Trước thông tin Facebook đã sụp đổ trong cuộc đàm phán để mua bản quyền phát sóng trực tuyến giải bóng đá Ngoại hạng Anh cho 3 mùa giải 2019 – 2022 tại 4 nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam nhiều ý kiến cho rằng, các nhà đài Việt Nam lại có cơ hội đưa giải Ngoại hạng Anh trở lại. Không bán được cho Facebook, đơn vị sở hữu bản quyền giải đấu phải quay lại Việt Nam để tìm kiếm đối tác khác khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa mùa giải mới sẽ bắt đầu.
Trao đổi với PV, ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), cho biết dự kiến trong tuần này, đại diện cho các doanh nghiệp truyền hình trả tiền là thành viên của Hiệp hội sẽ họp bàn về vấn đề có mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh hay không.
Ông Cường cũng cho hay cho đến nay Hiệp hội cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ đơn vị sở hữu bản quyền Ngoại hạng Anh.
Theo ông Cường, trong cuộc họp mới đây góp ý kiến để sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình, Bộ TT&TT đã có ý kiến chỉ đạo về việc mua bản quyền các giải đấu thể thao ở nước ngoài và giao cho VNPayTV tổ chức họp với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền để thống nhất phương án.
Đại diện K+ từ chối trả lời liên quan đến bản quyền Ngoại hạng Anh. Ở mùa giải 2016 - 2019, K+ và 3 đơn vị truyền hình trả tiền của Việt Nam là HTV, SCTV, VTVcab được cho là đã phải bỏ ra 46 triệu USD để mang gói bản quyền này về phát sóng ở Việt Nam, trong đó K+ đã phải bỏ ra tới 40 triệu USD để sở hữu gói độc quyền.
Trước đó, truyền thông đã đưa tin Facebook đánh bại các đối thủ khác để giành quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh tại Thái Lan, Lào và Campuchia vào tháng 5/2018 và tại Việt Nam vào tháng 6/2018.
Facebook đã bỏ 264 triệu USD để sở hữu độc quyền bản quyền phát sóng giải đấu bóng đá đắt đỏ nhất hành tinh Ngoại hạng Anh (EPL) gồm 1.140 trận cho 3 mùa từ 8/2019 - 8/2022 tại 4 quốc gia Đông Nam Á là: Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia.
Vào thời điểm đó, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã rất vui mừng vì có cơ hội được xem miễn phí Ngoại hạng Anh trên nền tảng Facebook.
Facebook được cho là đã chi 100 triệu USD để sở hữu độc quyền EPL tại Việt Nam, cao hơn 2,5 lần số tiền K+ đã phải bỏ ra cách đây 3 năm để mua gói độc quyền EPL mùa giải 2016/2019. Đây là một mức chi phí quá đắt đỏ so với doanh thu của các đơn vị truyền hình Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, với số tiền 100 triệu USD thì rất khó lòng để các đơn vị truyền hình ở Việt Nam có thể bỏ tiền ra mua, vì quá đắt đỏ. Thêm vào đó chỉ còn vài tháng nữa là mùa giải mới bắt đầu, nên các nhà đài Việt Nam sẽ có cơ hội để mua gói bản quyền này với giá phải chăng.
Hồi tháng 8/2018, sau khi có thông tin Facebook mua độc quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh 3 mùa giải 2019 - 2022 (EPL) tại Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á, VNPayTV đã có văn bản gửi Bộ TT&TT đề nghị Bộ cần có các công cụ quản lý nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và công bằng cho các đơn vị truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Cụ thể, là chống lại các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ OTT, truyền hình trả tiền trên phạm vi cả nước, xem xét ngăn chặn các hoạt động cung cấp dịch vụ theo cơ chế độc quyền của các đơn vị từ nước ngoài vào Việt Nam
Đồng thời, VNPayTV cũng đề nghị Bộ TT&TT tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như NetFlix, Amazon. Đặc biệt là không cấp phép cho Facebook phát sóng giải Ngoại hạng Anh khi không đảm bảo yêu cầu về Luật Cạnh tranh và yêu cầu về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung Việt hóa bởi một cơ quan báo chí được chỉ định, phải có các chương trình bình luận tiếng Việt đi kèm theo quy định của Luật Báo chí.
Vấn đề đảm bảo an toàn an ninh thông tin cũng được đặt ra khi mà Facebook phát sóng trực tiếp giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh vào Việt Nam.
Theo VNPayTV, việc Facebook độc quyền phát sóng EPL vào Việt Nam dẫn đến vi phạm Luật Cạnh tranh cũng như vi phạm các quy định về quản lý nội dung chương trình truyền hình theo Luật Báo chí.
Hiện Facebook có khoảng 60 triệu người dùng ở Việt Nam, doanh thu quảng cáo tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 235 triệu USD mỗi năm.
Theo ICTnews