|
Ban đầu nghiên cứu này chỉ đơn thuần thuộc về khoa học, nhưng rồi theo thời gian, cụm từ “hiệu ứng cánh bướm” đi dần vào trong cuộc sống, xuất hiện ở trong mọi lĩnh vực, hòng nói lên những sự việc tưởng như rất nhỏ, lại có thể thay đổi cả một hệ thống phức tạp, theo cái cách không ai ngờ được.
Bóng đá từng chứng kiến “hiệu ứng cánh bướm” năm 2003. Mùa Hè năm đó, Joan Laporta khi tranh cử chức chủ tịch Barcelona đã nói trước toàn thể CĐV rằng: “Bỏ phiếu cho tôi, và tôi sẽ đưa David Beckham về cho các bạn.” Chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid khi ấy với chính sách Galacticos quyết phá đám vụ này.
Perez liên hệ với David Beckham, đưa Becks về trong sự ngỡ ngàng của Laporta. Để đối phó với cơn thịnh nộ từ những fan Barca, Joan Laporta liền cử phó của ông là Sandro Rosell tức tốc tìm người thay thế phương án David Beckham. Rà soát hết tất cả danh sách, Rosell bay qua Paris, đem về một anh chàng với hàm răng vẩu, đấy chính là Ronaldinho.
Vấn đề là khi ấy Manchester United cũng theo đuổi Ronaldinho để thay thế Beckham vừa chuyển qua Real. HLV Alex Ferguson cùng Quỷ đỏ đá giao hữu ở Bồ Đào Nha gặp Sporting Lisbon. Ở nơi ấy, ông ấn tượng ngay với một cầu thủ trẻ mang áo số 17 của Sporting. Tên cầu thủ đó là Cristiano Ronaldo.
Phần còn lại của Becks - Real, Ronaldinho - Barca và CR7 - M.U chính là lịch sử. Vậy là, mùa Hè 2003 đã chứng kiến “hiệu ứng cánh bướm” với thương vụ chuyển nhượng Beckham, nhưng thay đổi luôn số phận của 3 CLB lớn nhất thế giới. Thế giới đã nín thở để đợi tin Neymar đến PSG từng ngày. Bây giờ, thế giới túc cầu sẽ lại nín thở đợi xem điều gì xảy ra tiếp theo. Bởi vì thương vụ Neymar quá khủng khiếp khi xét trên biên độ rộng.
Năm 1914, thái tử Franz Ferdinand của nước Áo ghé thăm Bosnia. Nhóm khủng bố Serbia âm mưu ám sát ông bằng lựu đạn. Tuy nhiên, phi vụ thất bại và chỉ làm bị thương một vài tùy tùng của Franz Ferdinand. Thái tử liền đến bệnh viện thăm những tùy tùng đó. Trên đường về, tài xế của ông rẽ nhầm hướng, đi ngang qua đúng chỗ một tên khủng bố, và kẻ đó đã bắn chết thái tử. Nước Áo lập tức tuyên chiến với Serbia, khơi mào nên cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Có thể nói, một ngã rẽ lạc định mệnh, tạo nên một hiệu ứng thay đổi lịch sử.
Neymar có phải là thái tử không? Phải, anh là thái tử ở Nou Camp và là vua ở Brazil. Khi một nhân vật cỡ Neymar rời Barca qua PSG với số tiền lên tới 222 triệu euro, thì “hiệu ứng cánh bướm” ở đây sẽ không đơn thuần là chuyện Barca tìm người thay thế, mà đó là phản ứng của những gã nhà giàu tương tự PSG.
Ngay lúc này, Man City có thể mơ về Lionel Messi như một “giấc mơ có thật”. Những ông chủ Trung Quốc có thể làm theo cách PSG đã làm để sở hữu những ngôi sao hạng A khác. Còn nữa, khi đến cả Barca còn mất “thái tử” thì những Chelsea, Liverpool... cũng phải giật mình không biết khi nào đến lượt họ. Cuối cùng, hiệu ứng Neymar sẽ gây tác động sâu sắc đến các cầu thủ khác, về suy nghĩ giữa danh hiệu và tiền bạc.
Lịch sử chiến tranh thế giới vốn hình thành từ việc các quốc gia trỗi dậy, muốn phân chia lại ảnh hưởng với các cường quốc cũ. Chuyện “thái tử Neymar” từ “cường quốc cũ” Barca qua “quốc gia trỗi dậy” PSG sẽ không đơn thuần chỉ là chuyển nhượng. Mà có thể sẽ khơi mào một vấn đề mới trong bóng đá hiện đại ở tương lai.
Theo BongdaPlus