Trung Quốc miễn thuế cho 33 mặt hàng thủy hải sản Việt Nam |
Các sản phẩm thuộc nhóm hàng như: tôm, cá tra, cá ngừ, cá thu, lươn, cua, ghẹ… tươi sống hoặc qua chế biến.
Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam, nhưng từ đầu năm đến nay xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc giảm đến 8,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 268 triệu USD.
Theo các doanh nghiệp, có hai nguyên nhân chính của tình trạng trên. Thứ nhất, ngành chức năng Trung Quốc cũng bị áp lực từ người tiêu thụ nội địa đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm. Để làm được điều này, họ phải hạn chế đường tiểu ngạch và tăng cường nhập hàng chính ngạch với các quy định kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. Thứ hai, trong năm qua, nguồn cung thủy hải sản nói chung trên thế giới đang dồi dào và giá cả giữa các nước xuất khẩu rất cạnh tranh. Hai yếu tố trên làm ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc.
Cá tra và tôm nằm trong nhiều mặt hàng được Trung Quốc miễn thuế |
Thế nhưng nước này vừa chính thức thông báo về danh sách 33 mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam được miễn thuế về nước này.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định Trung Quốc đang chuẩn bị ứng phó với nguồn cung thịt heo đang khan hiếm và một phần là tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Với cục diện hiện tại, không chỉ thủy sản mà sắp tới Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cafatex (Cần Thơ) lý giải: Xu hướng của Trung Quốc là tăng cường giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm bằng đường chính ngạch. Chúng ta vẫn thường nhắc nhở, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, đó là xu hướng của thị trường này. Hiện nay hàng rào kỹ thuật này vẫn được thực hiện bằng việc họ giảm buôn bán biên mậu.
Việc Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa Việt Nam để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm protein thay thế cho thịt heo do nguồn cung thịt heo của Trung Quốc đang bị sụt giảm nghiêm trọng vì dịch bệnh, trong khi đó nguồn thịt nhập cũng có vấn đề vì chiến tranh thương mại với Mỹ. Đây chính là động thái để nước này chuẩn bị ứng phó với nhu cầu thị trường sắp tới.
Vẫn theo ông Kịch, trước nay thương nhân Trung Quốc vẫn có thói quen buôn bán biên mậu. Sau khi họ hạn chế thì sản lượng xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc của VN bị ảnh hưởng đáng kể. Thời gian gần đây Trung Quốc tăng cường làm ăn chính ngạch. Do đó, tác động của chính sách thuế này vẫn cần thêm thời gian. Tuy nhiên rõ ràng trong thời gian tới lượng hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ tăng vì trước đây mức thuế trung bình 5-7%, nay được miễn hoàn toàn sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam tăng sức cạnh tranh.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Trong cơ cấu tiêu thụ thịt của người Trung Quốc thịt heo chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên hiện dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại đây đã gây thiệt hại gần 1/5 tổng đàn và tình hình vẫn chưa được kiểm soát.
Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc: Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) với mức thuế cơ bản là 0% nên có nhiều thuận lợi vào nước này. Trung Quốc cũng đang tăng cường, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài và có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh. |
Theo Thanh Niên