>>Lạ như Sài Gòn FC!
>>CLB TP.HCM trước nguy cơ giải thể: 'Sống mòn…'
1. Trong phần “công tác truyền thông và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp” của báo cáo có đoạn: ”Sự quan tâm quá nhiệt tình của báo giới, đôi khi còn phản ánh một chiều theo dư luận cũng làm hạn chế lòng nhiệt huyết của các doanh nghiệp”.
Nói như thế này, hóa ra bóng đá TP.HCM không thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư như Long An có Đồng Tâm, Gia Lai có Hoàng Anh, Hà Nội có ACB, SHB... là do báo chí?
Xin kể một câu chuyện có thật như thế này: Một đội bóng mang danh TP.HCM nhưng không thu hút được người dân TP.HCM quan tâm, đã nhiều lần gặp gỡ báo chí để mong có được sự góp ý, hiến kế nhằm cải thiện tình hình.
Bóng đá Sài Gòn bao giờ mới tìm lại hào quang như thế này |
Rất nhiều góp ý, rất nhiều hiến kế được đưa ra (không dám nói là hay thật không, nhưng những người nghe tỏ ra rất thích thú) nhưng rồi chẳng thấy làm gì cả. Chúng tôi đã hỏi thẳng những người nghe:
Thật sự ông chủ của đội bóng có muốn làm bóng đá không, hay mưu cầu chuyện gì khác thông qua bóng đá? Nếu muốn làm bóng đá thật, báo chí sẵn sàng hợp tác hỗ trợ, hiến kế. Còn không thì xin cứ “lối cũ ta về”.
Mọi người nhìn các nhà báo cười cười, rồi từ đó không nghe kêu gọi hiến kế nữa!
“Báo chí phản ánh một chiều theo dư luận” - Xin đừng đánh giá thấp dư luận như thế. Ai làm gì, muốn gì, mưu cầu chuyện gì, dư luận đều biết cả. Vì vậy, việc bóng đá TP.HCM không có được những doanh nhân có tiềm lực và “máu” thật sự với bóng đá hoàn toàn không phải lỗi báo chí.
2. Sự sa sút của bóng đá TP.HCM thật ra không phải hoàn toàn lỗi của những người quản lý bóng đá. Ngày xưa, TP.HCM là trung tâm của cả miền Nam nên thu hút cầu thủ tài năng mọi nơi đổ về.
Trước khi đất nước thống nhất, hoạt động bóng đá gần như chỉ diễn ra ở Sài Gòn nên các cầu thủ tài năng mọi nơi đã về đây. Thói quen đó chỉ giữ được thêm vài năm sau ngày thống nhất. Từ giữa thập niên 1980 trở đi, các địa phương đều có đội bóng riêng của mình để dự giải vô địch quốc gia.
Tiếp đến, sự phát triển về kinh tế của TP.HCM đã khiến phụ huynh chỉ tập trung cho con em theo học văn hóa, không chấp nhận cho theo bóng đá nói riêng, thể thao nói chung vì đây là một nghề khắc nghiệt và ảnh hưởng nặng nề đến việc học chữ.
Bên cạnh đó, đất đai hóa thành vàng cũng là một lý do “giết” bóng đá TP.HCM khi hàng loạt sân bóng bị biến mất.
Muốn bóng đá TP.HCM tìm lại thời vàng son là một câu chuyện hết sức phức tạp, đòi hỏi nỗ lực sáng tạo từ nhiều phía.
Theo Tuoitre