M.U loay hoay trên thị trường chuyển nhượng: Giờ ai bỏ tiền mua danh hiệu?

Thứ sáu, 03/07/2015, 13:31
Seamus Coleman là cầu thủ mới nhất mà Man United liên hệ ở kỳ chuyển nhượng này, nối dài bản danh sách gồm gần như mọi ngôi sao của bóng đá châu Âu đã được M.U tiếp cận. Lời hứa hẹn vung tiền thoải mái để nhanh chóng đưa Quỷ Đỏ trở lại ngôi cao của BLĐ đội bóng này khiến họ “thoát xác” thành một diện mạo hoàn toàn trái ngược.
Giờ đây người hâm mộ M.U chỉ còn cách hy vọng HLV Van Gaal và những bản hợp đồng bom tấn mùa trước như Di Maria và Herrera sẽ thích nghi tốt hơn ở mùa giải tới
CƯỜI NGƯỜI HÔM TRƯỚC VÀ 150 TRIỆU BẢNG
Dưới thời Sir Alex Ferguson, các CĐV Man United thường có cái nhìn dè bỉu với những nhà giàu mới ở Anh, như Chelsea, và nhất là với kình địch cùng thành phố Man City. Chính Ferguson nói thẳng Chelsea đã dùng tiền mua danh hiệu và chê bai Man City là “những gã hàng xóm ồn ào” vì mùa nào đội bóng áo Xanh cũng rầm rĩ đưa về những ngôi sao mới.
Tuy nhiên, giờ đây, trong khi mà Chelsea đã bắt đầu cân đối được thu chi trên thị trường chuyển nhượng, thậm chí có lãi nhờ chính sách mua bán và cho mượn rất khôn ngoan; Man City cũng đã phải giảm bớt tốc độ tiêu tiền vì luật công bằng tài chính, thì chính Man United đang trở thành gã trọc phú mới ở Anh.
Những khoản đầu tư ồ ạt đã được đổ vào đội bóng ở thời hậu Ferguson. David Moyes, trong mùa giải duy nhất của ông ở Old Trafford, đã chi ra gần 70 triệu bảng để đưa về Marouane Fellaini, Juan Mata và Guillermo Varela.
Sở dĩ HLV người Scotland không mua sắm thêm không phải vì Man United thiếu tiền, mà là bởi những mối quan hệ và khả năng xoay xở của đội ngũ lãnh đạo mới quá kém cỏi, khiến hầu hết các mục tiêu lớn của Man United ở mùa 2013/14 đều vuột khỏi tay họ.
Với Louis van Gaal thì khác, và rất nhanh chóng, Man United trở thành đội bóng mua sắm rầm rộ nhất tại Premier League mùa vừa rồi, cả về tổng số tiền chi ra lẫn mức chi thuần (mua trừ bán) trên thị trường chuyển nhượng. Tổng cộng, Man United đã bỏ ra 145,5 triệu bảng để đưa về 5 cầu thủ mới trong mùa Hè 2014.
Tiêu biểu là Angel Di Maria được Van Gaal “tậu” về với mức giá kỉ lục của MU cũng như Premier League là 59,7 triệu bảng từ Real Madrid hay Radamel Falcao - mượn từ AS Monaco với mức giá 6 triệu bảng cùng mức lương gần 300 nghìn bảng/tuần. Nếu trừ đi khoản tiền thu lại từ bán cầu thủ, họ cũng đã phải bỏ ra 104,2 triệu bảng để thay Wilfried Zaha, Danny Welbeck, Tom Cleverley, Shinji Kagawa… Đổi lại, Van Gaal cũng chỉ có thể đưa đội bóng áo đỏ về đích ở vị trí thứ 4, với 70 điểm.
Hầu hết các hợp đồng lớn của Man United mùa trước đều không mang lại hiệu quả như mong đợi. Di Maria có vẻ khấm khá hơn cựu tiền đạo của AS Monaco một chút trong giai đoạn đầu của mùa giải. Còn tiền đạo có mức lương ngang bằng với Rooney? 4 bàn sau 26 trận, đối với 1 tiền đạo được coi là “Mãnh hổ” thật quá thất vọng.
Anh bị CĐV nhà la ó không ngừng. Những Daley Blind, Ander Herrera hay Luke Shaw cũng chỉ tròn vai là tối đa và rõ ràng không xứng đáng với những cái giá chuyển nhượng không hề rẻ, lần lượt là 14, 29 và 27 triệu bảng.
Tất nhiên, những chữ ký của mùa trước vẫn còn thời gian và cơ hội để khẳng định họ không phải là các hợp đồng thất bại. Những gì Di Maria thể hiện trong màu áo ĐT Argentina tại Copa America 2015 đang diễn ra cho thấy anh vẫn là một trong những tiền vệ sáng tạo và hiệu quả nhất thế giới nếu được sử dụng đúng cách.
Shaw mới 20 tuổi và vẫn còn cả tương lai phía trước. Blind hay Herrera đều đã có những trận rất hay mùa trước và hy vọng họ sẽ hòa nhập tốt hơn ở mùa giải thứ hai, với một nền văn hóa bóng đá mới, một giải đấu mới vốn đòi hỏi rất khắc nghiệt như Premier League.
Mata và Fellaini, ngay cả ở thời kỳ thảm họa của Moyes, cũng đã cho thấy họ cần thời gian để hòa nhập và có thể làm tốt hơn một khi đã quen với môi trường ở Old Trafford. Tiền vệ sáng tạo người TBN chơi mờ nhạt ở nửa sau mùa 2013/14, nhưng là một trong những điểm sáng nổi bật tại Man United mùa này.
Fellaini cũng tiến bộ rất nhiều ở mùa giải thứ hai. Từng bị coi là một món hàng hỏng không thể cứu vãn, tuyển thủ Bỉ lại trở thành nhân vật then chốt về mặt chiến thuật trong chiến dịch giành vé dự Champions League của Van Gaal vừa rồi. Thống kê của anh ở Premier League trong 2 mùa tại Old Trafford nói lên tất cả: 2013/14 là 16 trận, 0 bàn; 2014/15 là 27 trận, 6 bàn.
Mata, với 9 bàn ghi được mùa trước, đứng thứ 3 trong danh sách ghi bàn, chỉ kém Wayne Rooney và Robin van Persie. Hiệu ứng mùa giải thứ hai, vì thế, sẽ là niềm hy vọng lớn của các CĐV áo đỏ trong mùa bóng mới.
Loạn tin đồn chuyển nhượng
LOẠN TIN ĐỒN CHUYỂN NHƯỢNG
Tuy nhiên, đó cũng có thể là nỗi lo lớn, khi Man United lại đang ở giữa một mùa Hè mua sắm rầm rộ nữa. Với những tuyên bố lớn tiếng của Phó CT điều hành Ed Woodward về sức mạnh tài chính và khả năng chịu chi của Old Trafford, gần như mọi ngôi sao lớn hay triển vọng của bóng đá châu Âu, bao gồm khoảng một nửa đội hình đá chính của Real Madrid, đã được liên hệ với Man United.
Trong khi rất nhiều những tin tức loan truyền trên mạng là thất thiệt, dựa vào các vị trí mà Van Gaal cần tăng cường cho đội bóng của ông hiện giờ, tính khả thi của cuộc thương lượng và sở thích của HLV người Hà Lan, có thể tin rằng những mục tiêu thật sự bao gồm Sergio Ramos (Real Madrid), Bastian Schweinsteiger (Bayern Munich), Morgan Schneiderlin (Southampton) và Fabinho (Monaco).
Chính Van Gaal cũng đã không kìm được việc đùa tếu về những tin đồn bủa vây đội bóng của ông. “Hummels 36 triệu bảng, Clyne 15 triệu bảng, Pogba 75 triệu bảng, Bale 120 triệu bảng và Jackson Martinez của Porto 25 triệu bảng”, ông đã đọc to lên khi một CĐV trẻ trao cho ông danh sách mơ ước của mình nhân một sự kiện cộng đồng của CLB. “Quá dễ, năm tới chúng ta sẽ vô địch”.
Nhưng tình hình lúc này là có vẻ mọi cuộc thương lượng đều đã khựng lại và mục tiêu hoàn tất việc mua sắm trước khi giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải mới bắt đầu của Van Gaal sẽ khó lòng đạt được. Trước mùa Hè, Man United tự tin sẽ hoàn tất được 3 hợp đồng, nhưng giờ mới có Memphis Depay tới. Tệ hơn, David De Gea có vẻ đã cương quyết ra đi và tìm một thủ môn bắt chính lúc này là điều khó chịu nhất có thể xảy ra với Van Gaal.
Nhưng cũng giống như việc giờ chỉ có thể mơ về các hợp đồng mới, những nỗi lo của Man United ở thì tương lai sẽ chỉ có câu trả lời khi mùa giải bắt đầu. Ngay cả nếu từ giờ tới hết tháng 8 mà họ không có thêm chữ ký nào (điều rất khó xảy ra), cũng không thể nói chắc rằng Man United sẽ phải trải qua một mùa bóng thất bại. Sự tin tưởng nơi Van Gaal vẫn là rất lớn và có thể cũng giống như các cầu thủ của mình, HLV người Hà Lan chỉ bắt đầu thật sự tỏa sáng vào mùa giải thứ hai.
Mùa vừa rồi, dù thi đấu thất vọng nhưng Di Maria vẫn đứng thứ 2 về khả năng kiến tạo tại Premier League với 10 lần kiến tạo sau 27 trận ra sân, chỉ kém người đứng đầu là Cesc Fabregas (18 pha kiến tạo). Anh cũng đã có cho riêng mình 3 bàn thắng, 1,9 lần tạo cơ hội; 2,3 cú sút; 1,7 pha đi bóng mỗi trận.
Van Gaal kém hiệu quả hơn Moyes
Nếu tính về hiệu quả sử dụng đồng tiền, Van Gaal không làm tốt hơn Moyes. Với 70 điểm và khoản chi thuần chuyển nhượng 104,2 triệu bảng mùa vừa rồi, Man United đã mất 1,49 triệu bảng cho mỗi điểm giành được, cao hơn so với dưới thời Moyes, chi thuần 66,7 triệu bảng và có 64 điểm, tương đương 1,04 triệu bảng mỗi điểm, và tất nhiên vượt xa mùa vô địch cuối cùng của Ferguson ở Old Trafford: 51,1 triệu bảng/89 điểm, tức chỉ 0,57 triệu bảng/điểm.

Theo BóngĐáPlus

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích