Là một trong hai trạm thu phí thuộc Dự án cải tạo nâng cấp mở rộng quốc lộ 91 và 91B, trạm BOT T2 từ khi hoạt động cách đây ba năm đã bị chỉ ra sự bất hợp lý trong vị trí đặt trạm. Nhiều phương tiện chỉ đi vài trăm mét nhưng bị thu phí toàn tuyến, từ 35.000 đến 200.000 đồng. Sự bất cập này lại nóng lên khi cầu Vàm Cống khánh thành mới đây, nhiều tài xế phản ứng, không mua vé qua trạm thu phí T2, hoặc chỉ đồng ý trả 2.000 đồng cho quãng đường 300m sử dụng.
Tài xế trả 2.000 tại trạm BOT T2 hôm 23/5. |
Theo hồ sơ, cuối quý 1/2014, Dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng quốc lộ 91, dài 28km qua quận Ô Môn và Thốt Nốt, TP.Cần Thơ được triển khai. Công trình có vốn đầu tư gần 1.600 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Vị trí đặt trạm thu phí T1 tại phường Phước Thới, quận Ô Môn; thời gian thu là 16 năm 6 tháng.
Sau đó, chủ đầu tư BOT quốc lộ 91, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND TP Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất đề xuất thực hiện thêm Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 91B (dài 16 km, đang hư hỏng nặng) theo hình thức BOT đấu nối với dự án đang triển khai.
Đầu 2015, Thủ tướng đồng ý chủ trương kết hợp hai dự án. Bộ Giao thông Vận tải được giao thống nhất với Bộ Tài chính và UBND TP.Cần Thơ về vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn đảm bảo quy định. Khi đó, tổng vốn đầu tư toàn dự án lớn tăng lên hơn 2.000 tỷ đồng. Thời gian thu phí kéo dài đến 23 năm 5 tháng.
Lúc này, trạm thu phí T2 được mọc lên nhưng không nằm ở quốc lộ 91B mà cách đó 35km, trên quốc lộ 91 ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ, giáp An Giang.
Năm 2016, dự án thông xe, ôtô đi qua hai trạm thu phí chỉ mua vé một lần. Tuy nhiên, trạm T2 bị các tài xế và ngành chức năng tỉnh An Giang và Kiên Giang phản ứng vì cho rằng vị trí bất hợp lý.
Theo đó, phương tiện từ An Giang chỉ sử dụng khoảng 300m trên quốc lộ 91 được đầu tư nâng cấp để rẽ vào quốc lộ 80 đi Kiên Giang vẫn bị thu phí toàn tuyến 44km. Ngược lại, ôtô từ Kiên Giang cũng chỉ sử dụng vài trăm mét đường này để đến phà Vàm Cống cũng phải trả phí như đến trung tâm Cần Thơ.
Chủ đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đều thừa nhận trạm T2 đặt không đúng vị trí. Đầu năm 2018, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, kiểm tra, đánh giá để có phương án đặt trạm T2 phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống - công trình được khởi công năm 2013, trước khi dự án quốc lộ 91 thực hiện.
Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải chọn cách giải quyết là miễn giảm giá vé qua trạm cho các phương tiện trong phạm vi 8km xung quanh trạm thu phí; bù lại thời gian thu phí tăng lên 34 năm.
Ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải An Giang cho rằng, giải pháp miễn giảm hiện nay không còn phù hợp, cần giải pháp tạo sự đồng thuận. Ông đề xuất hai phương án.
Phương án một: Những xe từ hướng Kiên Giang và từ cầu Vàm Cống rẽ xuống quốc lộ 91 để vào An Giang thì được phát một thẻ. Đến trạm T2 các xe này trả thẻ và mua vé giá 2.000 đồng để qua trạm, tương đương với 300m đường dự án.
Tất cả xe từ An Giang qua trạm T2 thì mua vé 2.000 đồng, nếu đi lên cầu Vàm Cống và về Kiên Giang thì không cần phải mua nữa, còn nếu xuống trạm T1 thì tiếp tục mua vé 33.000 đồng là đủ 35.000 đồng cho chủ đầu tư (đối với ôtô dưới 12 chỗ, có tải trọng dưới hai tấn).
Phương án hai: Nếu chủ đầu tư sợ thất thu thì tất cả xe của tỉnh An Giang khi qua trạm đều phải mua vé 35.000 đồng, nhưng nếu xe nào rẽ về Kiên Giang hoặc lên cầu Vàm Cống thì chủ đầu tư phải tổ chức trả lại 33.000 đồng.
Còn ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô tỉnh An Giang cho hay, từ khi trạm T2 chuẩn bị xây dựng đến nay, đơn vị đã 15 lần kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan về vị trí đặt trạm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp.
"Với vị trí đặt trạm như hiện nay, chủ đầu tư không chỉ thu tiền những phương tiện chạy tuyến Long Xuyên - Cần Thơ mà thu toàn bộ phương tiện của tỉnh An Giang đi Kiên Giang hoặc TP HCM", ông Xuân nói.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô tỉnh An Giang đề xuất thêm phương án dành hai làn phương tiện đi và về Long Xuyên (An Giang) - Kiên Giang, thì được miễn phí hoàn toàn. Nếu không thực hiện được các giải pháp trên thì nên dời trạm T2 đến nơi phù hợp nhất.
Ngày 23/5, BOT T2 liên tục phải xả trạm vì bị tài xế phản ứng gây ùn tắc. |
Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp đề xuất giảm phí cho xe của tỉnh đi trên quốc lộ 91. Bởi, sau khi cầu Vàm Cống hoạt động, nhiều hộ dân phía tỉnh này cũng nằm trong bán kính dưới 8 km song chưa được giảm theo quy định chung.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết sẽ xem xét đề xuất miễn giảm phí khi tỉnh Đồng Tháp có văn bản. Còn về đề xuất thu phí 2.000 đồng mỗi lượt xe qua lại dưới một km trên quốc lộ 91 như kiến nghị của lãnh đạo An Giang khó thực hiện được vì các dự án BOT hiện áp dụng chính sách thu phí hở cho toàn bộ dự án theo một mức phí.
Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Khang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang cho biết, sau khi cầu Vàm Cống thông xe, lưu lượng xe qua trạm T2 có tăng nhưng phải một tháng mới có số liệu chính thức. "Trong nghiên cứu khả thi dự án đầu tư, có tính đến trường hợp cầu Vàm Cống. Còn vì sao đặt trạm T2 tại vị trí đó thì cơ quan phê duyệt mới có thể trả lời", ông nói.
Ông Khang cho rằng những vấn đề vướng mắc tại trạm T2 hiện nay, chủ đầu tư ủng hộ và thực hiện các giải pháp được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt sau khi có đóng góp, đề xuất từ các địa phương, đơn vị liên quan...
Theo ông Khang, do rút ngắn thời gian thi công nên kinh phí toàn dự án được kéo giảm còn hơn 1.700 tỷ đồng. Ông cũng "than lỗ" khi dự án hiện có doanh thu 10 tỷ đồng mỗi tháng nhưng trả lãi vay 10,5 tỷ. "Đến nay chủ đầu tư lỗ trên 100 tỷ đồng", ông nói và cho biết đã đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và TP.Cần Thơ hỗ trợ hơn 400 tỷ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng.
Theo VNE