Cuối tháng 6, một số DN xăng dầu đầu mối lại phát tin vẫn đang lỗ 200 đồng/lít xăng, dầu dù đang được bù lỗ 300 đồng từ Quỹ Bình ổn giá. Đại diện một số DN đầu mối phía Nam cho biết, chiếu theo giá bình quân 30 ngày tính đến 23/6, DN đang lỗ 500 đồng/lít xăng, dầu bán ra.
Tuy nhiên, do đang được bù lỗ 300 đồng từ Quỹ Bình ổn giá nên mức lỗ thực là 200 đồng/lít. Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã công bố, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giảm xuống chỉ còn 55 tỷ đồng từ 756 tỷ đồng tại ngày 30/6/2013, và đây là mức rất thấp. Trong khi đó, tổng lượng xăng tiêu thụ trên thị trường của ta là khoảng 1 tỷ lít/tháng.
Giá xăng lại ngấp nghé tăng. |
Trong khi đó, trong báo cáo gửi các Bộ, ngành, các DN xăng dầu đều đồng loạt kêu giá xăng dầu thế giới từ thời điểm tăng giá gần đây nhất (28/6) vẫn liên tục có xu hướng tăng lên. Cụ thể, giá xăng giao tháng 8 trên sàn hàng hóa New York đã tăng mạnh 9 cent, tương ứng với mức 3%, lên 3,02 USD/gallon.
Bản tin chứng khoán ngày 10/7 của công ty chứng khoán TP.HCM cũng cho biết, giá bán buôn Platt bình quân động 30 ngày tại Singapore gần đây cũng cao hơn 1,14-1,95% so với giá trong nước. Theo giá này, các DN đầu mối lỗ từ 439-480 đồng/lít đối với xăng A92 và 366-395 đồng/lít đối với dầu DO. Còn giá bán buôn Platt bình quân động 10 ngày gần đây cao hơn 1,46-2,39% so với giá trong nước. Theo đó, các DN đầu mối lỗ 419-446 đồng/lít đối với xăng A92 và 523-549 đồng/lít đối với dầu DO.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, nếu giá xăng tăng dưới 400 đồng/lít sẽ tác động 0,25% vào tốc độ tăng CPI theo tháng của tháng 8 và cộng thêm gián tiếp 0,23% vào tốc độ tăng CPI theo tháng của 2 tháng kế tiếp. |
Như vậy, rất có thể giá xăng dầu sẽ lại phải tăng thêm một lần nữa trong thời gian ngắn. Nhiều khả năng giá xăng dầu sẽ lại được điều chỉnh tăng từ 350-400 đồng/lít xăng.
Nguồn tin từ Tổ điều hành giá xăng dầu hôm qua (12/7) cho biết, việc các DN xăng dầu kêu lỗ gần đây là có thật. Tuy nhiên, điều chỉnh giá xăng dầu hay không chưa thể nói trước thời điểm nào, bởi tăng giá xăng dầu sẽ còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chưa kể, các bộ ngành can thiệp bằng công cụ nào cũng cần phải cân nhắc, có thể là giảm thuế, tăng giá hay tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn vẫn chưa thể công bố trước.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu thêm lần nữa là khó tránh, bởi 70% xăng dầu trong nước phụ thuộc thế giới. Trong khi đó, số dư của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn quá ít, nếu giá thế giới tiếp tục tăng thì việc tăng giá trong nước là khó tránh. Tuy nhiên, ông Long cũng cảnh báo, mặt hàng xăng dầu đang còn độc quyền, nếu DN cứ xin tăng giá là cho tăng khi mới chỉ có biến động nhẹ sẽ khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Theo Dân Việt