Con chip do Google tự thiết kế sẽ như thế nào?

Thứ hai, 20/04/2020, 12:17
Chúng ta vừa có tin đồn rất thú vị rằng Google đang hợp tác với Samsung để phát triển một chipset mới cho các thiết bị của mình. Nếu đúng như dự kiến, Pixel 6 năm sau sẽ được trang bị. Vậy nó sẽ như thế nào?

Tại sao Google lại muốn một bộ xử lý mới?

Hiện tại, giống như nhiều hãng điện thoại, Google cũng đang sử dụng chipset Snapdragon của Qualcomm cho điện thoại Pixel. Vậy tại sao công ty lại không làm như vậy nữa mà muốn tự tạo ra con chip của riêng mình?

Một trong những lý do chính là Google đang tăng tốc đầu tư vào machine learning và bộ xử lý tín hiệu ảnh. Trước đây, công ty đã giới thiệu con chip Pixel Visual Core trên Pixel 2 và 3, chuyên xử lý tác vụ chụp ảnh. Trên Pixel 4, họ lại đem tới Pixel Neural Core, chuyên về các tác vụ trí tuệ nhân tạo.

Google đã tự mình thiết kế ISP chuyên xử lý ảnh từ trước (Ảnh: Slashgear)

Hàng tá các tính năng trên máy Pixel hưởng lợi từ nỗ lực này: Live HDR+, Dual Exposure, Night Sight, Live Caption,... mặc dù không phải tất cả đều cần phải có phần cứng riêng. Dù thế nào, ta cũng có thể thấy cố gắng của họ trong việc cải thiện các tính năng AI và chụp ảnh phức tạp.

Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu Google có thể tự mình làm ra một SoC tích hợp các con chip rời rạc này lại, tiết kiệm năng lượng và không gian hơn nhiều so với hiện nay? Hiện tại, các chip của Google phải làm việc với một chipset riêng của Qualcomm, nên không thể tối ưu hết được tài nguyên khi Snapdragon là hàng đại trà ai cũng mua được.

Một lý do khác là Google không muốn quá phụ thuộc vào Qualcomm. Chi phí mua chipset cùng các giấy phép bản quyền xung quanh nó rất cao, đặc biệt là trong kỷ nguyên 5G như hiện nay, Snapdragon 865 là một ví dụ điển hình. Hệ quả khiến giá thành điện thoại bị đội lên, khách hàng khó tiếp cận sản phẩm của Google hơn.

Snapdragon 865 quá đắt khiến Sony, Oppo và nhiều hãng khác phải tăng giá điện thoại (Ảnh: Qualcomm)

Nếu không mua chipset quá tốn kém, chỉ còn cách chọn phiên bản rẻ tiền hơn - Snapdragon 765G. Chúng ta đã có báo cáo rằng Google và LG quyết định trang bị Snapdragon 765 cho điện thoại sắp tới vì chi phí. Còn các hãng Sony, Oneplus hay Oppo thì chấp nhận tăng giá điện thoại vì sự độc quyền của Qualcomm.

Một số lựa chọn về chipset khác như Kirin, Exynos hay MediaTek đều không khả thi. Huawei sẽ không bán Kirin ra bên ngoài, hơn nữa họ lại đang bị chính phủ Mỹ cô lập đến mức không thể tích hợp các dịch vụ của Google vào điện thoại. Một lựa chọn quá mạo hiểm! Samsung Exynos hay MediaTek thì vẫn chưa thể sánh ngang Snapdragon 800 series, dù có rất nhiều cải tiến gần đây.

Con chip được kỳ vọng sẽ như thế nào?

Theo báo cáo ban đầu chúng ta nghe được, chipset này do Google tự mình thiết kế, giao cho Samsung - đơn vị Samsung Foundry chuyên đúc chip theo hợp đồng - sản xuất, dựa trên tiến trình 5nm. Không có khả năng Samsung sẽ tham gia vào việc thiết kế chip.

Chúng ta có thể kỳ vọng đây sẽ là một con chip mà CPU và GPU nguyên bản từ ARM với 8 lõi. Google có thể sử dụng nhân Cortex A77 mới nhất hoặc A78 chưa được trình làng. GPU thì phức tạp hơn, Mali của ARM hiện tại chưa thể so bì với Adreno của Snapdragon. Tuy nhiên, nguồn rò rỉ từ Hàn Quốc nói rằng đó sẽ là một GPU mới chưa được công bố, dựa trên kiến trúc Borr.

Với chipset ngày nay, CPU và GPU chưa phải là tất cả

Mặc dù là hai thành phần quan trọng nhất và được quan tâm nhất, CPU và GPU chưa phải toàn bộ câu chuyện. Thiết kế chip là một cuộc chiến phức tạp mà đó mới chỉ là nửa đường trường chinh mà thôi. Xu hướng hiện nay, để giảm tải cho CPU và GPU, người ta bổ sung các thành phần khác để đảm nhận các tác vụ riêng.

Còn nhiều thành phần khác của SoC mà Google có thể cải tiến bên cạnh CPU, GPU (ảnh: TechInfoGo)

Chúng ta sẽ thấy công ty Mỹ sử dụng Pixel Neural Core để làm việc về AI, Pixel Visual Core để cải thiện ảnh chụp trên con chip mới. Hy vọng là họ sẽ mang đến phiên bản nâng cấp các thành phần này cũng trong năm sau. Tạo nên một SoC hoàn toàn mới và mạnh mẽ. Huawei và Qualcomm đều đang đầu tư nhiều vào NPU và ISP với hướng đi như vậy.

Mảnh ghép cuối cùng và nan giải nhất - modem mạng. Smartphone cơ bản là một công cụ liên lạc nên đây là thành phần quan trọng nhất mà Google không thể tự mình xử lý được. Giống như Apple, họ phải tìm đến giải pháp bên ngoài. Trong khi Apple đã hòa giải với Qualcomm để kịp ra mắt điện thoại 5G, và chờ đợi dự án tự thiết kế modem đem lại trái ngọt, Google có thể nhờ đến MediaTek hoặc Samsung.

Modem 5G sẽ là một thách thứ lớn nếu muốn tự thiết kế chip (ảnh: Nikkei)

Vấn đề modem mạng rất phức tạp vì dính dáng vô số giấy phép bản quyền khác nhau. Google là công ty không mạnh về công nghệ truyền thông mạng không dây, vậy nên họ sẽ phải trả phí bản quyền tương đối lớn cho các công ty đi trước đang nắm giữ giấy phép. Nhìn vào sự thất bại của Intel với modem 5G đến nỗi phải bán lại cho Apple, đây thực sự là một bài toán khó cho một công ty chuyên về phần mềm và dịch vụ Internet.

Theo VnReview

Các tin cũ hơn