Qua tám năm hoạt động, doanh thu của mạng xã hội lớn nhất thế giới đã tăng trưởng không ngừng. Theo thông tin công bố phục vụ IPO của Facebook, năm 2009, doanh thu của mạng xã hội này là 777 triệu USD. Nhưng đến năm 2011, hãng thu về số tiền gần gấp 5 với 3,7 tỷ USD. Riêng quý I/2012, doanh số mà Mark Zuckerberg và các đồng sự tạo ra là hơn một tỷ USD. Các hoạt động chính mang lại doanh thu khổng lồ cho Facebook là phí quảng cáo, hoa hồng từ các ứng dụng, dịch vụ tiền ảo và tặng quà trên mạng.
Quảng cáo tự tạo trên Facebook.
Đến nay, quảng cáo vẫn là nguồn thu lớn nhất của hãng. Năm 2009, hoạt động này chiếm tới 98% tổng doanh thu Facebook. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, tỷ lệ trên đã lần lượt giảm xuống còn 95% và 85%. Có hai loại quảng cáo phổ biến trên Facebook, đó là quảng cáo tự tạo (self-serve Ads) và quảng cáo tương tác (Engagement Ads).
Người dùng có thể tự thiết kế quảng cáo cho trên www.facebook.com/ads/create và cho chúng xuất hiện tại thanh bên phải của một trang Facebook. Những thông tin trên đó có thể là một công ty, một sự kiện, nhóm, Facebook fanpage hay ứng dụng của một bên thứ ba. Loại quảng cáo này cho phép họ thu hẹp phạm vi khách hàng một cách tối đa. Ví dụ, quảng cáo của Nike chỉ hiện ra trên Facebook của những người có sở thích ghi trong profile là Nike hay Thể thao. Zynga - nhà phát triển các game online nổi tiếng trên Facebook như FarmVille hay Café World là công ty đóng góp lớn nhất cho mảng doanh thu này của Facebook.
Quảng cáo tương tác trên Facebook.
Quảng cáo tương tác thường chỉ dành cho các công ty lớn. Các banner này cũng được đặt tại thanh bên phải trang Home khi người dùng đăng nhập vào Facebook. Chúng cho phép người dùng ấn “Like” để gia nhập làm thành viên và nhận thông tin cập nhật từ công ty. Tháng 9/2009, Facebook cũng cung cấp công cụ Brand Lift cho phép các doanh nghiệp đo lường mức độ hiệu quả của chiến dịch marketing. Năm 2010, loại hình marketing này đóng góp 250 triệu USD vào doanh thu quảng cáo của Facebook.
Các ứng dụng, như game FarmVille của Zynga thu hút được rất nhiều người chơi thông qua Facebook. Mạng xã hội này cung cấp nền tảng (platform), hay nói cách khác, là cho những ứng dụng này “thuê đất” để phát triển. Vì vậy, Facebook sẽ kiếm được một khoản hoa hồng từ chủ nhân của những ứng dụng này.
Dịch vụ quà tặng là một mỏ vàng với Facebook.
Dịch vụ tặng quà ảo cũng là một mỏ vàng đối với Facebook. Nếu người dùng mua một chiếc thiệp chúc mừng sinh nhật cho bạn bè từ shop của chính hãng, thì toàn bộ số tiền sẽ thuộc về Facebook. Còn nếu mua từ công ty khác, thì một phần trong số đó sẽ được trích cho Facebook. Với những món quà giá trung bình 1 USD trên Facebook Gift Shop, mạng xã hội này có thể kiếm tới 200 triệu USD mỗi năm.
Dịch vụ tiền ảo (Facebook Credits) cho phép người dùng mua thiết bị trong game hoặc trong các ứng dụng khác. Ban đầu, tiện ích này chỉ được mở ra chỉ để tạo thuận lợi cho người dùng mua quà ảo. Tuy nhiên, sau này nó đã được mở rộng ra cho các bên thứ ba với 1 USD tương đương 10 Credit.
Tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa các nhà phát triển ứng dụng và Facebook là 70 - 30. Hình thức thanh toán phổ biến nhất là thông qua PayPal. Facebook Credit còn có thể được dùng để mua phiếu quà tặng tại Walmart, Target hay bất kì cửa hàng nào khác trên khắp nước Mỹ.