Chính vì thế, khi thông tin phim chính thức được cấp phép phát hành từ ngày 26/7 không chỉ ekip thực hiện mà cả khán giả đều thở phào. Đây được xem như thành công đầu tiên của bộ phim khi đã thuyết phục được hội đồng kiểm duyệt gắt gao.
Cũng như bất kỳ một bộ phim nào, ngay cả các bom tấn Hollywood cũng không là ngoại lệ ngay sau khi ra mắt báo chí, phim cũng nhận được nhiều khen – chê. Và rất đông các ý kiến trong đó khích lệ một phim Việt với ekip trẻ nhưng đã làm được một bộ phim tương đối “sạch sẽ”.
Cuộc chiến trong Đường đua cam go và nghẹt thở.
Đường đua là bộ phim quy tụ nhiều cái “lần đầu tiên” nhất. Diễn viên Hồng Ánh sau khi ghi dấu tên tuổi qua hàng loạt các vai diễn lớn lần đầu tiên đảm nhận vai trò của một nhà sản xuất kiêm tác giả kịch bản. Đây là dự án tâm huyết mà chị đã nung nấu trong một thời gian dài.
Nguyễn Khắc Huy – người được chính Hồng Ánh phát hiện từ dự án phim 89600 km +… với Chuyện tào laocũng lần đầu tiên đảm nhận vai trò đạo diễn. Tốt nghiệp trường Điện ảnh Sydney cơ hội đầu tay này cũng là thách thức không nhỏ đối với đạo diễn trẻ khi nhận “ca khó” này.
Với Phạm Anh Khoa, sau khi lấn sân điện ảnh với Mỹ nhân kế anh đã có vai nam chính đầu tiên đầy sức nặng. Và Nhan Phúc Vinh cũng lần đầu tiên được giao đảm nhận một vai phản diện không hề dễ dàng.
Những sự đầu tiên ấy là thách thức và cũng là cơ hội để cho ekip Đường đua được thỏa sức phát triển sự sáng tạo và hoàn toàn có thể tạo nên đột phá.
Phạm Anh Khoa - một điểm sáng của bộ phim.
Có thể nói, thành công đầu tiên dễ cảm nhận của Đường đua là nó đã mang đến cho khán giả một cảm xúc mới lạ. Thể loại tâm lý hành động dù đã quen thuộc với khán giả trên thế giới nhưng ở Việt Nam, đây vẫn là một “miếng ăn khó” đối với các đạo diễn. Đường đua dẫn dắt khán giả vào một thế giới trong đó những cuộc mưu sinh, chạy trốn, truy đuổi được đẩy lên khốc liệt, thậm chí nhiều lúc là rợn người.
Lộc (Phạm Anh Khoa) từ một vận động viên điền kinh sáng giá nhưng sau khi đánh HLV đã bị đuổi khỏi đội tuyển để bắt đầu công việc của một anh chàng lái xe. Vì trót dính vào cờ bạc mà cuối cùng anh đã phải trả giá quá đắt khiến bố, em gái và cả bản thân đã phải chết.
Ở Đường đua dõi theo hành trình của Lộc khán giả sẽ khó có thể rời mắt khỏi màn hình trong từng thước phim. Với số nợ chồng chất lên đến vài trăm triệu, Lộc đã đi đến đường cùng – quyết định đi cướp tiệm vàng để mong có thể thoát nợ.
Thế nhưng, trong bối cảnh nghẹt thở trước khi anh xông vào tiệm vàng với khẩu súng giả trong tay tình tiết đột ngột thay đổi. Lộc bắt đầu bước vào một đường đua mới mà anh đã trở thành tội phạm bất đắc dĩ. Từ một người hiền lành, sẵn sàng can ngăn Lâm (Qúy Bình) không giết người Lộc đã “nhúng chàm”.
Có thể nói diễn biến của nhân vật khá hợp lý. Đặc biệt, trong thế cùng quẫn nhất bị cảnh sát truy đuổi, em gái và bố qua đời Lộc không còn gì để mất.
Nhan Phúc Vinh - một ông trùm mafia kiển Hàn.
Có thể nói, từ một tay ngang, là một ca sỹ nhưng Phạm Anh Khoa đã hoàn thành vai diễn này khá tròn trịa. Tất nhiên, nếu là một diễn viên đã có nghề, khán giả sẽ còn đòi hỏi vai Lộc phải diễn nội tâm sâu sắc hơn, sự đấu tranh mạnh mẽ hơn mới thực sự… đã.
Song hành cùng Phạm Anh Khoa, vai phản diện của Nhan Phúc Vinh chưa hẳn là xuất sắc nhưng là một vai diễn lạ. Kiểu vai những tay giang hồ lịch lãm, bảnh bao vừa độc ác, thủ đoạn nhưng pha chút khôi hài không còn lạ, đặc biệt trong những bộ phim Hàn Quốc.
Có ý kiến cho rằng, Nhan Phúc Vinh chưa cần diễn nhiều mà bản thân khuôn mặt của anh khi lên hình chỉ cần vằn mắt đã đủ ác. Về phần ác, vai Hải đã khá thành công.
Tuy nhiên, trong một số phân đoạn Nhan Phúc Vinh vẫn hơi gồng mình khiến diễn xuất chưa thật sự tự nhiên để khiến khán giả “cười mà sợ”. Nhưng, với những gì thể hiện, nhất là vai phản diện đầu tiên thì Nhan Phúc Vinh đủ khiến khán giả hài lòng. Đúng như vai diễn của nghệ sĩ Trung Dân từng nói, Hải đã bật lên được những tính cách rất điển hình: bóng, lẹo cái, biến thái, lạc loài…
Trong bối cảnh các phim điện ảnh thường xoáy vào các nhân vật chính thì trong Đường đua, đất diễn của các nhân vật phụ tuy ít nhưng họ lại bộc lộ cá tính rất logic trong mạch truyện.
Qúy Bình it đất diễn nhưng vẫn bộc lộ khả năng diễn xuất.
Đáng khen ngợi nhiều nhất chính là nghệ sĩ hài Trung Dân vai bố của Lộc. Dù khán giả không ai biết về quá khứ của người đàn ông một tay nuôi hai con nhưng phân đoạn ông đối mặt với Hải, khán giả vừa đủ cười vừa đủ sợ xen lẫn cả sự khâm phục. Phân đoạn này dù chỉ diễn ra trong thời gian khá ngắn nhưng từng câu thoại, cử chỉ, ánh mắt của ông đều quá đạt.
Hai cái tên còn lại cũng nhận được nhiều lời khen ngợi là Cát Tường – vai một bà chủ buôn và Quý Bình – vai Lâm. Cát Tường chỉ xuất hiện ngắn ngủi trong phần đầu câu chuyện nhưng từ cách nói chuyện, ngôn ngữ chợ búa dù có đôi chút thô tục nhưng rất hợp bối cảnh. Trong khi đó, vai diễn của Qúy Bình dù chỉ là một lát cát của bộ phim nhưng cách anh diễn vẫn khiến khán giả bị cuốn hút.
Để làm nên thành công cho vai diễn phần bối cảnh, quay phim và ánh sáng đã hoàn thành khá tốt vai trò của mình. Dù là một đạo diễn trẻ nhưng Nguyễn Khắc Huy đã chăm chút cho từng phân cảnh, góc máy một cách khá kỹ lưỡng. Đặc biệt, ngôn ngữ của bộ phim đã làm bật nên tính cách của từng nhân vật với những xuất thân khác nhau của họ.
Nghệ sĩ hài Trung Dân khiến mạch phim nhẹ nhàng hơn.
Lộc – một vận động viên bản chất hiền lành, chất phác nhưng khi bị dồn vào thế đường cùng cũng trở nên táo tợn. Hải – một ông trùm xã hội đen vừa bóng bẩy, lịch lãm nhưng khi lộ rõ bản chất trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết. Những nhân vật khác của Qúy Bình, Cát Tường, Trung Dân… mỗi người đều được làm bật nên tính cách và số phận của mình.
Ngoài việc đẩy cốt truyện lên kịch tính, Đường đua cũng đã tiết chế để khiến khán giả “dễ thở”. Đó là phân đoạn đối đầu khôi hài giữa bố của Lộc và Hải hay phân đoạn cô gái qua đường sẵn sàng cởi đồ để mời gọi Lâm. Dù không được khai thác nhiều nhưng nó giống như thứ gia vị không thể thiếu trong mạch truyện với nhiều pha hành động nghẹt thở, các cảnh hành động kịch tính.
Nhiều ý kiến sẽ thắc mắc vì sao cũng có không ít cảnh hành động, chém giết nhưng Đường đua vẫn được ra rạp dù đã được gắn mác “Cấm trẻ em dưới 16 tuổi”. Trên thực tế, câu chuyện trong phim khá nặng về yếu tố tâm lý và không phải mọi tình huống đều được giải quyết bằng chém giết. Sự xuất hiện của lực lượng công an là cần thiết trong những cuộc ẩu đả của các băng đảng xã hội đen, do đó ít nhất nó cũng tạo được niềm tin nơi khán giả.
Dù xuất hiện ít ỏi vai phụ của Cát Tường khá ấn tượng.
Dĩ nhiên, Đường đua vẫn còn nhiều lỗ hổng trong kịch bản mà khán giả sẽ cảm thấy chưa hoàn toàn logic khi xem phim. Ngọn hải đăng bị sét đánh được khắc họa giống như thể loại phim khoa học viễn tưởng, cảnh người bốc cháy đột ngột lao vào xe của Lộc và đặc biệt là chi tiết về chiếc túi có ánh sáng xanh kia… khiến khán giả đặt ra nhiều câu hỏi hồ nghi.
Ai cũng chắc chắn phim sẽ còn có phần hai để giải mã cho câu chuyện còn dang dở kia nhưng, với một bộ phim điện ảnh làm theo series thì cái kết mở của Đường đua có phần hụt hẫng và chưa thật sự thuyết phục.
Là phim của đạo diễn trẻ, ekip trẻ và ít kinh nghiệm thế nên Đường đua cần nhiều hơn sự khích lệ hơn là những bình luận mang tính tiêu cực cho một bộ phim từng đứng bên bờ vực không được ra mắt khán giả.
Phim sẽ chính thức công chiếu tại các cụm rạp từ ngày 26/7.
Theo Khampha