Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 2/7, Tổng thư ký Hiệp hội TTDN Đinh Việt Hùng cho biết, Hiệp hội chưa có bất kỳ can thiệp nào đối với vấn đề giữa gia đình Nguyễn Thị Phương Trâm và TPHCM. Theo ông Hùng, đây là vấn đề nội bộ giữa đôi bên nên Hiệp hội không thể can thiệp. Ông Hùng nói:
“Cá nhân tôi cho rằng hai bên khi làm việc với nhau cần đảm bảo cả lý và tình. Lý ở đây là việc gia đình Phương Trâm cần thực hiện đầy đủ các cam kết với TPHCM về việc rèn luyện của em, ngược lại TPHCM cũng phải có trách nhiệm với Phương Trâm. Về tình, TPHCM đã có công đào tạo Phương Trâm, bản thân em cũng đã có cống hiến cho phong trào của địa phương. Đôi bên nên cân nhắc, nhìn vào đó để giải quyết vấn đề”.
Theo ông Hùng, đến thời điểm hiện tại Hiệp hội chưa có liên hệ gì với cả gia đình Phương Trâm và TPHCM nên không nắm rõ được nội tình vụ việc. “Về quản lý nhà nước thì vừa rồi anh Phấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - pv) cũng đã nói, ngành sẽ tạo điều kiện tối đa cho Phương Trâm phát triển tài năng. Chúng tôi sẽ đảm bảo là VĐV có năng lực sẽ được đầu tư” - ông Đinh Việt Hùng cho biết.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết, tạm thời sẽ để TPHCM và gia đình Phương Trâm giải quyết với nhau. Theo tìm hiểu, Tổng cục TDTT cũng chia sẻ “tâm tư” của TPHCM về việc có khả năng Phương Trâm đang bị đơn vị khác lôi kéo.
Vì chuyện này, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Mai Bá Hùng mới đây đã tuyên bố, sẽ tạo điều kiện giải phóng hợp đồng để Phương Trâm đi du học Mỹ (như lý do gia đình Phương Trâm đưa ra). Trong trường hợp Phương Trâm đầu quân cho đơn vị khác, thì TPHCM phải được đền bù chi phí đào tạo (gần 1 tỉ đồng). “Quá trình đào tạo ban đầu rất tốn kém mà cũng vất vả, nên cũng có thể hiểu được phản ứng của TPHCM” - lãnh đạo Tổng cục TDTT nói.
Hôm qua, ông Đinh Việt Hùng nói với Tiền Phong, nên coi đây là một tiền lệ để sau này các đơn vị về sau có quy định cụ thể, tránh xảy ra các sự cố tương tự.
Theo TiềnPhong