Tôm hùm đất (tên khoa học Procambarus clarkii) nuôi ở nhiều tỉnh của Trung Quốc. Nikkei (Nhật Bản) cho hay loài này mang lại giá trị kinh tế gần 40 tỷ USD cho Trung Quốc trong năm 2018 và là sinh kế của hơn 5,2 triệu nông dân, đầu bếp và phục vụ nhà hàng. Ở Mỹ, tôm hùm đất cũng tạo ra giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Gần đây, loài này được bán nhiều tại Việt Nam. Một số nhà hàng lớn đã đưa món tôm hùm đất vào thực đơn. Dù vậy, việc nuôi, kinh doanh tôm hùm đất lại bị cấm do vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.
Lý giải "vì sao tôm hùm đất đã chứng minh được hiệu quả kinh tế ở Mỹ, Trung Quốc mà Việt Nam lại cấm?", tiến sĩ Nguyễn Quang Huy (Viện phó Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cho biết: "Đưa loài này vào nuôi ở Việt Nam có thể đem lại chút lợi ích trước mắt, nhưng tác hại chúng gây ra cho nông nghiệp lại rất khủng khiếp, kéo dài. Chúng bò nhanh, phát tán rộng, khó tiêu diệt hơn ốc bươu vàng".
Tôm hùm đất bị cấm nuôi, kinh doanh tại Việt Nam. |
Việt Nam đã nhập khẩu tôm hùm đất từ Trung Quốc và nuôi thử nghiệm ở tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình và Hà Nam vào năm 2006. Kết quả cho thấy loài này có tập tính sống ẩn nấp trong rễ cây ven sông hồ, thậm chí bò lên cạn thở bằng oxy, thường đào hang sâu 1-2m nên có khả năng phá hủy hệ thống tưới tiêu nông nghiệp. Chúng còn là vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường, cạnh tranh thức ăn, tiêu diệt loài tôm, cá bản địa.
Ông Huy cho rằng Trung Quốc có thể nuôi trồng loài tôm này vì điều kiện đất đai rộng lớn, có nhiều thủy vực tự nhiên không canh tác hoa màu. Còn Việt Nam, đa số diện tích đất nông nghiệp trồng lúa nước với thửa ruộng nhỏ, tôm hùm đất phát tán ra ngoài sẽ phá hoại mùa màng.
Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tôm hùm đất không có giá trị kinh tế cao. Thịt của chúng rất ít, một cân giá 400.000 đồng song chỉ có ba lạng thịt, còn lại toàn vỏ. "So với các loài tôm bản địa như tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh thì không thể ngon bằng. Nhiều người ăn tôm hùm đất vì lạ miệng, lâu dần sẽ chán", ông Hùng nói.
Ông Hùng nói Trung Quốc đang phải gánh chịu những hậu quả không hề nhỏ về môi trường sinh thái do tôm hùm đất gây ra, điển hình là việc chúng phá hoại ở dọc sông Trường Giang.
"Việt Nam sở hữu nhiều loài thủy sản có thể tập trung phát triển thành nguồn lợi lớn, tại sao phải chọn nuôi một loài mới từ nước ngoài khi biết nó đem lại quá nhiều rủi ro cho nông dân?", ông Hùng nêu quan điểm và cho rằng "không thể thấy nước khác nuôi con gì mình cũng chạy theo". Trước khi đưa loài mới vào nuôi trồng, cơ quan quản lý phải cân nhắc kỹ càng yếu tố kinh tế, môi trường.
Cùng quan điểm, ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), đánh giá tôm hùm đất làm giảm sự đa dạng của các loài thực vật thủy sinh bậc cao, thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích, tích lũy kim loại nặng. Chúng tương tác với các loài xâm lấn khác làm giảm các quần thể động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua mối quan hệ ăn thịt và cạnh tranh. Vì lẽ đó, tôm hùm đất không chỉ bị cấm ở Việt Nam mà còn được ghi nhận là loài xâm hại tại Trung Quốc, Nhật Bản, Kenya, Ai Cập, Uganda, Zambia, Mexico, Cộng hòa Síp, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha....
Theo VNE