Cộng đồng mạng rủ nhau làm từ thiện

Thứ hai, 25/06/2012, 15:38
Với tính mở của Internet, thông qua hệ thống các mạng xã hội, diễn đàn và blog, cư dân mạng đã thể hiện cho cộng đồng thấy rằng giữa thế giới ấy vẫn có những trái tim ấm áp, ngày ngày vun đắp cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.


>>Mặt trái của tình yêu online: Tình ảo và nỗi đau 
>>"Rủ nhau" đi mua tablet Trung Quốc 
 
Nhiều chiến dịch tình nguyện ra đời
 
Trong số các diễn đàn lớn tại Việt Nam, vOzforums có lẽ là “cánh chim” đi đầu trong việc tổ chức và vận động thành viên tham gia, ủng hộ cho các hoạt động tình nguyện. Có ảnh hưởng sâu rộng tới cộng đồng vOz hơn cả là các chiến dịch tình nguyện được khởi xướng bởi “thày lang” Actemit (tên thật là Tô Ấn Trà-một thành viên rất uy tín tại Diễn đàn), tiêu biểu là cuộc vận động quyên góp, ủng hộ “Áo ấm mùa đông” tổ chức vào tháng 11.

Với mong muốn xua tan cái giá lạnh khắc nghiệt của những ngày đông cho các em nhỏ vùng biên giới, đồng bào các dân tộc ít người, cuộc vận động đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các thành viên. Không chỉ gói gọn trong phạm vi của diễn đàn vOzforums, phong trào từ thiện đầy ý nghĩa nhân văn này còn lan rộng sang các diễn đàn khác như Tinhte.vn, Beat.vn…và có hẳn một page riêng trên Facebook thu hút sự đóng góp đông đảo của cộng đồng mạng.
 

Nhóm tình nguyện "Lên Ngàn".

 
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng phát động, nhóm tình nguyện “Lên ngàn” của anh Tô Ấn Trà đã nhận được tổng cộng 2 tấn quần áo và số tiền mặt 3.500.000 đ, đồng thời có sự hỗ trợ vận chuyển số quà trên lên vùng núi Bắc Kạn của một đơn vị vận tải. Tất cả số quần áo trên đã được mạng lưới tình nguyện viên của “Lên ngàn” trải rộng khắp Hà Nội trân trọng đón nhận, phân loại và giặt giũ sạch sẽ trước khi đến tay người dân. Số tiền được dành để mua quà cho các em nhỏ.“với những trái tim luôn tràn ngập ánh nắng của cộng đồng, mùa đông khắc nghiệt nơi đây giờ sẽ không còn giá rét nữa”, “thầy lang” Actemit hy vọng.
 
Trước thành công lớn của cuộc vận động “Áo ấm mùa đông”, hàng loạt hoạt động tình nguyện khác đã được nhiều diễn đàn phát động và thu hút sự quan tâm, đóng góp về vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng mạng như ủng hộ cho các em học sinh nghèo ở Kim Bon –Sơn La (sau khi trên báo Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Xót xa món ăn tươi của học sinh Kim Bon là thịt chuột”), giúp đỡ cụ bà Đinh Thị Hạnh tuổi đã cao, già yếu nhưng mỗi ngày vẫn phải kiếm tiền mưu sinh ở vỉa hè bách hóa Thanh Xuân….. 
 
Những câu chuyện đầy tính nhân văn
 
Từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều câu chuyện ý nghĩa, đầy tính nhân văn đã thu hút sự quan tâm, bình luận chia sẻ của cư dân mạng. Dù một số câu chuyện là có thật, một số là hư cấu nhưng những câu chuyện trên cũng gợi lên không ít những suy nghĩ, trăn trở của mỗi cư dân mạng về cuộc sống và tình người.
 

Ảnh chụp từ clip của anh Trần Trung Hiếu.


Tình thương, sự vô cảm, nỗi đau, hạnh phúc, những giọt nước mắt,… đủ những cung bậc “ái-ố-hỉ-nộ” đã được những tác giả khuyết danh gửi gắm vào những câu chuyện, khơi dậy hơi ấm của trái tim trong mỗi con người mà phần nào đã “đóng băng” vì nhiều khát khao, mục đích, theo đuổi tầm thường.
 
Cuối tháng 11 năm ngoái, cộng đồng mạng đang xôn xao xung quanh câu chuyện về người nữ tài xế xe bus với cái kết bi thảm. Câu chuyện kết thúc nhưng dư âm của nó như vẫn còn đọng mãi trong tâm thức của mỗi người, mang lại cho mỗi cư dân mạng thêm những chiêm nghiệm mới mẻ hơn về cuộc sống.

Ngay sau khi xuất hiện trên các mạng xã hội, đặc biệt là qua hàng chục ngàn lượt like, chia sẻ và bình luận, câu chuyện đã gây nên một làn sóng dư luận của những người trẻ, thu hút sự quan tâm của họ về một trong những vấn đề nóng hổi của đời sống hiện đại: bệnh vô cảm. “Đọc câu chuyện này, ai cũng có thể thấy một phần nào đó bóng dáng của mình”, một cư dân mạng chia sẻ.
 
Câu chuyện đẫm nước mắt về người cha vĩ đại Trần Trung Hiếu đầu năm nay cũng thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Vì mâu thuẫn trong gia đình, anh Hiếu phải rời xa đứa con trai bé bỏng nhưng mọi áp lực, ngăn cản từ gia đình nhà vợ cũng không thể chia lìa tình cảm và lòng yêu thương của người cha vĩ đại dành cho đứa con trai. Anh Hiếu đã làm tất cả để mình có được quyền chăm sóc con mình, kể cả chấp nhận việc bị đe dọa, đuổi đánh….

Chỉ cho đến khi anh qua đời vì bị em vợ đâm chết khi vượt qua mọi ngăn cản, thử thách phía nhà vợ để đến thăm con trai thì câu chuyện về tình phụ tử thiêng liêng của anh mới được đông đảo cư dân mạng biết đến và đã lay động trái tim của không biết bao người.

Trên Facebook, các diễn đàn webtretho, vOzforums,…. hàng loạt pages, topic đã được lập nên kêu gọi cư dân mạng hãy đòi lại công lí cho người cha bất hạnh ấy thông qua các hoạt động, chiến dịch như thả bóng bay, phát tờ rơi hay thu thập chữ kí online….. Sức mạnh tình thương của cư dân mạng khi này đã phát huy tác dụng khi sự việc đang thu hút sự quan tâm phản ánh của báo chí và dư luận xã hội.
 
Khi tình thương bị coi nhẹ
 
Tình người luôn ấm áp và sẵn sàng bùng cháy, lan rộng trên thế giới mạng khi cần thiết. Chính vì thế, nhiều cá nhân hoặc tổ chức với mục đích câu like, view, quảng bá tên tuổi cho website, diễn đàn hay fanpage của mình đã có những hành vi lừa đảo lợi dụng tình thương và lòng trắc ẩn của cư dân mạng. Trò lừa “em bé châu Phi” hồi tháng 9/2011 đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dùng Facebook. 
 

Bức ảnh câu like xuất hiện nhan nhản trên Facebook.


Từ những bức hình về những em bé châu Phi gầy còm, ốm yếu, bệnh tật cùng với lời nhắn nhủ “mỗi một lần click LIKE là bạn đã góp 5 euro đóng góp cho quỹ của UNICEF cứu giúp những em bé đáng thương”, nhiều cư dân mạng đã dính bẫy của trò lừa này vì không nghĩ tới rằng với lượng thành viên khổng lồ của Facebook, nếu những ai đọc được tin nhắn này đều nhấn chuột thì số tiền UNICEF lập quỹ sẽ lớn đến nhường nào.

Thật buồn cười là chẳng có tổ chức nào lại rảnh rang đi đếm số lượt like trên Facebook để quyên góp tiền lập quỹ cả. Tình thương của cư dân mạng khi này bỗng nhiên lại bị mang ra cho những người thiếu ý thức làm trò đùa.
 
Tình thương cũng luôn hiện hữu trong bản thân mỗi người nhưng không ít cư dân mạng lại bày tỏ nó một cách lố bịch. Trong những ngày gần đây, cộng đồng mạng bỗng nhiên “sôi nổi” chuyền tay nhau hình ảnh đáng thương của những vụ săn bắt động vật trái phép, mèo liếm con chết, voi bị cưa lấy ngà, bà cụ ngồi ngủ bên thành cầu… Nhiều diễn đàn kêu gọi các thành viên hãy share bức hình qua những lần click like để nhiều người khác được biết tới, hoặc loan tin qua Yahoo, Linkhay…

Những việc này mang ý nghĩa câu view, quảng bá cho các hội, nhóm nhiều hơn là với mục đích nhắn nhủ, giúp đỡ. Nhiều thành viên vô ý thức khác thì lại đăng ảnh chỉ để ….dọa nạt những người yếu bóng vía hay chứng tỏ cho người khác biết là mình đã từng biết tới bức ảnh độc, lạ này. Trước tình cảnh đáng thương như vậy, nhiều thành viên vẫn vô cảm, thích thú với trò đùa của mình.
 

 
Thời gian qua, nhiều cư dân mạng được phen sửng sốt, thậm chí sốc nặng khi cứ vài ngày, trên Facebook lại xuất hiện nhan nhản những câu status cười đùa trên nỗi đau, tai nạn của người khác (cháy chợ Quảng Ngãi....) ; thóa mạ, mạt sát, chửi bới bạn bè hay thậm chí là những người đã sinh thành, nuôi nấng mình….

Vụ “Kẹo mút chơi bời” lên Facebook khoe thành tích đâm chết người đã cho chúng ta thấy một thực trạng đáng báo động về sự vô cảm của giới trẻ ngày nay, đặc biệt là trên các mạng xã hội-nơi mà chúng ta giao tiếp với nhau chỉ bằng chuột và bàn phím, không ai biết tới ai. 
 
 Kết
 
Thông qua những ý kiến, bình luận, suy nghĩ đầy trách nhiệm và tính nhân văn của những cư dân mạng 8x, 9x, chúng ta đã thấy khả năng phủ rộng của tình yêu thương con người qua Internet tới cộng đồng lớn như thế nào. Vậy nên nếu là một cư dân mạng chân chính, hãy hành động để khẳng định cho cả thế giới thấy rằng : Với chúng ta, Internet không bao giờ là một thế giới vô cảm, lạnh lẽo, đơn điệu. Đó là nơi “ươm mầm” tình yêu thương và gắn kết tâm hồn mỗi người. Trên thế giới mạng, chẳng khi nào "lòng người" là thứ gì đó quá xa xỉ cả! 
 

Theo Genk

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích