|
Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vừa bị Mỹ tung một cú đấm giáng trời bằng việc đưa vào danh sách đen hạn chế mua thiết bị của các công ty Mỹ. |
Các nhà quản lý về cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng bao gồm các công ty viễn thông lớn, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính sẽ được mời tham gia đánh giá về các rủi ro an ninh mạng khi mua các sản phẩm và dịch vụ của nước ngoài.
Trong dự thảo mới này, Trung Quốc nhấn mạnh công nghệ bảo mật và có thể kiểm soát được trong cơ sở hạ tầng thông tin chính yếu của Trung Quốc.
Đây là một phần của việc đánh giá bảo mật đã từng được thực thi trong luật an ninh mạng của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 7/2017. Dự thảo mới này không cung cấp danh sách chi tiết thế nào được coi là rủi ro an ninh, ngoài việc cung cấp các ví dụ như “rò rì, mất mát và chuyển nhượng xuyên biên giới các dữ liệu quan trọng” và “đe dọa an ninh chuỗi cung ứng”.
Bà Samm Sacks, nhà nghiên cứu về chính sách kinh tế số và an ninh mạng Trung Quốc tại viện nghiên cứu New America ở Mỹ cho biết: “Trung Quốc có thể dùng những quy định trong dự thảo này để chặn việc mua công nghệ Mỹ trên cơ sở an ninh quốc gia. Điều này có vẻ như là một sự đáp trả lại sắc lệnh hành pháp mà Mỹ vừa ban hành”.
Bà Sacks cho biết thêm, sắc lệnh hành pháp vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhằm hạn chế "các đối thủ nước ngoài” mua công nghệ của Mỹ vì lo ngại những rủi ro an ninh quốc gia.
Những quy định của dự thảo này được đưa ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Tuần trước, chính quyền ông Trump đã tung ra một cú đấm với tập đoàn công nghệ Huawei, một trong những nhà sản xuất công nghệ hàng đầu Trung Quốc, bằng một sắc lệnh cấm Mỹ mua các sản phẩm của công ty Trung Quốc này trên cơ sở an ninh quốc gia.
Ngoài ra, Huawei còn bị đưa vào danh sách đen nhằm cắt giảm nguồn cung ứng các sản phẩm của Mỹ từ vi mạch của Intel, Qualcomm đến hệ điều hành Android của Google chạy trên điện thoại thông minh của Huawei.
Những lo ngại về an ninh quốc gia từ lâu đã được sử dụng như một sự biện minh cho việc Washington càng gia tăng sự giám sát đối với Huawei. Các nhà lập pháp Mỹ đã nghi ngờ mối quan hệ của Huawei với chính phủ, mặc dù công ty này đã bác bỏ những khẳng định cho rằng thiết bị của họ có thể được sử dụng làm gián điệp.
Với động thái Trung Quốc trả đũa có thể xảy ra trong nội dung dự thảo mới, các chuyên gia cho rằng thế giới đang đi theo một con đường gồm hai hệ sinh thái công nghệ khác biệt nhau, nơi Trung Quốc muốn tống cổ các công ty Mỹ và Mỹ muốn tống khứ các công ty Trung Quốc.
Nhà phân tích Nick Marro tại đơn vị tình báo kinh tế cho biết, sự mập mờ trong quy định cho thấy các quan chức Trung Quốc có khá nhiều linh hoạt theo cách mà họ muốn. Điều này cũng có nghĩa rằng, Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp định tính như là một phần trả đũa cho các công ty Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.
Ông cho biết thêm, nó sẽ khiến cho các công ty nước ngoài phải có trách nhiệm tuân thủ cao đối với luật an ninh mạng của Trung Quốc.
Theo Tiền Phong