Cảnh báo tình trạng tuỳ tiện xưng danh đô thị xanh

Thứ tư, 14/12/2011, 13:33
" Chưa có công trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá phân loại các đô thị Việt Nam theo các tiêu chí đô thị xanh nên nhiều khu đô thị (KĐT) hiện nay thường tự lập tiêu chuẩn theo kiểu ‘tự phong’, tùy cảm nhận đánh giá của NĐT và người dân sống trong KĐT".

>>Đô thị xanh là xu hướng tất yếu trong quy hoạch
 

Đó là nhận xét của ông Lê Trọng Bình, Viện trưởng Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại buổi tọa đàm về đô thị xanh mới đây.

Thiếu tiêu chí về đô thị xanh

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, đô thị xanh là khái niệm mới xuất hiện, nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và các nhà đầu tư bất động sản (BĐS). Đô thị xanh ngày càng trở nên quan trọng do tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn ngày một gia tăng ở các đô thị lớn và người dân ngày càng ao ước được sở hữu ngôi nhà thoáng đãng, tiện nghi trong không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên.


Đồng tình với quan điểm về vai trò của "đô thị xanh" nhưng ông Lưu Đức Hải, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa định nghĩa một cách rõ ràng, cụ thể về khái niệm "đô thị xanh". Một số văn bản quy phạm pháp luật cũng mới chỉ đề cập đến phần xanh trong KĐT như hệ thống cây xanh, mặt nước.

 
"Còn trên thực tế, tại nhiều KĐT mới hiện nay, vì chạy theo lợi nhuận, chủ đầu tư đã bỏ qua hoặc thu hẹp đến mức tối thiểu phần diện tích xanh, trong khi đây lại là không gian sống rất quan trọng của KĐT", ông Hải nói.

Một thực trạng khác cũng được nhiều đại biểu tại hội thảo phản ánh là việc xây dựng đô thị xanh ở nước ta đang gặp phải trở ngại lớn nhất là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị còn rất thấp kém, đặc biệt là hệ thống công trình giao thông, hệ thống cấp nước, không gian xanh còn rất nhỏ bé...

Viện trưởng Viện Kiến trúc Lê Trọng Bình cho biết, trong chiến lược và quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2030, thiếu định hướng phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh.

Hiện tại Hà Nội, TP. HCM và một số đô thị lớn khác đã có các KĐT mới được quy hoạch và xây dựng theo hướng tiệm cận với mô hình KĐT xanh, KĐT sinh thái.

Càng nhiều không gian xanh càng có giá

Với góc nhìn của nhà đầu tư, ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, đô thị xanh sẽ là xu hướng của thị trường BĐS trong thời gian tới. "Những KĐT có nhiều không gian xanh sẽ ngày càng có giá. Cơ hội sẽ đến với những chủ đầu tư nếu ngay từ bây giờ chú trọng đến yếu tố ‘đô thị xanh’ này", ông Mai khẳng định.

Nhằm hạn chế kiểu "tự phong", ông Mai cũng kiến nghị trong lĩnh vực BĐS, các hiệp hội cần cùng nhau thành lập và công nhận một "Hội đồng công trình Xanh" và xây dựng các tiêu chí cho công trình BĐS xanh, hệ thống điểm và phân loại cấp độ… để xác định đúng và toàn diện một công trình đạt tiêu chuẩn "đô thị xanh".

Ông Bình đưa ra 5 nhóm tiêu chí khung về kiến trúc "xanh" bao gồm: địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên, năng lượng và công nghệ xanh; chất lượng môi trường kiến trúc, môi trường đô thị; tác động môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn; gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị truyền thống.

Còn theo ông Chính, một đô thị xanh phải đạt 7 tiêu chí: không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa, cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên.

Để thực hiện được các tiêu chí trên, theo ông Hải, không gian xanh đô thị cần phải có cái nhìn toàn diện hơn, bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, thị trấn sinh thái, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục xanh cảnh quan…

Với những tiêu chí ngặt nghèo trên công trình, dự án BĐS được công nhận đạt tiêu chuẩn "đô thị xanh" chắc chắn sẽ có ý nghĩa và giá trị rất lớn cho cả chủ đầu tư và người sử dụng.

 

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích