Thông tin này được ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) trả lời các nhà đầu tư tại cuộc gặp trước thềm IPO, ngày 12/1 tại Hà Nội.
Theo ông Cao Hoài Dương, hiện doanh nghiệp này vẫn còn 2 khoản tiền gửi kỳ hạn 3-6 tháng tại OceanBank gồm 231 tỷ đồng và 3,3 triệu USD (tương đương 70 tỷ). "Hai khoản tiền gửi này chúng tôi nhận được đảm bảo bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo mọi quyền lợi của PVOil. Cấp có thẩm quyền cũng đề nghị doanh nghiệp tạm thời không rút khoản tiền trên khỏi OceanBank", ông Dương cho biết.
Số tiền trên 300 tỷ đồng này, Tổng giám đốc PVOil khẳng định, không phải khoản tiền lớn nên việc "tạm thời chưa rút khỏi OceanBank" cũng không ảnh hưởng gì tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
"Chúng tôi kinh doanh cần vốn tới hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, vài trăm tỷ không thấm vào đâu. Hy vọng thời gian tới khi OceanBank hoạt động tốt hơn thì doanh nghiệp có thể rút khoản tiền này", ông Dương khẳng định.
Ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc PVOil kỳ vọng sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp này thay đổi quản trị, phát triển và mở rộng mạng lưới 1.000 cây xăng bán lẻ trong 5 năm tới. |
Lãnh đạo PVOil cũng tiết lộ, sau khi hoàn thành quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp sẽ thoái vốn 100% khỏi Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư Petec. Lý giải việc "chia tay", ông Dương cho hay, Petec đã từng là thương hiệu lớn của Bộ Thương mại trước đây trong lĩnh vực xăng dầu sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng kho xăng tốt, nhưng điểm yếu của doanh nghiệp này là ở khâu bán lẻ.
"Tỷ lệ bán buôn chiếm hơn 90% trong khi bán lẻ chỉ 5% đang trở thành gánh nặng và cơ cấu này không còn phù hợp với chính sách muốn phát triển mạnh vào thị trường bán lẻ xăng dầu của PVOil", ông Dương nói.
Ngoài ra, PVOil đang phải gánh khoản lỗ luỹ kế do phải nhận chuyển nhượng Petec bằng mệnh giá trong khi đơn vị này bị lỗ luỹ kế, khiến doanh nghiệp phải trích lập dự phòng. Trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, khoản lỗ này đã được loại ra, nên "nhà đầu tư mua cổ phần PVOil không có phần lỗ này".
"Hiện chi phí khấu hao của Petec đang là gánh nặng, nên trong 2 giải pháp giữ hay thoái vốn tại Petec chúng tôi chọn phương án thoái vốn. Có thể khi vào tay nhà đầu tư khác họ sẽ cải thiện được hiệu quả kinh doanh của Petec", Tổng giám đốc PVOil chia sẻ.
Theo quyết định về cổ phần hoá tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Chính phủ phê duyệt, vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này sau cổ phần hoá chỉ còn 35,1% (tương đương hơn 363 triệu cổ phần). Doanh nghiệp sẽ dành trên 1,86 triệu cổ phần (khoảng 0,18%) bán ưu đãi cho người lao động và bán đấu giá công khai lần đầu (IPO) gần 207 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Giá bán khởi điểm 13.400 đồng một cổ phần.
Lượng cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là 44,72%, khoảng 462,5 triệu cổ phần và room cho đối tác ngoại tối đa lên tới 49%.
Bị so sánh với "đàn anh" Petrolimex khi tỷ suất lợi nhuận thấp hơn, CEO PVOil thừa nhận, song tự tin doanh nghiệp của mình là "cô gái chân dài nên dễ hoàn thiện sắc đẹp". Những điểm chưa hoàn thiện như số lượng cửa hàng xăng dầu, mức độ nhận biết thương hiệu... sẽ nhanh chóng được doanh nghiệp này khắc phục sau khi cổ phần hoá với sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược.
Tổng giám đốc PVOil cho hay, quá trình bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược được thực hiện sau IPO (ngày 25/1/2018) khoảng 3 tháng, nhưng việc xúc tiến tìm kiếm nhà đầu tư đã được doanh nghiệp tiến hành hơn một năm trước đây.
Tới 4/1 đã có 8 hồ sơ của các nhà đầu tư trong đó có 6 đối tác ngoại và 2 nhà đầu tư trong nước quan tâm, đặt vấn đề muốn mua cổ phần của PVOil. Nhà đầu tư ngoại gồm những tên tuổi lớn trong ngành dầu khí toàn cầu như Tập đoàn Shell (Mỹ), Idemitsu (Nhật Bản), Puma... và 2 đối tác trong nước thì có một doanh nghiệp liên quan tới bà chủ Hãng hàng không Vietjet.
Trước thềm IPO được tổ chức ngày 25/1 tới, doanh nghiệp này cũng báo lãi hợp nhất 410 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ 325 tỷ và 173 tỷ đồng từ các công ty con. Số lãi chưa bao gồm thuế nhập khẩu từ ASEAN và Hàn Quốc, khoảng 221 tỷ đồng. Tính đầy đủ khoản thuế đang chờ hoàn thì lợi nhuận 2017 là 630 tỷ đồng. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hợp nhất gần 56.000 tỷ đồng, tăng 165% so với kế hoạch và nộp ngân sách 8.100 tỷ đồng, tăng 142% kế hoạch. Bình quân mỗi người lao động PVOil nộp thuế 1,38 tỷ.
Với thị phần 22%, ông Dương cho rằng, doanh nghiệp còn tới 28% dư địa thị trường nữa để phát triển, và mục tiêu phát triển 1.000 cây xăng bán lẻ trong 5 năm tới hoàn toàn khả thi thông qua hình thức mua bán sáp nhập, mua lại từ các doanh nghiệp đầu mối nhỏ.
"Hiện vẫn còn hơn 10.000 cây xăng thuộc đầu mối, doanh nghiệp xăng dầu nhỏ, chúng tôi đặt mục tiêu mua lại một phần mười số này trong 5 năm tới không có gì lớn", CEO PVOil nói.
Theo VNE