FIFA không bán bản quyền truyền hình mà bán thương quyền

Thứ bảy, 14/01/2012, 08:07
Theo luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn thì điều mà các bên đang “đấu” không phải là bản quyền truyền hình mà là quyền khai thác thương mại…


Điểm nhấn của hợp đồng 20 năm giữa LĐBĐ VN và AVG là khi ký kết hợp đồng, AVG chưa có chức năng truyền hình và đấy là điểm mà VPF tung ra cú đấm quyết định.

. Thưa luật sư Toàn, ở thời điểm LĐBĐ VN ký hợp đồng với AVG thì đơn vị này không có chức năng truyền hình. Đây có phải là “điểm chết” của hợp đồng?

+ Thuật ngữ bản quyền truyền hình (BQTH) chúng ta vẫn nói tới trong tranh chấp giữa một bên là LĐBĐ VN với AVG và một bên là VPF không phải là tranh chấp liên quan đến BQTH. Ngay thuật ngữ BQTH cũng không chính xác vì Luật Quyền tác giả của Việt Nam chỉ bảo hộ cho quyền tác giả đối với tác phẩm và quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh (được mã hóa).

Trận đấu bóng đá không phải là tác phẩm nên không thể gọi quyền truyền hình trực tiếp (THTT) trận đấu bóng đá là BQTH. Quyền THTT trận đấu bóng đá cũng không phải là quyền liên quan đối với chương trình phát sóng vì quyền liên quan đối với chương trình phát sóng chỉ hình thành khi đài truyền hình đã phát sóng trận đấu bóng đá.

Vì thế mà quyền mà mọi người đang tranh chấp ở đây là quyền khai thác thương mại, còn gọi là thương quyền đối với sự kiện cụ thể là quyền THTT trận đấu bóng đá. Cái mà các bên đang tranh chấp là quyền khai thác thương mại các giải bóng đá Việt Nam chứ không phải BQTH.

. Theo cách nói của ông thì LĐBĐ VN có thể “bán” cho một đơn vị không cần có chức năng truyền hình vẫn hợp lệ?

+ Đúng! Điều này thì FIFA, AFC cũng đã bán thương quyền các giải của mình cho những tổ chức, những công ty không có chức năng truyền hình đấy thôi.

AFC từng bán thương quyền khai thác thương mại các giải đấu châu Á
cho World Sports Group 20 năm từ 1993 đến 2013 và mới đây
lại gia hạn thêm bảy năm nữa. Ảnh: AFP, GETTY IMAGES

.
Cuộc “đấu” vẫn chưa kết thúc và còn chờ kết luận của thanh tra nhưng đến giờ thì các bên gần như không ngồi lại để đàm phán. Theo ông, vì sao như thế?

+ Luật thì tương đối cứng nhắc mà cuộc sống thì sinh động và thường xuyên thay đổi, do vậy nếu các bên muốn giảm bớt chi phí kiện tụng thì nên sử dụng kỹ năng kinh doanh và kỹ năng sống đã từng thành công trong thương trường vào việc dàn xếp tranh chấp một cách ổn thỏa.

Thêm nữa, trong trường hợp pháp luật đã quy định rõ ràng nhưng áp lực của dư luận và công chúng luôn là yếu tố không thể bỏ qua. Nếu không có sự ủng hộ của công chúng thì không doanh nghiệp nào thành công, phát triển được.

Chính vì vậy “chiến lược chiến thắng - chiến thắng” là chiến lược đang được sử dụng rộng rãi và trở thành thông lệ để giải quyết tranh chấp khắp nơi trên thế giới, nghĩa là giải quyết tranh chấp thông qua con đường hòa giải. Nếu trong hợp đồng giữa LĐBĐ VN và AVG đã có các điều khoản đảm bảo lợi ích của các đài truyền hình muốn khai thác các giải bóng được thuận lợi dễ dàng cũng như đảm bảo cho người hâm mộ bóng đá được xem những trận bóng mà mình yêu thích ở khắp nơi trên đất nước thì nên phát huy vì lợi ích của người hâm mộ, của giải đấu.

Còn nếu trong hợp đồng giữa LĐBĐ VN và AVG không có điều khoản như vậy thì hay nhất là các bên ngồi lại với nhau để đàm phán một hợp đồng sửa đổi trong đấy có các điều khoản đảm bảo quyền lợi của AVG, lợi ích và sự thuận tiện trong việc tác nghiệp của các truyền hình cũng như lợi ích người hâm mộ theo tinh thần pháp luật cạnh tranh Việt Nam.

. Xin cảm ơn ông.

Theo Phapluattp.

 

 

Các tin cũ hơn