Tổng cục Đường bộ lên tiếng về trạm BOT T2

Thứ sáu, 24/05/2019, 10:50
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xem xét giảm phí qua trạm T2 (Cần Thơ) cho người dân tỉnh Đồng Tháp.

Trưa 23-5, trao đổi với PV, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trạm T2 được đặt từ lâu. Nay khánh thành cầu Vàm Cống (bắc qua Sông Hậu), đơn vị đã phối hợp với nhà đầu tư và các địa phương tiến hành rà soát miễn, giảm phí cho người dân vùng Đồng Tháp.

“Trước đây cầu Vàm Cống chưa xong, nên việc miễn, giảm phí cho khu vực này chưa được tiến hành. Tuy nhiên, giờ cầu đã thông xe nên xem xét miễn, giảm phí người dân trong bán kính 5-10 km là cần thiết. Dự kiến, chúng tôi sẽ hoàn thành công tác giảm phí vào tuần sau…”, vị lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin.

Nhà đầu tư đã bỏ ra 1.720 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91.

Đối với phương án di dời trạm thu phí, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định không thể. Vì nhà đầu tư mới tiến hành thu phí hoàn vốn cho dự án, số tiền còn lại rất lớn, Nhà nước không có tiền để mua lại trạm. “Như chúng tôi đã nhiều lần nói, do ngân sách hạn hẹp, nên Nhà nước phải kêu gọi tư nhân đầu tư. Và đương nhiên, doanh nghiệp phải thu hồi vốn đã đầu tư… nên rất cần sự chia sẻ của người dân”, vị lãnh đạo này thông tin và cho rằng cầu Vàm Cống được hoàn thành và không thu phí là một trong những biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Về đề xuất làm thẻ tính theo km quãng đường, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng đối với trạm T2 áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt, bởi có nhiều đường nhánh), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (theo chiều dài quãng đường thực đi, hiện chỉ áp dụng cho đường cao tốc vì khép kín).

“Hình thức thu phí này cũng được triển khai trên cả nước đối với các dự án nâng cấp, mở rộng, vì vậy cần có sự thống nhất…”, vị lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.

Liên quan đến các dự án BOT, Bộ GTVT cho biết trong ba năm vừa qua Bộ GTVT đã tiếp 112 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…, kể cả Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo đó, những hạn chế, yếu kém tại dự án BOT đã được chỉ ra và thời gian qua với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang tiến hành khắc phục. Trong đó, ưu tiên biện pháp giảm phí cho người dân quanh khu vực trạm.

Trước đó, năm 2018, để giải quyết bất cập tại trạm T2, Bộ GTVT đã thực hiện miễn, giảm phí cho người dân quanh khu vực trạm với mức giảm 50%-100%. Để giải quyết triệt để bất cập này, Bộ GTVT cho rằng hiện đơn vị đã bố trí vốn xây dựng đường tránh Long Xuyên. “Dự án này khánh thành sẽ giúp người dân lưu thông mà không mất phí”, Bộ GTVT thông tin.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết đây là trạm đã tồn tại từ lâu. Tuy  nhiên, sau khi xây cầu Vàm  Cống chắc chắn lượng xe sẽ lớn hơn nên Bộ GTVT cần giám sát chặt chẽ để xem xét rút ngắn thời gian thu phí.

Vị đại biểu Đồng Tháp cũng cho rằng các bất cập của trạm BOT thời gian vừa qua đã được Chính phủ tích cực giải quyết. “Doanh nghiệp bỏ tiền ra họ phải thu hồi vốn, tất nhiên phải đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước, doanh nghiệp”, ông Hòa nói.

Dự án cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn thuộc địa phận TP.Cần Thơ được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án do liên doanh Tổng Công ty Phát triển KCN (Sonadezi) và Công ty CP Phát triển Cường Thuận Idico (được Bộ GTVT chỉ định) làm nhà thầu. Đầu năm 2016, dự án hoàn thành và trạm thu phí T1 được đặt tại Km 16+905 QL91 để hoàn vốn.

Song song đó, giữa năm 2015, cũng liên doanh Sonadezi và Công ty Cường Thuận Idico khởi công dự án tăng cường 15km mặt đường QL91B theo hình thức BOT. Cuối năm 2016, khi dự án này hoàn tất, Bộ GTVT có quyết định lập trạm thu phí T2 thuộc khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt.

Tổng mức đầu tư hai dự án nâng cấp QL91 và QL91B nói trên là 1.720 tỉ đồng, thời gian thu phí là 23 năm năm tháng. Mức phí ở hai trạm này thấp nhất 35.000 đồng, cao nhất 200.000 đồng/lượt xe.

Theo PLO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích