Đội tuyển Syria, dù ở cấp độ trẻ hay tuyển quốc gia, đều không có những tên tuổi lớn trong đội hình. Dù vậy, họ lại sở hữu một tinh thần thép để sẵn sàng làm nên bất ngờ. Thứ bóng đá Syria chơi rất khó chịu, đôi lúc làm bực bội người xem. Syria thật sự là một đội tuyển kỳ lạ.
Tìm kiếm thông tin về đội tuyển Olympic này ở ASIAD 2018 rất khó. Thậm chí cánh phóng viên cũng không màng để mắt đến đội bóng Trung Đông này bởi họ đâu sở hữu tên tuổi "hot" nào. Nhưng nhắc tới bóng đá Syria, tất cả phải ngả mũ trước tinh thần bất khuất của họ.
Đội tuyển Olympic Syria đã vào tứ kết của ASIAD 2018. |
Năm ngoái, chuyên gia bóng đá Đông Nam Á John Duerden phân tích sức mạnh tuyển Syria nằm ở chính tinh thần chiến đấu của cầu thủ. Họ, những con người từng đối mặt với lằn ranh sinh tử là cuộc nội chiến tàn phá đất nước suốt nhiều năm, không hề biết sợ hãi trước bất kỳ đối thủ nào trên sân cỏ.
Nghịch cảnh chỉ làm con người Syria thêm mạnh mẽ. Ở vòng loại World Cup 2018, đội tuyển nước này trong 4 cuộc chạm trán với Iran và Hàn Quốc chỉ thua một lần, còn lại hòa ba trận. Rồi đến giải U23 châu Á, các cầu thủ trẻ Syria lại thể hiện tinh thần mạnh mẽ để cầm hòa đối thủ mạnh Hàn Quốc.
Còn tại ASIAD 2018, tuyển Olympic Syria gây sốc khi đi tiếp vào vòng knock-out với tư cách nhì bảng, đứng trên cả UAE giàu có. Bước vào vòng 1/8, thầy trò Alfakeer Muhannad thắng tiếp Olympic Palestine để lần đầu tiên vào tứ kết. Trong 10 trận gần đây, đội trẻ Syria chỉ thua hai, còn lại thắng 4 và hòa 4.
Đội tuyển Syria có tinh thần chiến đấu rất bất khuất. |
"Tuyển Syria là đối thủ khiến chúng tôi khó chịu và bực mình nhất", HLV Carlos Queiroz của tuyển Iran và cựu HLV tuyển Hàn Quốc Uli Stielike từng thốt lên ở vòng loại World Cup 2018. Đến ASIAD diễn ra trên đất Indonesia, tuyển Olympic Syria tiếp tục mang bộ mặt như vậy xuyên suốt hành trình của giải.
Họ không tấn công dồn dập, thay vào đó tận dụng tối đa nền tảng thể lực sung mãn để tra tấn đối thủ. Khi có cơ hội phản công, tuyển Olympic Syria triển khai bóng rất nhanh lên phía trên và cố gắng chắt chiu cơ hội. Chính vì sức mạnh của cầu thủ nằm ở tinh thần nên họ trở nên khó đoán.
Không ai biết tuyển Syria có thể làm được những gì. Tại giải U23 châu Á 2018, thầy trò Park Hang-seo trải qua 90 phút rất khó khăn khi chạm trán đối thủ này. Lối đá của Syria đơn giản, nhưng nguy hiểm. Thứ bóng đá của họ dễ khiến người ta buồn ngủ, song bất kỳ sự mất cảnh giác nào cũng đều trả giá đắt
Cuộc nội chiến dai dẳng khiến Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) buộc đội tuyển Syria phải thi đấu trên sân trung lập tại các giải đấu quốc tế, bao gồm vòng loại World Cup 2018. Trong bóng đá, người hâm mộ như cầu thủ thứ 12 trên sân. Thế nhưng tuyển Syria lại không có may mắn này.
Nhà báo Lindsey Kennedy của Guardian từng chứng kiến cảnh Syria đánh bại Campuchia 6-0 hôm 24/3 tại vòng loại World Cup 2018. Hễ mỗi bàn thắng xuất hiện, sân Al-Seeb ở Oman im lặng đến đáng sợ. Điều này có cảm tưởng Syria thi đấu ở chốn không người, dù có 100 CĐV trên khán đài.
"Đây là nỗi thất vọng lớn. Khi thi đấu thể thao, điều bạn mong muốn nhất chính là được chơi trước các khán giả nhà, và đại diện cho quốc gia", thủ quân Abdulrazak Al Husein nói.
Trong các trận đấu Syria chơi với tư cách "đội chủ nhà" tại Oman, không cổ động viên nào chia vui cùng chiến thắng của họ. Ở một nơi người dân quá quen với khung cảnh hoang tàn của những dãy nhà đổ nát, xác người rải rác trên đường, bóng đá Syria từ lâu đã biến mất.
Chiến tranh tàn phá Syria rất nặng nề, lấy đi nhiều sinh mạng vô tội và khiến cả đội tuyển quốc gia nước này bị xáo trộn. Nhiều cầu thủ tài năng của họ di cư, trong khi một số khác thiệt mạng trong cơn binh lửa.
Đất nước Syria liên tục bị dày xéo vì chiến tranh. |
Trước nghịch cảnh, tuyển Syria vẫn chứng minh bóng đá không hề bị chiến tranh che phủ. Thành tích họ giành được ở vòng loại World Cup 2018 trở thành thông điệp mạnh mẽ nhất gửi đến thế giới. Giữa làn khói súng đạn, người Syria có thể ngã xuống, nhưng tinh thần cầu thủ vẫn vững vàng.
Nghịch cảnh chiến tranh không thể giết chết giấc mơ bóng đá của Syria. 8 năm từ ngày chiến sự nổ ra, hơn 400.000 người Syria bỏ mạng. Con số thực có thể cao hơn.
Khoảng 5,1 triệu dân ở đất nước này rời bỏ quê hương. Theo Guardian, hơn 12 triệu người dân Syria phải vật lộn sinh tồn trong cuộc chiến giữa hai phe ủng hộ và chống đối Tổng thống Bashar al-Assad.
Khói lửa chiến tranh tạo ra sự chia rẽ giữa những người dân. Lúc này, đội tuyển quốc gia là thực thể duy nhất thuộc về cả đất nước, một biểu tượng cho sự thống nhất. Đội tuyển Syria ở mọi cấp độ cũng không ngoại lệ, trở thành biểu tượng hiếm hoi đại diện cho "một" đất nước.
Ở loại World Cup 2018, trước trận play-off gặp Australia, phóng viên của Guardian bắt gặp nhiều CĐV với đủ loại trang phục, từ đồ công sở đến những sinh viên, tất cả cùng nhau ngồi lại, gạt bỏ chia rẽ về quan điểm chính trị sang bên để ủng hộ ĐTQG. Tất cả nhờ bóng đá, điều giúp dân tộc Syria đoàn kết.
Nhưng nghịch cảnh không thể ngăn bóng đá Syria tiến lên. |
Chiến tranh đã tàn phá Syria, hủy hoại luôn nền bóng đá từng được truyền thông châu Á mô tả đầy tiềm năng. Nhưng từ đống đổ nát, hạt mầm bóng đá vẫn nảy sinh. Liên đoàn Bóng đá Syria cố gắng duy trì giải quốc nội, áp dụng thể thức mới với 16 đội được chia làm hai bảng thi đấu vòng tròn.
Những chiến lược mới cũng ra đời nhằm kéo khán giả tới sân. Quan trọng hơn, vẫn còn nhiều cầu thủ Syria vẫn duy trì niềm tin vào tương lai tươi sáng. Với họ, bóng đá trở thành thực thể duy nhất tồn tại ở quốc gia bị dày xéo bởi chiến tranh, công cụ để người dân đoàn kết.
Với bóng đá Syria, chỉ khi các trận đấu có ĐTQG và Olympic tham dự, ở đó người ta mới tạm quên đi hồi ức đau buồn của chiến tranh.
Ở vòng loại World Cup 2018, tuyển Syria đã vào đến vòng đấu cuối cùng, đồng thời tiến đến trận play-off gặp Australia. Sau hai lượt trận, tuyển Syria để thua sát nút đối thủ 2-3. Đến giải U23 châu Á, tuyển trẻ Syria có được 2 điểm tại vòng bảng, nhờ các kết quả hòa trước U23 Hàn Quốc và U23 Việt Nam. |
Theo Zing