Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) 2018 do Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức sẽ diễn ra trong 24h ngày Thứ 6 (7/12).
Năm nay, Ban tổ chức Online Friday đặt mục tiêu doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, 2 triệu đơn hàng thành công với 5 triệu lượt truy cập, cùng 50 triệu lượt Tương tác, tìm kiếm thông tin và trải nghiệm mua sắm. Hiện đã có 3.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình với 5.000 sản phẩm giảm giá.
Theo quy định mới tại Nghị định 81 về hoạt động xúc tiến thương mại, doanh nghiệp tham gia ngày mua sắm trực tuyến có thể đưa ra mức khuyến mãi hàng hoá, dịch vụ tới 100%, chứ không đơn thuần nấc giảm giá 50% như trước.
Chất lượng hàng hoá chính hãng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số vẫn tiếp tục là điểm nhấn của Online Friday năm nay.
Kênh mua hàng online được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì sự tiện lợi. |
Liên quan tới kiểm soát chất lượng sản phẩm tham gia khuyến mãi, ông Hải cho biết, Ban tổ chức đã làm việc chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà cung cấp, buộc họ phải cung cấp giấy chứng nhận về xuất xứ hàng hoá. Việc kiểm soát chất lượng hàng cũng được chú trọng hơn với khâu trung gian khi được bán thông qua các sàn thương mại điện tử, tránh tình trạng hàng bán ra vi phạm các quy định về bản quyền, thông tin sai lệch...
"Kiểm soát hàng hoá cần làm từ gốc, như kiểm soát chặt khâu thông quan ở cửa khẩu; tăng cường kiểm tra doanh nghiệp sản xuất... Cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái là cuộc chiến kiên trì. Bản thân mỗi người tiêu dùng không chấp nhận hàng giả, hàng nhái thì những loại hàng này khó có đất sống trên thị trường", ông Hải nhận định.
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số cũng cho biết, ngày mua sắm trực tuyến năm nay sẽ đẩy mạnh việc thanh toán qua mã QR Code, POS thay vì dùng tiền mặt. Hệ thống kỹ thuật được chuẩn bị để đảm bảo 5 triệu lượt truy cập và 150.000 tương tác cùng thời điểm.
Cùng sự tham gia của 20 ngân hàng hỗ trợ hoạt động thanh toán, hoàn tiền cho người dùng thẻ thanh toán, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử hy vọng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại sự kiện tới đây sẽ là 100%.
Ngày mua sắm trực tuyến được Chính phủ phê duyệt, diễn ra vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12 được tổ chức lần đầu năm 2014. Năm 2016, sự kiện đạt tổng doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia. Năm 2017, đã có 2,4 triệu lượt truy cập vào trang mua sắm của chương trình với 1,3 triệu đơn hàng được giao dịch, doanh thu hơn 1.220 tỷ.
Theo VNE