Không chỉ cấm cửa Huawei, chính phủ Mỹ còn muốn hỗ trợ tài chính cho Nokia và Ericsson

Thứ tư, 09/10/2019, 09:30
Bằng cách này, chính phủ Mỹ muốn tạo ra các đối thủ để thay thế Huawei trên toàn cầu.

Một báo cáo mới từ trang Financial Times cho thấy các quan chức Mỹ muốn đi xa hơn nữa trong việc trừng phạt Huawei. Công ty này hiện đang là người dẫn đầu thế giới về thiết bị mạng với 28% thị phần, và các quan chức Mỹ cảnh báo chính quyền ông Trump về việc hiện không có công ty Mỹ nào có thể sản xuất các thiết bị viễn thông như vậy.

Một số quan chức tin rằng hành động tốt nhất là cung cấp các khoản tín dụng lớn cho các đối thủ của Huawei như Nokia và Ericsson để giúp họ đưa ra các ưu đãi tài chính cho khách hàng. Điều này tương tự như những khoản hỗ trợ mà Huawei nhận được từ các ngân hàng nhà nước tại Trung Quốc.

Một số quan chức khác muốn tạo ra các đối thủ với Huawei ngay tại nước Mỹ với các công ty như Orcale hay Cisco. Tuy nhiên, cả hai công ty này cho biết không quan tâm đến việc tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này bởi vì nó quá đắt đỏ và tốn kém thời gian.

Tuy vậy chính quyền Mỹ còn muốn các công ty công nghệ Mỹ đầu tư vào công nghệ 5G thông qua lĩnh vực phần mềm để cho phép thiết bị mạng từ nhiều công ty khác nhau có thể hoạt động cùng nhau. Điều này cho phép các công ty có thể xây dựng mạng 5G từ linh kiện của nhiều nhà cung cấp khác nhau, thay vì phải mua từ một công ty như Huawei.

Có một công ty Mỹ tên là Altiostar đang làm phần mềm như vậy và lãnh đạo công ty đang khuyên các quan chức chính quyền Mỹ buộc những công ty phần cứng hỗ trợ phần mềm của họ. Ông Thierry Maupilé, CEO Altiostar, cho biết: "Sản phẩm của chúng tôi rất hấp dẫn với chính quyền, nhưng chúng tôi cần họ hỗ trợ cho chuỗi cung cấp Mỹ."

Việc nước Mỹ coi Huawei như một mối đe dọa cho an ninh quốc gia bắt nguồn từ một điều luật ở Trung Quốc khi buộc các công ty trong nước phải thu thập thông tin và trao cho chính phủ khi có yêu cầu. Điều này gây ra nỗi sợ cho rằng các nhà sản xuất điện thoại và thiết bị mạng có thể tạo ra các backdoor để gửi thông tin về Trung Quốc.

Vào tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách Thực thể, ngăn công ty mua hàng từ Mỹ. Lệnh cấm này buộc chiếc Huawei Mate 30 ra mắt gần đây hoàn toàn không có các ứng dụng nổi tiếng của Google, như Play Store, Search hay Maps, … Điều này buộc người dùng quốc tế phải đắn đo trước khi mua nó hoặc phải tìm các cách lách luật khác nhau để cài đặt các ứng dụng này.

Theo GenK

Các tin cũ hơn