Trang Reuters đưa tin, khách hàng tiềm năng của Huawei ở phân khúc cao cấp đang có xu hướng lựa chọn sản phẩm từ các hãng đối thủ như Samsung và Apple. Trong khi đó ở phân khúc tầm trung, người dùng có thể chuyển hướng sang điện thoại của Oppo hay Vivo.
"Miếng bánh thị phần của Huawei sẽ sớm được các hãng chia sẻ lại với nhau. Công ty được hưởng lợi nhất là Samsung khi gã khổng lồ Hàn Quốc có thể tiếp tục mở rộng tại châu Âu", Bryan Ma, Phó chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường IDC nhận định.
Theo PriceSpy, lượng người tìm hiểu thông tin về smartphone Huawei giảm rõ rệt so với tuần trước. (Ảnh: Android Authority). |
Theo PriceSpy, trang web so sánh sản phẩm với trung bình 14 triệu lượt truy cập mỗi tháng, các thiết bị cầm tay của Huawei đang cho thấy sức hút kém hơn sau lệnh cấm vận từ Mỹ.
"Khoảng 4 ngày qua, sức hút của smartphone Huawei giảm xuống rõ rệt. So với tuần trước, lượng click chuột vào các sản phẩm của hãng giảm một nửa tại Anh và 26% trên thị trường toàn cầu", PriceSpy cho biết.
Các nhà phân tích cũng dự đoán lượng hàng bán ra của Huawei có thể giảm 1/4 trong năm nay. Thậm chí, smartphone của hãng đối mặt với nguy cơ biến mất khỏi một số thị trường trong tương lai không xa.
Theo Fubon Research và Strategy Analytics, doanh số của nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới có thể giảm 4-24% trong năm 2019. Nhiều chuyên gia khác nhận định lượng smartphone bán ra của Huawei sẽ trượt dốc liên tục khoảng 6 tháng tới.
"Smartphone Huawei có thể bị xóa sổ khỏi thị trường điện thoại thông minh ở Tây Âu vào năm tới nếu hãng mất đi quyền truy cập các dịch vụ của Google", Linda Sui, chuyên gia phân tích tại Strategy Analytics chia sẻ.
Linda cũng nhận định doanh số của hãng sẽ giảm 23% trong năm 2019, nhưng công ty Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục phát triển ở quy mô vừa phải tại thị trường nội địa.
Fubon Research trước đó từng đưa ra dự đoán Huawei sẽ xuất xưởng 258 triệu chiếc smartphone vào năm 2019. Tuy nhiên, con số này đã được rút xuống còn 200 triệu máy trong trường hợp xấu nhất.
Huawei vừa trải qua một tuần tồi tệ khi liên tiếp đối mặt với những cuộc "chia tay" đến từ hàng loạt các đối tác lớn. Cứ mỗi ngày trôi qua, các sản phẩm, dịch vụ của Huawei lại có nguy cơ mất đi một phần quan trọng.
Chuỗi khủng hoảng dây chuyền này bắt nguồn từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh đưa Huawei vào "danh sách đen" hôm 15/5. Tuân theo lệnh cấm này, các công ty ở Mỹ không được phép trao đổi mua bán công nghệ với Huawei.
Huawei trải qua một tuần chết chóc với sự rời đi của nhiều đối tác quan trọng. (Ảnh: Reuters). |
Ngày 20/5, Reuters đưa tin Google chính thức đình chỉ một số hạng mục hợp tác với Huawei. Tiếp đó, các công ty sản xuất chip bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom cũng ra thông báo nội bộ với nội dung tạm thời không bán linh kiện cho Huawei nữa.
Trong những ngày sau đó, hàng loạt cái tên như Microsoft, Infineon Technologies, ARM hay Toshiba cũng tuyên bố ngừng hợp tác với nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới. Hay gần đây nhất, Huawei đã bị hiệp hội thẻ nhớ SD và liên minh phát triển Wi-Fi gạch tên.
"Huawei sẽ sớm phải sa thải hàng nghìn nhân viên trên toàn cầu. Thậm chí, nếu sự việc diễn ra tồi tệ hơn, công ty Trung Quốc có thể bị xóa sổ ở một số thị trường", Stewart Randall, chuyên gia phân tích tại Intralink chia sẻ.
Theo Zing