Vì sao Bộ GTVT chấp thuận đặt trạm T2 tại vị trí gây bức xúc?

Thứ hai, 27/05/2019, 16:15
Bộ GTVT chủ trương xây tuyến đường tránh TP.Long Xuyên để người dân lên cầu Vàm Cống không phải qua trạm thu phí T2. Tuy nhiên, dự án gặp nhiều vấn đề về tiến độ.

Tài xế dừng tại làn thu phí của trạm BOT T2 vào chiều 23/5.

Khoảng một tuần qua, từ khi cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu, nối Cần Thơ - Đồng Tháp) chính thức vận hành cũng là lúc làn sóng phản đối trạm thu phí T2 (quốc lộ 91) bùng lên gay gắt.

Điều đáng nói, Bộ GTVT phê duyệt vị trí trạm thu phí T2 như hiện nay sau khi cầu Vàm Cống khởi công gần một năm. Vì sao đã biết về sự hiện diện này nhưng Bộ vẫn chấp thuận đặt trạm T2 ngay tại lối qua cầu?

Án ngữ lối độc đạo lên cầu

Cầu Vàm Cống được khánh thành khiến việc di chuyển của người dân các tỉnh Tây Nam Bộ thuận lợi hơn. Chính phủ cũng chủ trương không đặt trạm thu phí cho công trình này.

Tuy nhiên, người dân An Giang bày tỏ bức xúc khi con đường duy nhất dẫn lên cầu Vàm Cống lại án ngữ trạm thu phí T2.

Trạm T2 vốn đặt ra để thu phí hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 và 91B từ An Giang đi TP.Cần Thơ. Điểm vô lý là phương tiện không đi TP.Cần Thơ, chỉ sử dụng vài trăm mét đường để đi Kiên Giang hoặc TP.HCM nhưng vẫn phải nộp phí cho toàn tuyến.

Giải thích vấn đề này, ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư PPP (Bộ GTVT), cho biết Bộ đã có chủ trương xây dựng tuyến đường tránh TP.Long Xuyên từ An Giang nối sang quốc lộ 80 rồi dẫn thẳng lên cầu Vàm Cống.

Tuyến tránh TP.Long Xuyên dự kiến giúp phương tiện từ An Giang đi Kiên Giang hoặc qua cầu Vàm Cống không cần phải qua trạm thu phí T2.

Tuyến tránh được kỳ vọng sẽ phá thế độc đạo, giúp phương tiện từ An Giang đi Kiên Giang hoặc Đồng Tháp (qua cầu Vàm Cống) không phải đi qua trạm thu phí T2.

"Bức xúc có thể đã không nảy sinh nếu tuyến tránh Long Xuyên được hoàn thành sớm. Tuy nhiên, nhiều bất cập trong việc giải ngân vốn khiến dự án bị chậm", đại diện Vụ PPP nói.

Theo Giám đốc Sở GTVT An Giang Nguyễn Việt Trí, thời hạn hoàn thành tuyến tránh TP.Long Xuyên ban đầu dự kiến là năm 2020. Tuy nhiên, khối lượng thi công rất lớn (gồm 19 cầu lớn nhỏ và 36 cống) khiến mốc này bị dời đến năm 2023.

Để gia hạn dự án, Bộ Tài chính đang chờ ký lại hiệp định vay vốn với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

"Đến tháng 10, dự án cần khoảng 528 tỷ đồng để chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân. Chúng tôi đang lo đến thời điểm đó vẫn không có đủ vốn", lãnh đạo Sở GTVT An Giang chia sẻ.

Phải đưa bất cập tại trạm T2 ra Quốc hội

Trao đổi với PV, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, cho biết làn sóng phản đối trạm thu phí T2 phát sinh ngay khi khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội nên đoàn chưa kịp nhận các kiến nghị mới nhất từ cử tri địa phương. Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh thu thập ý kiến của người dân, hiệp hội vận tải để có căn cứ kiến nghị lên Bộ GTVT.

Bà Xuân cho biết trước đây cử tri An Giang đã có một số kiến nghị về bất cập tại trạm thu phí T2. Sau khi Bộ GTVT có công văn miễn giảm phí cho người dân tỉnh An Giang thì tình hình tạm ổn định. Tuy nhiên việc cầu Vàm Cống đi vào hoạt động lại khiến các ý kiến phản đối trạm thu phí tăng cao.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối hai bờ Cần Thơ và Đồng Tháp.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết sẽ bàn thảo thêm với các thành viên trong đoàn về việc đưa bất cập tại trạm T2 ra chất vấn. "Trong kỳ họp thứ 7 này có phần thảo luận kinh tế - xã hội, đây sẽ là dịp để chúng tôi nêu ra các vấn đề mà người dân quan tâm", bà Xuân cho biết.

Ngày 22/5, trong đơn kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các ban ngành liên quan, Hiệp hội vận tải ôtô An Giang tái khẳng định vị trí đặt trạm T2 là bất hợp lý. Trạm này không chỉ thu tiền của những phương tiện lưu thông tuyến Long Xuyên - Cần Thơ mà còn thu của toàn bộ phương tiện từ An Giang đi tỉnh Kiên Giang hoặc TP.HCM.

Theo thống kê của Hiệp hội vận tải ôtô An Giang, hơn 7.000phương tiện của tỉnh này phải trả phí tại trạm T2 để đi Kiên Giang hoặc qua cầu Vàm Cống. Lưu lượng phương tiện qua cầu Vàm Cống về TP.HCM rất lớn, thiệt hại về tài chính đối với các doanh nghiệp là không nhỏ.

"Thay vì truy cứu trách nhiệm những người đã tham mưu, quyết định vị trí đặt trạm thì lại bắt người dân phải gánh chịu cái sai. Đó là điều khiến người dân và các doanh nghiệp khó có thể chấp nhận", Hiệp hội vận tải ôtô An Giang nêu quan điểm.

Trên tinh thần khắc phục bất cập, Hiệp hội vận tải ôtô An Giang kiến nghị chỉ thu phí theo tỷ lệ cự ly dựa trên mức phí Tổng cục Đường bộ đã quy định về trạm thu phí không dừng (đi bao nhiêu thì nộp phí bấy nhiêu).

Kiến nghị thứ 2 là dành riêng 2 làn phương tiện đi và về Long Xuyên - Kiên Giang được miễn phí hoàn toàn.

Phương án còn lại là di dời trạm T2 vì đã đặt sai vị trí. Thời gian di dời phải được xác định cụ thể và có đề án đặt trạm lại trạm phù hợp.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 và 91B theo hình thức BOT có vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Có 2 trạm thu phí trên toàn tuyến gồm Trạm T1 đặt tại quận Ô Môn và Trạm T2 tại quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ).

Tài xế sử dụng tuyến quốc lộ 91 và 91B, từ Cần Thơ đi An Giang, nếu mua vé tại trạm T1 thì sử dụng chính vé này qua trạm T2 và ngược lại. Hai trạm này hoạt động vào năm 2016, với mức thu phí từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt phương tiện.

Theo Zing

Các tin cũ hơn