Tương lai thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật sau chuyến thăm của ông Trump

Thứ ba, 28/05/2019, 09:27
Nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng hai nước sẽ ký thỏa thuận thương mại và an ninh sau cuộc bầu cử tháng 7 của Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có chuyến thăm 4 ngày đến Nhật Bản để đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương, cho phép Mỹ tăng cường xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản. Chuyến thăm diễn ra hai năm sau khi Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trên trang Twitter của mình, ông Donald Trump khẳng định có một bước tiến lớn trong cuộc đàm phán thương mại với Nhật Bản. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng cũng nhấn mạnh nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ được hai nước ký kết sau cuộc bầu cử tháng 7 của Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Tại sao lại là sau cuộc bầu cử tháng 7?

Vào tháng 7, Nhật Bản sẽ tổ chức cuộc bầu cử Thượng viện (Tham Nghị viện, hay Sangain). Tuy nhiên, dự kiến Thủ tướng Abe Shinzo cũng sẽ giải tán Hạ viện (Chúng Nghị viện, hay Shugiin) để tổ chức bầu cử đồng thời cả hai viện của Quốc hội với hy vọng có thể tận dụng chiến thắng của ông hồi tháng 9 năm ngoái với tư cách là người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Với cuộc bầu cử sắp tới và khả năng giải tán Hạ viện, ông Abe hy vọng sẽ được đa số bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản (cấm Nhật Bản sở hữu lực lượng quân sự). Nếu ông Abe thành công, thì đó là điều kiện lý tưởng để ông Trump chờ đợi một thỏa thuận thương mại kèm thỏa thuận an ninh với Nhật Bản.

Mối bận tâm lớn nhất của Mỹ không phải là thương mại

Quyết định rút khỏi TPP của ông Trump làm suy yếu khả năng đạt được thỏa thuận với Nhật Bản, do nước này đã tiến về phía trước cùng với các nước châu Á-Thái Bình Dương khác thông qua TPP-11 ( hay CPTPP). Những thỏa thuận đa phương kiểu này gần như không có ý nghĩa gì đối với Mỹ, bởi Tổng thống Trump thường thích các thỏa thuận song phương hơn, nơi mà Mỹ có thể tận dụng vị thế của mình để thúc ép được nhiều nhượng bộ hơn.

Nhật Bản hiện đang có ưu thế hơn trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, bởi theo logic, họ đã có những nhượng bộ thông qua TPP-11 rồi và không cần phải tiến xa hơn với Mỹ trong một thỏa thuận song phương. Vị thế của Mỹ ở châu Á thường được nhìn qua lăng kính của mối quan hệ với Nhật Bản. Vì vậy, tiến tới thỏa thuận với Nhật Bản là điều rất quan trọng để Mỹ có thể tiếp tục duy trì sức mạnh trong khu vực, đặc biệt là trước những diễn biến gần đây của tình hình trên bán đảo Triều Tiên và Dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Theo  VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích