"Phụ phí" trên trời
Tình hình kinh tế khó khăn cũng là lúc những mặt hàng điện tử đi dần vào tình trạng ế ẩm triền miên. Nhằm giải phóng sản phẩm tồn kho, nhiều cửa hàng kinh doanh các mặt hàng này liên tục triển khai chương trình mua trả góp lãi suất 0%. Tuy nhiên ẩn sau những lời chào mời hấp dẫn này là các chiêu trò nhằm "móc túi" người tiêu dùng.
Không khó để tìm kiếm hình thức trả góp lãi suất 0% . |
Để tham khảo mức "phụ phí" mà người dùng phải gánh thêm khi mua hàng qua hình thức này, PV đã liên hệ với một cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại và máy tính bảng chấp nhận trả góp lãi suất 0% trên đường Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Qua quá trình tìm hiểu, để có được một sản phẩm giá cao nhưng chi phí ban đầu thấp, khách hàng sẽ phải đối mặt với hàng loạt các chi phí "khủng" khác đằng sau đó.
Đầu tiên phải kể đến là mức giá quá "chát" của sản phẩm. Hỏi mua một chiếc iPhone 5 bản 32GB theo hình thức trả góp được báo giá là 18,7 triệu đồng. Tuy nhiên, ở ngoài thị trường, mức giá trung bình để mua đứt sản phẩm này chỉ có 16,7 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc người mua đã bị "ăn chặn" tới 2 triệu đồng qua hình thức trả góp.
Không chỉ có thế, các khuyến mại đi kèm như tấm dán màn hình, tai nghe ... như các cửa hàng khác cũng bị cắt bỏ nếu khách mua hàng dưới hình thức trả góp. Ngoài ra, cũng giống như những cửa hàng "ngoài luồng" bán sản phẩm không được ủy quyền chính hãng của Apple, các chế độ bảo hành đều không có. Điều này đồng nghĩa với việc, dù cho người dùng đã bỏ ra tổng tiền khá cao so với giá trị thực nhưng nếu máy có hỏng thì vẫn phải ... tự lo.
Nếu như các cửa hàng dạng này thường quảng cáo quá trình mua bán chỉ diễn ra trong vòng 15 phút thì sự thực lại hoàn toàn khác. Ngoài việc hoàn thành hàng loạt các giấy tờ có liên quan, người mua còn phải đợi ngân hàng, đơn vị liên kết với cửa hàng đưa ra chương trình trả góp, xác minh đảm bảo tài chính. Thường thì khi sản phẩm đến tay người mua phải mất chừng xấp xỉ 1 tuần.
Chưa hết, khi mua các sản phẩm dạng này, khách sẽ phải thanh toán trước từ 30-50% giá trị, khoản còn lại sẽ được trả góp lần lượt trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm. Trong quá trình trả góp hàng tháng nếu khách hàng trả chậm ngày sẽ bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng. Còn nếu không trả được trong thời hạn quy định, người mua sẽ phải chịu mức lãi tương đương với lãi suất ngân hàng cho số tiền còn thiếu.
Anh Minh (Cầu Giấy, Hà Nội), người từng mua một chiếc iPad theo hình thức trả góp cho biết: Do ban đầu không tham khảo giá các nơi nên mua chênh mất gần 3 triệu đồng, mình đành chấp nhận. Tuy nhiên bực một cái là cứ đến cuối tháng, công việc bận rộn, mình quên mất không đóng tiền là y như rằng nhân viên của ngân hàng liên tục gọi điện giục, đến khi nào đóng xong mới thôi. Nhiều lúc ức chế lắm.
Dễ vướng "bẫy"
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hình thức các cửa hàng, trung tâm điện máy hợp tác cũng ngân hàng đưa ra những chương trình mua trả góp lãi suất 0% là rất phổ biến hiện nay. Nếu không cẩn trọng, người dùng rất dễ vướng vào cái "bẫy" này bởi lợi ích của khách hàng trong các chương trình như vậy chỉ là tối thiểu.
Khách hàng cần tham khảo giá kỹ trước khi mua. |
Mặc dù mức lãi khá hấp dẫn 0% nhưng bên bán và ngân hàng đều đã bàn bạc để cho ra mức giá bán sản phẩm cao hơn so với giá thị trường. Như vậy, về phía cửa hàng sẽ thu được thêm 1 phần lợi nhuận đáng kể. Do một trong những điều kiện bắt buộc để tham gia chương trình dạng này là người mua phải có thẻ tín dụng ngân hàng, vì thế về phía ngân hàng, họ sẽ có thêm đối tượng khách hàng mới để khai thác tiếp trong tương lai.
Tóm lại, mô hình chung của hình thức trả góp lãi suất 0% đã được xây dựng sao cho lợi ích lớn nhất luôn nằm về "phe" ngân hàng và bán sản phẩm. Còn người dùng, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên hoặc người có thu nhập thấp sẽ luôn bị "ảo tưởng" về quyền lợi hấp dẫn mà mình được hưởng.
Vì vậy, trong tình trạng kinh tế hiện nay, thay vì tìm đến các chương trình trả góp, khách hàng nên tham khảo các hình thức mua thẳng. Do mức giá đã được niêm yết sẵn, cũng như tính cạnh tranh cao từ các nơi bán vì vậy khả năng mua hớ là khó xảy ra.
Theo VTC News