Giá heo trong cả năm qua rớt giá thê thảm, có thời điểm 1kg heo hơi còn rẻ hơn 1kg gà công nghiệp tại trại. Tuy nhiên, giá thịt heo bán lẻ trên thị trường cũng như các sản phẩm chế biến từ thịt heo như chả lụa, giò thủ, chả chiên, lạp xưởng, xúc xích, chà bông... chỉ thấy tăng giá chứ không hề giảm giá.
Tăng giá đều đều
Cụ thể, các sản phẩm chế biến từ thịt heo những năm trước chỉ trên dưới 120.000 đồng/kg nhưng suốt năm 2017, trong khi giá heo ở trại giảm thê thảm thì những mặt hàng này vẫn tăng giá đều đều và hiện đã lên tới 150.000-200.000 đồng/kg. Những mặt này vào siêu thị, trung tâm thương mại còn bị đẩy giá thêm 30.000-40.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Khắc Hùng, chuyên sản xuất chả lụa, giò thủ, chả chiên, quế chiên tại TP.HCM, cho biết thông thường 1 kg nguyên liệu thịt heo sẽ cho ra thành phẩm còn khoảng 800 g. Ngoài nguyên liệu thịt heo còn có mỡ heo, da, lỗ tai heo. Những cơ sở chế biến chả lụa, giò thủ... thông thường đặt mua nguyên liệu từ cơ sở giết mổ hoặc chợ đầu mối nên được mức giá sỉ. Do đó, giá thành 1 kg sản phẩm chỉ khoảng 80.000-90.000 đồng. Chưa kể không ít người chế biến còn sử dụng cả thịt heo giá rẻ cũng như cho thêm một số loại bột vào sản phẩm để lãi nhiều hơn.
Nhiều sản phẩm chế biến có giá cao bất hợp lý dù giá nguyên liệu đầu vào rất thấp |
Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ nguyên liệu thịt heo cho biết sở dĩ giá bán các loại sản phẩm chế biến không điều chỉnh giá giảm theo giá heo ở các trại chăn nuôi là do họ vẫn phải mua heo từ các trại với giá cao theo hợp đồng đã được ký kết cả năm. Nhưng chúng tôi hỏi khi ký hợp đồng mới, giá có giảm theo hay không thì họ lại bảo là do tình hình mới phải thu mua heo có truy xuất nguồn gốc, heo nuôi phải được chứng nhận VietGAP... nên khó có khả năng giảm được.
Với lập luận trên, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng họ giải thích như vậy là không thuyết phục vì giá heo nuôi bình thường với nuôi theo chứng nhận VietGAP cũng tương đương nhau, không có chênh lệch nhiều.
Giảm thì dễ nhưng…
Bà Lê Hồng Hạnh - chủ một cơ sở chế biến thực phẩm ở quận 8, TP.HCM - cho biết những người sản xuất như bà phải gánh rất nhiều chi phí, nguyên liệu chỉ chiếm một phần trong giá bán. Để ra được giá thành phải tính cả tiền nhân công, quản lý, nguyên phụ liệu, các loại thuế, bảo quản và nhiều loại phí không tên khác.
"Cơ sở sản xuất tạo ra được sản phẩm phải qua nhiều công đoạn, công sức nhưng mức lợi nhuận thu được rất thấp so với khâu lưu thông, phân phối. Chẳng hạn một sản phẩm ra tới thị trường phải qua nhiều trung gian từ đại lý cấp 1, 2, 3 mới đến tay người bán lẻ. Cho nên giá đến tay người tiêu dùng bị đội lên rất cao" - bà Hạnh trần tình.
Các cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến khác cho biết muốn đưa sản phẩm vào siêu thị, trung tâm thương mại lại càng vất vả hơn. Ngoài mức chiết khấu cao, còn phải tốn thêm nhiều chi phí khác để được đưa hàng vào, cũng như lên được vị trí đẹp, "mặt tiền", tiếp xúc được tầm nhìn của khách hàng. Còn không, hàng sẽ bị để ở vị trí không ai nhìn thấy hoặc đặt nơi quá cao hay quá thấp...
Các doanh nghiệp chế biến cũng như nhà bán lẻ thừa nhận theo quy luật khi giá nguyên liệu giảm thì giá sản phẩm phải giảm theo nhưng trên thực tế, việc điều chỉnh giảm giá bán là rất khó. Bởi việc giảm giá thì dễ nhưng khi muốn điều chỉnh tăng giá trở lại sẽ gặp ngay khó khăn cả dây chuyền phân phối cũng như với khách hàng. "Cho nên tốt nhất là không giảm giá bán cho dù giá nguyên liệu xuống" - đại diện một doanh nghiệp thẳng thắn.