Mỹ tạo phần mềm chống tin giả trên mạng

Thứ tư, 04/09/2019, 15:28
Bộ Quốc phòng Mỹ đang thực hiện chiến dịch phản công nhằm phát hiện ra tin tức giả mạo và thông tin gây méo mó trên không gian mạng.

Nhà làm phim Jordan Peele (phải) đã tạo ra một video giả về cựu Tổng thống Barack Obama nói xấu Tổng thống Donald Trump

Trọng tâm của chiến dịch là phát triển phần mềm có thể phát hiện và loại bỏ tin tức, hình ảnh, âm thanh và video được cho là sản phẩm độc hại, gây ảnh hưởng xấu và gây nhiễu đối với xã hội Mỹ. Theo Cơ quan quản lý dự án nghiên cứu quốc phòng (Darpa) Mỹ, những loại thông tin này nằm ẩn trong hơn 500.000 sản phẩm truyền thông trên không gian mạng.

Theo Bloomberg, tin tức giả mạo được tạo ra ngày càng tinh vi, khiến nhiều phần mềm điều khiển dữ liệu khó phát hiện hơn. Hình ảnh trí tuệ nhân tạo phát triển những năm gần đây trong điện ảnh, công nghiệp thời trang và hệ thống nhận diện khuôn mặt bị lạm dụng để tạo các video giả mạo.

Nhà làm phim nổi tiếng, từng đoạt giải điện ảnh Oscar, Jordan Peele đã tạo ra một video giả về cựu Tổng thống Barack Obama nói về Black Panthers, Ben Carson, và đưa ra một lời cáo buộc chống lại ông Donald Trump là ví dụ điển hình cho nguy cơ của việc sản xuất tài liệu giả tạo.

Bằng cách tăng kiểm tra thuật toán số, Darpa hy vọng có thể phát hiện ra tin tức có mục đích xấu trước khi bị phát tán. Dựa trên sự không nhất quán, có thể phát hiện ra sản phẩm truyền thông có bị làm giả hay không. Đối với những kẻ giả mạo, đòi hỏi phải làm mọi chi tiết chính xác, trong khi phần mềm chỉ cần tìm một chi tiết không nhất quán là có thể cho kết quả đâu là hàng giả, đâu là hàng thật.

Ví dụ, phần mềm dễ dàng phát hiện bông tai của một nhân vật không khớp nhau trong video làm giả, hoặc những chi tiết khác có thể bị máy móc bỏ qua nhưng con người thì dễ dàng nhận diện được như sự lệch lạc ở răng, đầu tóc rối bù và phông nền khác thường xuất hiện trong video giả mạo.

Giới chức Mỹ đang thực hiện kế hoạch ngăn chặn tin tặc từ bên ngoài được nói là tràn ngập các kênh trên mạng xã hội với thông tin sai lệch trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. "Yếu tố rủi ro chính là phương tiện truyền thông xã hội dễ bị lạm dụng để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử", Jennifer Grygiel của Đại học Syracuse phát biểu.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn