Câu chuyện thế giới.
Trên toàn cầu, khái niệm về các "thành phố thông minh" đã không còn là khái niệm xa lạ.
Sự tập trung dân số, tốc độ gia tăng của đô thị đã mang lại cho các thành phố và quốc gia một số thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Nó bắt đầu đưa ra những bài toàn mới về lập kế hoạch cho cơ sở hạ tầng, môi trường, giao thông và ứng phó với thiên tai; bên cạnh đó là các yêu cầu về nhà ở, năng lượng, an ninh, y tế và giáo dục, cũng như các vấn đề như truyền thông và giải trí.
Và không phải điều gì đó xa xôi như các thành phố trong phim viễn tưởng, với một hệ thống máy tính AI có khả năng tự đưa ra quyết định và xử lý mọi vấn đề phát sinh. Ở đây thành phố thông minh có thể hiểu là một thành phố được quản lý về cải thiện về chất lượng, trong việc xây dựng kế hoạch, quản lý và điều hành, đảm bảo cho nó có thể phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và cả môi trường. Nó phải cho phép được các nhà quản lý biết được toàn bộ những gì xảy ra bên trong thành phố đó. Và điều này chỉ có thể nắm bắt được thông qua việc thay đổi phương thức điều hành, với sự hỗ trợ của công nghệ số, Internet và công nghệ di động.
Ở các quốc gia phát triển, và thậm chí đang phát triển, các dự án chuyển đổi số để xây dựng thử nghiệm các thành phố thông minh đã ra đời từ nhiều năm qua. New York, London, Paris, Tokyo, Reykjavik (Iceland), Singapore, Seoul, Toronto, Hong Kong, Amsterdam là 10 thành phố thông minh dẫn đầu thế giới theo bảng xếp hạng mới nhất hiện nay.
Châu Âu là châu lục có nhiều ứng cử viên trong bảng xếp hạng nhất với 12 trên tổng số 25 thành phố dẫn đầu bảng. Theo sau đó là Bắc Mỹ với 6 thành phố, châu Á với 4 thành phố (tất cả đều nằm trong top 10) và châu Đại dương với 3 thành phố. Thành phố thông minh nhất của châu Phi là Tunisia, xếp thứ 134 trong bảng xếp hạng.
Quyết tâm của chính phủ Việt Nam
Không phải lúc nào một diễn đàn kinh tế lại có được sự quan tâm của nhiều ban ngành, đoàn thể và các tập đoàn trong nước, quốc tế lớn nhỏ như Industry Summit 4.0 vừa qua. Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 có sự tham gia đồng bảo trợ và chỉ đạo về chuyên môn của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với sự tham gia phối hợp của một loạt các bộ, ban, ngành từ trung ương tới địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ... cũng tới tham dự và tham gia phiên toàn thể của sự kiện này. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy phần nào sự cấp thiết và quan trọng của nhu cầu về chuyển đổi số ở Việt Nam.
Trên thực tế, đô thị thông minh từ lâu cũng đã là chủ đề nóng của khu vực, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết 52 vừa được Bộ Chính trị ban hành mới đây đã nêu rất rõ mục tiêu của Việt Nam về đô thị thông minh. Cụ thể, đến năm 2025, đích ngắm của Việt Nam là có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói: "Cho đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư với nhiều tên gọi khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia - một trong những nội dung cốt lõi của tham gia CMCN lần thứ tư.
Đối với nước ta, nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia CMCN lần thứ tư sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai".
Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số đã và đang được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực ở Việt Nam. Năm 2018, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, trong đó chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc, lên thứ hạng 59/193 quốc gia so với năm 2016.
Tuy vậy, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình. Chưa kể, Việt Nam cũng chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của cuộc CMCN lần thứ tư trong sản xuất và đời sống. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Và để Việt Nam không bỏ lỡ cuộc CMCN này, ngoài những nỗ lực tự thân, ông Bình cho rằng, Việt Nam cần sự giúp đỡ, hợp tác và chia sẻ của các nước cũng như các doanh nghiệp quốc tế.
Sự nỗ lực của Samsung.
Tại sự kiện Industry Summit 4.0, tập đoàn Hàn Quốc tham gia với vai trò đối tác. Di động hóa cho doanh nghiệp và chính phủ; xây dựng chính phủ điện tử, mạng di động 5G hay một số thiết bị chuyên dụng cho B2B, B2G là những giải pháp Samsung cung cấp cho công cuộc chuyển đổi số, hiện đã áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Hàn Quốc. Samsung cũng cam kết sẽ luôn sẵn sàng chia sẻ nguồn lực công nghệ, con người, kinh nghiệm, kiến thức từ hệ thống trên toàn thế giới để góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số.
Trong đó, hai lĩnh vực nổi bật được đề cập tới trong sự kiện năm nay là xây dựng thành phố thông minh cùng đổi mới ngân hàng.
Samsung đã chung tay trong việc xây dựng phát triển đô thị thông minh ở Hàn Quốc trong 15 – 20 năm qua. Do đó, công ty này khẳng định có thể mang tới nhiều giải pháp thú vị cho các thành phố thông minh ở Việt Nam.
Theo ông Võ Hồng Hải, Giám đốc ngành hàng CNTT và Khối doanh nghiệp, công ty Điện tử Samsung Vina cho biết Samsung đang cung cấp giải pháp thành phố thông minh dựa trên nền tảng kết nối Brightics IoT, do chính công ty tự phát triển.
Brightics IoT, có thể hiểu là một nền tảng về kết cấu, hỗ trợ cho việc quản lý thời gian thực, nó cũng hỗ trợ cho việc kiểm soát đánh giá các trang thiết bị đang sử dụng trong một khu vực, từ tòa nhà đến thành phố.
Theo ông Hải, nền tảng này sẽ đáp ứng được 3 yếu tố quan trọng.
Thứ nhất là dễ dàng tích hợp và kết hợp với các trang thiết bị thông minh khác.
Thứ hai là vấn đề xử lý thông tin. Việc chuyển đổi và xử lý toàn bộ thông tin trên hệ thống về máy chủ vốn mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, điều này sẽ được khắc phục trên nền tảng của Samsung khi mà dữ liệu đã được phân tích, xử lý, đóng gói ngay tại thời điểm thu thập.
Thứ ba là vấn đề bảo mật. Dữ liệu trên nền tảng của Samsung sẽ được bảo mật ngay từ khi tiếp nhận với nhiều lớp khóa cũng như được mã hóa toàn bộ trên đường truyền
Với nền tảng Brightics IoT, hiện Samsung đang đưa ra 4 giải pháp bao gồm: quản lý tòa nhà thông minh, hệ thống chiếu sáng đường phố thông minh, quản lý nông trại thông minh và quản lý từ xa…
Ví dụ như với giải pháp quản lý tòa nhà thông minh, dữ liệu sẽ được thu thập từ các trang thiết bị trong tòa nhà, phân tích và đưa ra giải pháp tối ưu nhằm chủ động hạn chế hư hỏng và dự báo mức năng lượng sử dụng hợp lý nhất. BMS sử dụng những công cụ tự động để giảm thời gian và chi phí triển khai việc vận hành hoạt động của tòa nhà và các trang thiết bị đi cùng . Công tác quản lý cũng được đơn giản hóa thông qua các thiết bị di động nhưng vẫn an toàn nhờ mã hóa thông tin, mật mã một lần và chỉ cho phép kết nối đối với các thiết bị đăng ký trước.
Hay với giải pháp đèn đường thông minh và các ứng dụng, với công nghệ của Samsung, hệ thống chiếu sáng sẽ được thay đổi theo kịch bản đồng thời tích hợp các cảm biến thu thập thông tin khác. Ở Việt Nam, Samsung cũng đã làm việc với một số tỉnh thành như Bắc Ninh để triển khai thí điểm hệ thống chiếu sáng thông minh ở một số khu vực hẹp. Các hệ thống đèn trong hệ thống này sẽ được lắp đặt cảm biến đa nhiệm, từ đó thu thập dữ liệu theo yêu cầu của cơ quan chủ quản.
"Việt Nam đi sau, đấy là yếu tố thuận lợi vì chúng ta sẽ học được rất nhiều thứ từ kinh nghiệm của các nước. Mặt khác, thời điểm này là lúc công nghệ chín muồi. Vậy việc cần làm là lựa chọn công nghệ nào, bắt đầu từ đâu", ông Hải nhận xét.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không nhỏ. Điểm khó khăn hiện nay chính các bên tham gia vẫn đang phải chờ đợi những định hướng chính sách.
Còn trong vấn đề đổi mới ngân hàng, Samsung hứa hẹn mang tới trải nghiệm công nghệ mới cho khách hàng di động. Đơn cử như công nghệ Beacon cung cấp dịch vụ đăng ký khách hàng cá nhân, trong khi máy tính bảng Galaxy và Samsung DeX cho phép các cộng tác viên ngân hàng bán lẻ tương tác liền mạch với khách hàng trên phạm vi toàn hệ thống. Kết quả đem tới là một trải nghiệm từ đầu đến cuối hoàn toàn được cá nhân hóa, hoạt động hiệu quả và an toàn, với hiệu suất cao.
Bên cạnh đó, Samsung vẫn đang là cái tên nổi bật trong mô hình thanh toán POS không cần thẻ ở Việt Nam, với Samsung Pay. Có thể nói, với thẻ ngân hàng được mã hóa trong ứng dụng Samsung Pay, việc thanh toán chỉ đơn giản bằng cách vuốt điện thoại, xác thực và thao tác trên máy POS.
So với các mô hình thanh toán khác, công nghệ của công ty Hàn Quốc này có ba ưu điểm lớn. Thứ nhất là tập khách hàng có sẵn, với thị phần 46,88% trên thị trường điện thoại thông minh. Sau 2 năm kể từ ngày ra mắt, Samsung Pay hiện có khoảng 600.000 người dùng đã đăng ký; hơn 4.000 giao dịch mỗi ngày và những con số này tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thứ hai là sự đa dạng thiết bị cung cấp dịch vụ thanh toán Samsung Pay, khi vừa có thể sử dụng trên điện thoại và hỗ trợ đồng hồ thông minh Samsung Gear. Điểm mạnh thứ ba là ngoài hỗ trợ cho khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến, Samsung Pay còn hỗ trợ ở mảng dịch vụ trực tiếp.
Bên cạnh khách hàng cá nhân, Samsung còn có bộ phận phụ trách các thiết bị và giải pháp dành cho khách hàng doanh nghiệp. Bộ phận này chuyên về R & D, tư vấn và triển khai các giải pháp di động cùng với các thiết bị thông minh của doanh nghiệp để đảm bảo năng suất, khả năng quản lý và bảo mật tối ưu dựa trên nền tảng Knox. Có thể nói, Samsung hiện nay là một trong các công ty hiếm hoi có khả năng cung cấp một hệ sinh thái hoàn chỉnh và bảo mật cho các doanh nghiệp và tổ chức, trong quá trình chuyển đổi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Theo ông Lê Khôi Nguyên, Giám đốc chiến lược sản phẩm ngành hàng di động của Samsung Vina thì: "Bất kỳ nơi nào người dùng có thể quẹt thẻ là có thể thanh toán được bằng Samsung Pay".
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng cho biết: "Để thay đổi thói quen của người dùng, chúng tôi rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự hợp tác toàn diện của các bên trong hệ sinh thái, bao gồm các ngân hàng, các cửa hàng bán lẻ, trong đó các cửa hàng đóng một vai trò quan trọng".
Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam, đến hết năm 2018, toàn thị trường Việt Nam có khoảng 220 ngàn máy POS, chưa tới 30 ngàn máy mPOS, trên tổng số hàng triệu các cửa hàng. Và Samsung Pay hiện đã liên kết với 21 ngân hàng gồm Agribank, Vietcombank, Techcombank…; 3 tổ chức chuyển mạch thẻ như Napas, Visa, Mastercard…
"Giờ đây, thói quen không thể thiếu khi chúng ta đi ra ngoài là có một chiếc điện thoại thông minh kề bên. Chỉ bằng thao tác một chạm đơn giản vào máy quẹt thẻ với thiết bị đi dộng Samsung, người dùng đã có thể thanh toán dễ dàng mà không cần mang ví, không cần xuất trình thẻ, cũng như không cần e ngại việc bị đánh cắp thông tin thẻ trong quá trình thanh toán. An toàn hơn, đơn giản hơn, nhanh chóng hơn", đại diện Samsung này bổ sung thêm.
Hy vọng vào tương lai.
Ở Việt Nam, người ta thường biết đến Samsung với tư cách là nhà sản xuất smartphone lớn, chứ không phải một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và cung cấp giải pháp. Nhưng trên thực tế, Samsung từ lâu đã tập trung vào thị trường B2B ở Việt Nam. Hiện tại, tập đoàn này đang hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm quản lý trong điều hành sản xuất. Ngoài các dự án về phần mềm, Samsung còn hỗ trợ các giải pháp về viễn thông và tích hợp hệ thống. Bên cạnh đó là sử dụng mạng lưới an ninh với công nghệ blockchain để bảo vệ dữ liệu.
Trong tương lai, đại diện công ty khẳng định sẽ thúc đẩy xây dựng các giải pháp về thành phố thông minh, tòa nhà thông minh nhờ các ứng dụng IoT, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dù có kinh nghiệm tham gia xây dựng các dự án thành phố thông minh như ở Hàn Quốc, Singapore thì Samsung cũng phải thừa nhận họ cần sự hỗ trợ của chính phủ cũng như các doanh nghiệp trong nước.
Ở thời điểm hiện tại, việc chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh không hề đơn giản. Nó bị giới hại bởi hai rào cản chính. Đầu tiên là niềm tin. Nó đặt ra câu hỏi làm sao nhà chức trách có thể bảo mật dữ liệu và cung cấp sự minh bạch cho công dân về cách họ bảo vệ và sử dụng dữ liệu. Thứ hai là chi phí, khi việc xây dựng và lắp đặt hệ thống thiết bị, máy tính, cảm biến và trung tâm dữ liệu luôn cần một nguồn vốn khổng lồ.
Một doanh nghiệp không thể đảm bảo có được lòng tin từ cộng đồng, bởi điều này chỉ có thể đạt được nếu có sự đứng ra đại diện, bảo đảm và quản lý từ phía chính phủ. Nhưng một chính phủ cũng rất khó để tự mình triển khai và vận hành cả một hệ thống đồ sộ, khổng lồ này nếu thiếu sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế công nghệ lớn, cả trong nước lẫn quốc tế.
Để Việt Nam không bỏ lỡ cuộc CMCN này, ngoài những nỗ lực tự thân, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng Việt Nam cần sự giúp đỡ, hợp tác và chia sẻ của các nước cũng như các doanh nghiệp quốc tế.
"Với tinh thần xác định 'nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá', Việt Nam mong muốn được mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc CMCN lần thứ tư", ông chia sẻ.
Theo GenK