Giá trần được đề cập ở đây là giá trần bán lẻ cuối cùng, không phải giá trần cho sản xuất và đây là mức giá mà người tiêu dùng quan tâm.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Ánh cho rằng cách làm này khác với việc Nhà nước định giá. Nhà nước định giá nghĩa là buộc phải bán đúng giá đã định, trong khi đưa ra giá trần là cho phép các doanh nghiệp được bán dưới giá trần. Trong điều kiện đó, các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh bằng cách giảm giá dựa trên cơ sở giảm giá thành.
Các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh bằng cách giảm giá dựa trên cơ sở giảm giá thành. |
Về cách xác định giá trần, theo ông Ánh, cần tính toán chi phí, bao gồm cả khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước. Vấn đề quan trọng là cần có giá trần để đảm bảo doanh nghiệp không thể bán đắt quá dẫn đến vi phạm lợi ích người tiêu dùng. Đồng thời, điều chỉnh giá là việc của cơ quan chức năng chứ không phải của doanh nghiệp.
Với cách làm này, ông Ánh kỳ vọng, doanh nghiệp muốn đạt lợi nhuận cao phải tăng sức cạnh tranh bằng việc giảm chi phí, chứ không phải cạnh tranh bằng cách tăng giá bán. “Đó mới là cơ chế ép các doanh nghiệp đang độc quyền hoặc đang có vị trí thống lĩnh quan tâm đến việc giảm chi phí sản xuất, đây mới là gốc của vấn đề”, ông Ánh lưu ý.
Xem xét từ khía cạnh Nhà nước, ông Ánh cho rằng, việc đưa ra giá trần của cơ quan quản lý phải đảm bảo tính khách quan, không vì lợi ích của doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh: “Nhà nước phải đứng ngoài lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, chứ không phải Nhà nước chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
Việc nhà nước chia sẻ quyền lợi với doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ dẫn đến tình trạng nhà nước đứng về phía doanh nghiệp vì thực tế doanh nghiệp độc quyền hiện nay đều là doanh nghiệp Nhà nước.
Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần đưa ra giá trần, nhưng chỉ ràng buộc các doanh nghiệp độc quyền. Với các doanh nghiệp có thị phần nhỏ, theo bà Hiền, có thể để họ tự động xây dựng giá bán, bởi lẽ, họ cần phải cạnh tranh với doanh nghiệp lớn, họ có thể chịu lãi ít hơn, tăng chi phí quảng cáo hoặc tăng chiết khấu hoa hồng.
“Đấy là việc của họ, họ sẽ chịu thiệt thòi một thời gian, Nhà nước không việc gì phải soi xét họ quá kỹ”, bà Hiền nhấn mạnh.
Từ quan điểm chỉ quản lý các doanh nghiệp độc quyền hoặc có vị thế thống lĩnh thị trường, bà Hiền cho rằng không nên làm Nghị định quản lý tất cả các doanh nghiệp. Thay vào đó, nên có một nghị định riêng quản lý một doanh nghiệp độc quyền hoăc một doanh nghiệp thống lĩnh thị trường hoặc một nghị định kiểm soát thị trường xăng dầu và chỉ quy định giá trần và cách tính giá rất nguyên tắc.
“Làm như vậy mới xử lý được vấn đề thị trường xăng dầu hiện nay. Nếu chỉ sửa Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu theo xu hướng cũ thì chẳng bao giờ sửa hết mâu thuẫn của nghị định này”, bà Hiền nói.
Mặt khác, theo bà Hiền, cách làm này sẽ dễ dàng hơn cho quản lý độc quyền mà không ảnh hưởng đến quyền lợi và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ, vốn không phải là những doanh nghiệp độc quyền.
Theo VnEconomy