Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 bước sang giai đoạn hai

Chủ nhật, 28/04/2013, 16:52
Hội thảo "Ngày IPv6" diễn ra vào 6/5 tại TP HCM sẽ đánh dấu sự kết thúc giai đoạn một (giai đoạn chuẩn bị) trong việc tuyên truyền thúc đẩy ứng dụng IPv6 tại Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có sự kiện "Ngày IPv6" do Trung tâm Internet Việt nam (VNNIC), Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia (IPv6TF) tổ chức.

Việc triển khai IPv6 trở thành nhiệm vụ ưu tiên của nhiều quốc gia

Sự kiện dự kiến thu hút sự tham gia của 400 đại biểu, trong đó có các chuyên gia cấp cao về IPv6 đến từ nhiều tổ chức quản lý tài nguyên Internet quốc tế, hãng thiết bị, công nghệ viễn thông và Internet hàng đầu thế giới nhằm chia sẻ với cộng đồng Internet Việt Nam những thông tin, kinh nghiệm ứng dụng và triển khai IPv6 trên thực tế.

Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia quyết định coi đây là hội thảo thường niên để nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6, hợp tác quốc tế và góp phần quảng bá sự phát triển Internet Việt Nam ra thế giới.

Hai năm sau khi chính thức công bố về tình trạng cạn kiệt nguồn địa chỉ IPv4, việc triển khai IPv6 cho mạng Internet trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành ưu tiên bắt buộc.

Nhiều quốc gia đã đề ra lộ trình chuyển đổi mạng lưới công nghệ thông tin của quốc gia với nền tảng IPv6 và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Việt Nam đã thành lập Ban hành động quốc gia về IPv6 và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia IPv6 giai đoạn 2011-2019.

Theo lộ trình chuyển đổi đã được Bộ Thông Tin và Truyền Thông phê duyệt, 2013 là năm quan trọng, bắt đầu chạy thử nghiệm và chính thức chuyển đổi sau khi giai đoạn chuẩn bị (2011-2012) đã hoàn thành.

Vì vậy, ngày IPv6 Việt Nam 2013 sẽ diễn ra một sự kiện ý nghĩa là Lễ khai trương dịch vụ IPv6 (Vietnam IPv6 Launch) do Bộ Thông tin và Truyền thông, VNNIC phối hợp tổ chức với các doanh nghiệp Internet hàng đầu trong nước là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT; Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Công ty cổ phần Viễn thông FPT Telecom và Công ty cổ phần NetNam.

Theo VNE

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn