các nhà làm phim nội địa nắm bắt được điều đó nên họ làm phim để thỏa mãn người xem trong những ngày đầu năm.
Phương Tây không có khái niệm Tết nên nếu xem phim của họ trong những ngày đầu năm, bạn vẫn thấy có bạo lực, đau buồn. Xem phim nội địa thì khác, rất vui, chúng tôi cười suốt.”
"Nhà có 5 nàng tiên" - Phim Tết của Việt Nam
Tôn Thiếu Di, một giảng viên của khoa Điện ảnh – Truyền hình tại trường Đại học Thượng Hải nhận xét bên cạnh tâm lý đặc trưng của người dân Châu Á, thích xem phim giải trí nhẹ nhàng thì chính sách của các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực kiểm duyệt điện ảnh cũng có tác động không nhỏ đối với sự “thất thế” của các “bom tấn” phương Tây tại thị trường Châu Á.
Trước hết, quan niệm về thẩm mỹ của phương Đông và phương Tây rất khác nhau. Có những phim Hollywood bị người Châu Á cho là quá “khủng khiếp” với nhiều cảnh bạo lực, tình dục vì thế chúng thường bị kiểm duyệt kỹ càng và cắt xén bớt những cảnh không phù hợp.
Ngoài ra, khi xét tới lợi ích của nền điện ảnh trong nước, những bộ phim lớn của nước ngoài thường được chiếu vào những thời điểm không có nhiều lợi thế bằng. Dịp Tết, tại nhiều nước Châu Á, các phim nội địa gần như thống lĩnh rạp chiếu.
Làm như vậy, khán giả trong nước sẽ tập trung vào dòng phim nội địa và thu về cho nền điện ảnh nước nhà một khoản lớn đầu năm. Tết là thời điểm chứng kiến thế thượng phong của dòng phim nội địa.
Đối với các phim được đề cử tại giải Oscar, thường khi giải đã công bố rồi, khán giả mới được xem. Rất ít phim lớn được đề cử tại giải Oscar có thể gây xôn xao thị trường điện ảnh Châu Á giống như “Les Miserables” (Những người khốn khổ).
Tại Việt Nam, "Mỹ nhân kế" thắng lớn trong dịp Tết Quý Tỵ
Thomas Huang, chủ một công ty điện ảnh ở Đài Bắc đã xem hết các phim được đề cử tại giải Oscar năm nay và nhận định “không cần phải chờ tới khi công bố giải Oscar mới có được sự bảo đảm về chất lượng của phim. Bản thân mỗi bộ phim đã đạt tới những tiêu chí cao dành cho một tác phẩm điện ảnh rồi”. Tuy vậy, để ông Thomas Huang quyết định mua phim về công chiếu quả thực không đơn giản.
Phim nghệ thuật của Hollywood không những bị lạnh nhạt trong dịp Tết mà ngay cả khi Tết đã qua, người dân vẫn tiếp tục thờ ơ. Theo ông Huang, chỉ có thể chọn những phim đoạt giải cao tại Oscar để mua về công chiếu bởi giải chính là tấm vé thống hành, bảo đảm về chất lượng của phim.
“Chỉ sau khi phim đã đoạt giải nó mới thu hút được sự chú ý của người xem. Các công ty điện ảnh thường chỉ dám mua những phim thắng giải về chiếu. Người Châu Á không thích mạo hiểm bỏ tiền ra xem và kiểm chứng chất lượng phim. Tâm lý ăn chắc mặc bền khiến họ chỉ chịu bỏ tiền mua vé khi phim đã đoạt giải, mặc dù những phim không đoạt giải cũng xứng tầm là những tác phẩm lớn đáng xem.”
Theo Dantri