Theo thông lệ, cứ đến tháng 7 âm lịch hàng năm, mùa xá tội vong nhân thì thị trường trở nên ảm đạm. Từ những mặt hàng thiết yếu như thời trang, đồ gia dụng cho tới những mặt hàng giá trị lớn như ô tô, xe máy cho tới bất động sản đều chung một "hoàn cảnh" như nhau. Người bán chờ khách, khách thì lại chờ "qua rằm hẵng tính". Tuy nhiên, có một mặt hàng lại "trúng vụ" vào khoảng thời gian này, chính là đồ hàng mã.
Đồ độc lên ngôi, con gà tức nhau tiếng gáy
Nếu như chỉ cách đấy chừng mươi ngày, những con phố chuyên hàng mã, đồ chơi như Lương Văn Can, Hàng Mã, chợ Đồng Xuân vẫn lìu tìu với những mặt hàng như đèn lồng, câu đối, pháo giấy, đồ chơi trẻ con thì khi bước sang đầu tháng 7 chừng mấy ngày, những con phố này đã "lột xác" với không khí kẻ mua, người bán sôi động hơn hẳn.
Phố Hàng Mã bước vào vụ buôn bán sôi động nhân rằm tháng 7 |
Đi dọc phố hàng Mã, những "ngựa xe như nước, áo quần như nêm" được treo chi chít trên những chiếc móc nhôm trước mỗi gian hàng. Theo bật mí của người bán hàng, ngoài ngựa, xe, quần áo, ô tô, tủ lạnh bày bán tràn lan thì còn có những mặt hàng "hiếm có khó tìm", chỉ chuyên đặt riêng theo yêu cầu của khách.
Chừng hai năm trở lại đây, mặt hàng đặt riêng trở nên đắt khách hơn, đương nhiên giá trị cũng cao hơn so với những mặt hàng sản xuất hàng loạt. Nếu như trước đây, đặt "xe sang", biệt thự cao cấp đã gọi là xịn rồi thì năm nay, chuyện đặt hàng một cục từ nhà cửa, vườn tược, đồ đạc tiện nghi, người giúp việc trong nhà của khách không còn là chuyện lạ.
Bà P.T.T. ở Gia Lâm, Hà Nội cho biết: "Năm nay kinh tế khó, nhờ các cụ phù hộ cho mà gia đình tôi mới vững vàng được. Nhớ ngày các cụ còn sống, chi tiêu tằn tiện từng hào nên bây giờ con cái cũng chịu khó đầu tư đầy đủ cho các cụ "sang" hẳn với những hộ xung quanh. Trần sao thì âm vậy, có nhà cửa, xe pháo, người ăn kẻ ở đồng bộ thì người ta mới không bảo mình là trọc phú. Người âm khác gì người trần, cũng con gà kém nhau tiếng gáy lắm".
Bà P.T.T. vừa nói vừa điểm lại những mặt hàng đặt làm xem còn thiếu món gì nữa không. Số tiền mà gia đình bà T. bỏ ra cũng "Tiền triệu là tiền triệu thế nào? Riêng công thiết kế nhà cửa bỏ ra cũng phải xôm hơn hẳn rồi", bà T. cho biết.
Không chỉ gia đình bà T., nhiều khách hàng cũng phải nhăm nhăm đặt hàng với các cửa hàng trên các con phố chuyên hàng mã từ cách đó nhiều ngày mới có hàng. Bởi vì theo chủ hàng cho biết, thời gian cao điểm của vụ, những mặt hàng thông dụng thì nhiều nhưng hàng "độc" thì không có đủ thợ để làm, chủ hàng lại phải đi đặt riêng, bên sản xuất đồng ý rồi mới dám nhận lời với khách.
Thị trường càng mở thì mẫu mã, chủng loại hàng hoá càng trở nên phong phú hơn. Tuy mặt hàng đồ mã là "độc quyền" của những con phố này nhưng sự cạnh tranh không phải là nhỏ. Nhất là trong buổi những mặt hàng phổ thông như điện thoại di động, ô sin, máy tính bảng, siêu xe đã trở thành… "đồ chợ" thì việc thu hút những khách hàng nhiều tiền trở thành bài toán cho các chủ hàng ở đây.
Bà T.P.N. ở Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội cùng con gái phải đi đến hàng thứ ba mới quyết định mua được một chiếc máy tính bảng đời mới nhất cho đứa con trai không may qua đời do tai nạn cách đấy ít lâu. "Ngày nó còn sống, cháu nó thích đồ công nghệ, mà phải là đồ mới nhất cơ chứ hàng đã lỗi mốt là bỏ. Thương lắm cô ạ. Tôi thì chẳng biết gì, thấy người ta bảo là sản xuất hàng loạt, hàng nào cũng như nhau cũng không tin lắm. Chọn được cái bắt mắt, đẹp và mới là ok rồi".
Trung bình giá cả một bộ đầy đủ nhà cửa, xe cộ, đồ đạc cho người âm không thuộc vào hạng "xịn" cũng đã 4-5 triệu đồng. Đồ riêng lẻ thì có giá mềm hơn, cũng có nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.
Một chiếc xe máy loại rẻ thì 5-6 chục nghìn cũng có loại xịn thì đến trăm rưỡi, hai trăm nghìn là chuyện thường. Mặt hàng thời trang cho người âm cũng không kém cạnh với đủ các loại giá từ 100 - 200 cho tới 250 nghìn đồng/bộ (đắt không kém phần so với hàng thật loại bình dân). Nếu là đồ đặt riêng, đặt độc thì "không có giá", tuỳ theo độ "chịu khó" của khách.
Song song đó, thị phần khách hàng phổ thông cũng không hề kém cạnh. Các chủ cửa hàng cũng đặc biệt chăm sóc số khách này bởi số lượng thì ít nhưng nhiều, tính ra nguồn thu chính vẫn phải phụ thuộc vào khách bình dân hơn là khách sang.
Đồ mã ngày càng phong phú về chủng loại, đa dạng về kích thước, không hề kém cạnh đồ dương thế. |
Loay hoay mua nhà cho người âm
Rời khỏi các con phố lớn chuyên đồ hàng mã, PV tìm đến các khu chợ, các con phố nhỏ hơn và nhận thấy rằng, những mặt hàng đốt cho người chết ở đây cũng không kém phần sôi nổi.
Một cửa hàng trong ngách vào làng Cót, Yên Hoà, Cầu Giấy tuy rất nhỏ nhưng về mặt hàng, chủng loại cũng không thiếu loại gì. Do có mặt tiền và nhất là không phải cạnh tranh với những cửa hàng bên cạnh nên cửa hàng đồ mã này nhanh chóng bành trướng ra cả xung quanh. Người đi đường nhìn vào, thấy một thế giới sắc màu loè loẹt với đầy đủ ngựa xe, đồ dùng, thời trang, người mẫu,…
Nói đến chuyện "đi chợ ma", sắm sang cho người chết, không thể không đối xứng hai cõi âm dương. Tình cờ chúng tôi gặp bà M.P. ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội đang loay hoay chọn một căn biệt thự mã.
Thấy chủ hàng đưa ra 5-6 chiếc nhưng chị P. vẫn chưa ưng ý lắm, khi được hỏi lý do thì chị P. cho biết:"Tôi cũng đang phân vân xem nên mua biệt thự hay mua nhà chung cư cho các cụ. Bởi vì nếu quy ra tiền dương thế, gia đình chúng tôi chẳng thể đủ mua một mảnh đất riêng, thời các cụ còn sống vẫn phải đi ở thuê. Năm nay đất hạ, vợ chồng con cái cũng mua được căn hộ chung cư nên cũng phải nghĩ cho các cụ. Mình làm gì cũng phải liệu cơm gắp mắm thôi. Thôi thì con cái ở chung cư thì các cụ cũng ở chung cư cho tiện. Nhưng tìm hoài chẳng thấy bán cái nhà chung cư nào, chỉ thấy bán biệt thự. Khó là khó ở chỗ đấy, chứ tôi nào tiếc tiền sắm sang đâu, đắt cũng chỉ vài trăm ngàn chứ mấy".
Theo tiết lộ của một chủ cửa hàng ở chợ Đồng Xuân cho biết, thời điểm từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch cho tới rằm, thu nhập trung bình của mỗi cửa hàng cũng phải chiếm tới ¾ tổng thu nhập cả năm. Bình thường mỗi nhà chỉ đôi ba người cũng đủ quán xuyến việc buôn bán, đến vụ thì cả con cháu, họ hàng cũng bị huy động hết cỡ cũng không đáp ứng xuể. |
Theo NĐT