BTC ta thì lo an ninh cho Arsenal khi họ đến Việt Nam. Nào là ở khách sạn sang trọng bậc nhất, nào là 2000 nhân viên an ninh luôn túc trực, trong đó có 1000 cảnh sát cơ động bảo vệ thầy trò Wenger từ sân bay về khách sạn cho đến hết quá trình du đấu.
Với khách quý thì cầu thị và trân trọng bao nhiêu cũng là chưa đủ.
Còn người Anh thì lo cho các CĐV của họ khi đến Mỹ Đình phải đảm bảo an toàn, tránh uống chất có cồn, tránh gây rối và thực hiện nghiêm túc các nội quy ở sân. Trong một thông báo của Văn phòng Ngoại giao Anh có mấy dòng ghi chú về việc "đi du lịch tại Việt Nam, các fan của Arsenal cũng được dặn đề phòng móc túi ở những nơi đông người và cẩn thẩn tối đa khi qua đường vì có nhiều xe máy".
Sau Indonesia, Việt Nam là điểm dừng chân tiếp theo của Arsenal |
Khách tới chơi mà bị dặn trước "cẩn thận nhà nó có thằng móc túi" kể ra cũng bực thật. Bực nhưng đó là hiện thực.
Móc túi, theo một nghĩa nào đó là đối mặt với nạn chặt chém khi mua đồ, đi taxi, xe ôm trên đường. Và "móc túi" bị hiểu là bị "ăn trộm" khi chen chúc chỗ đông người.
Năm ngoái, tờ TTR Weekly của Thái Lan đã đăng tải một bài viết có tiêu đề: "Những bàn tay tàng hình ở phố cổ Hà Nội". Bài báo phản ánh tình trạng du khách bị những người bán hàng rong móc túi. Cũng theo nội dung bài báo, do rào cản ngôn ngữ, nhiều du khách nước ngoài đã bị những người bán hàng rong "khôn ngoan" móc túi những khoản tiền lớn bằng nhiều cách thức khác nhau.
Ngoài ra còn là những đối tượng móc túi đội lốt hàng rong, giả làm người bán một mặt hàng gì đó, rồi tiếp cận du khách chào mời. Nếu bị từ chối, một trong hai tên sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của khách để tên kia lợi dụng sơ hở móc tiền hoặc các vật dụng giá trị trong túi, ba lô của du khách...
Một người bạn mới ở Quảng Nam dự festival du lịch trở về kể rằng: Hội An luôn nổi tiếng về mức độ an toàn, đi dạo phố cổ từng rất yên tâm để xe ngoài hiên không cần khóa chẳng lo bị mất. Ấy thế mà vừa rồi vẫn có tiếng loa nhắc nhở du khách về nạn móc túi, trộm cắp và yêu cầu du khách đề phòng. Đi chơi mà cứ lo bị móc túi thì không thể thoải mái được.
Thế mới thấy, lời dặn dò của Văn phòng ngoại giao Anh cũng không thừa.
Nói Việt Nam là nơi mà "khả năng bị móc túi cao" có thể khiến nhiều người tự ái. Trên thực tế thì ngay trong lĩnh vực bóng đá, không chỉ những du khách mà chính những người xem bóng đá ở Việt Nam cũng có khả năng xuất hiện cảm giác bị... móc túi.
Các tuyển thủ phải chơi hết mình để xứng đáng với kì vọng của người hâm mộ (Ảnh: Nhạc Dương) |
Chuyện lình xình giữa Ban quản lý sân và BTC trận đấu về giá thuê sân đã khởi đầu cho cái gọi là "chặt chém".
Chuyện vé vào sân xem bóng đá, từ 400 ngàn/vé đến 1,5 triệu/vé có thể là cao nếu so sánh với giá vé ở các trận đấu mà Arsenal tham gia tại Indonesia, tại Nhật. Ngay cả khi giá vé có bằng nhau thì từng ấy tiền vẫn bị cho là đắt, là cao nếu nhìn vào mức sống và thu nhập bình quân của người Việt Nam.
Nhưng người hâm mộ Việt Nam vẫn mua và vẫn xem.
Bây giờ thì đòi hỏi ngược lại, người xem có quyền yêu cầu những cầu thủ Arsenal được bảo vệ tận răng, ở phòng khách sạn VIP cũng như những tuyển thủ Việt Nam phải chơi một trận "đáng đồng tiền bát gạo", ít ra là đáng với cái giá vé mà khán giả bỏ tiền vào sân.
Thế nên đặt vấn đề "vinh dự và trách nhiệm" đối với cầu thủ, với BTC trước hết là vinh dự và trách nhiệm với tấm vé và mỗi khán giả tới sân.
Nếu không làm được điều ấy, họ sẽ lại bị coi là "những kẻ móc túi" người xem.
Theo Thể thao 24h