Trung Quốc bắt đầu sang kiểm tra 31 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam

Thứ năm, 17/11/2016, 09:11
Ngày 16/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam đã tiếp và làm việc với đoàn cán bộ Tổng cục kiểm dịch của Trung Quốc về việc kiểm dịch thực vật đối với gạo của Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Thực hiện Nghị định thư xuất khẩu gạo và cám sang thị trường Trung Quốc, hôm qua (16/11), đoàn 6 cán bộ kiểm dịch thực vật của Trung Quốc sang làm việc với Bộ NN&PTNT và bắt đầu đi kiểm tra 31 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) của Bộ NN&PTNT khẳng định, từ năm 2004 đến nay Việt Nam không có 2 loại tuyến trùng mà phía Trung Quốc đưa ra yêu cầu kiểm dịch. Hiện nay, Cục vẫn duy trì giám sát thường xuyên đối với 2 loại tuyến trùng này.

Về việc sử dụng thuốc BVTV, Cục BVTV đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp sử dụng đúng thuốc trong danh mục, đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” nhằm phòng trừ dịch hại hiệu quả và không để tồn dư thuốc BVTV trên sản phẩm. Cục cũng tiến hành chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV trên lúa nhằm đảm bảo toàn bộ sản phẩm đưa vào kho của các doanh nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nói về cơ chế quản lý gạo xuất khẩu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đã ban hành Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa, chế biến theo tiêu chuẩn Việt Nam. Các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện mới được xuất khẩu gạo đi các nước.

“Đoàn Trung Quốc sang kiểm tra 31 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Sau khi kiểm tra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam có ý thức, trách nhiệm tuân thủ các quy định của Việt Nam cũng như của Trung Quốc. Với nỗ lực thường xuyên của doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, tôi mong muốn đoàn kiểm tra đánh giá khách quan và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp tục duy trì xuất khẩu gạo sang Trung Quốc ổn định trong thời gian tới” – vị đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam (áo trắng, ở giữa) phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có tái cơ cấu ngành lúa gạo. Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo tập trung vào 2 lĩnh vực: Đảm bảo chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng liên kết với nông dân, hợp tác xã xây dựng những vùng nguyên liệu rộng lớn, đảm bảo nguồn lúa gạo đảm bảo chất lượng để xuất khẩu.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

“Vùng trọng điểm lúa gạo của Việt Nam tập trung ở phía Nam, nhất là ĐBSCL. Nhiều vùng nguyên liệu vài trăm ha, trồng lúa chất lượng cao của những doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân. Trong số 31 doanh nghiệp mà Tổng cục kiểm dịch của Trung Quốc đến làm việc lần này, đa số đều có vùng nguyên liệu, cơ bản kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam sản xuất 45 triệu tấn thóc và lượng gạo xuất khẩu hàng năm vào khoảng 6-7 triệu tấn (tương đương với 25% tổng sản lượng). Trong 10 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo đi 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như: Châu Mỹ, EU, Hàn Quốc, Singapore....

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn