Nghe – gọi miễn phí: Cuộc chiến quyền lợi tay ba

Thứ sáu, 19/04/2013, 21:04
Trong cuộc họp với Bộ Thông tin và truyền thông vào giữa tháng 3, các nhà mạng đã than với Bộ khi cho rằng các ứng dụng miễn phí trên internet (gọi tắt là dịch vụ OTT – over the top) đã cướp mất của họ mỗi năm khoảng một ngàn tỉ đồng – 10% doanh thu.

Người tiêu dùng: Lợi vẫn chập chờn

Bà Minh Khôi (Gò Vấp, TP.HCM) kể rằng, khoảng một năm trở lại, tiền cước di động hằng tháng chỉ còn độ 200.000đ, gồm 40.000đ cho gói cước 3G, 50.000đ cho thuê bao, phần còn lại là gọi và nhắn tin cho những thuê bao không có các ứng dụng gọi và nhắn tin miễn phí. “Trước đây, mỗi tháng, cước cho nhu cầu nghe – gọi – nhắn tin chừng 500.000đ”.

Cách đây một năm, bà Hoàng Anh (Bình Thạnh, TP.HCM) đã chuyển sang sử dụng Viber do số lượng hơn 80% thuê bao trong danh bạ của bà đã hiển thị chữ Viber màu tím. Bà nói: “Dùng Viber đôi lúc cũng khó chịu vì rớt mạng 3G nhưng phải chấp nhận vì miễn phí mà. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Sướng nhất là gọi cho bạn bè bên Úc, Mỹ”.

Cũng theo bà Khôi, tỷ lệ cuộc gọi thành công khi sử dụng Viber khoảng 60%, nếu ở nơi sóng 3G ổn định hoặc dùng qua wifi, tỷ lệ cao hơn – 80%.

Zalo
 
Trên màn hình smart phone nhiều người đã cài nhiều ứng dụng gọi nhắn tin miễn phí. 

Như vậy, dù có tiết kiệm, nhưng người dùng buộc phải chấp nhận tình trạng có một tỷ lệ những cuộc chập chờn, không thành công.

Các ứng dụng OTT ngày càng nhiều. Ngoài Viber, Whatsapp quen thuộc, còn có Tango, Line, Kakao, Zalo, MagicJack, Wala, ChatOn… Nhờ vậy số người dùng ngày càng tăng. Trong danh bạ của ông Hoàng Phúc Nguyên (Q.3, T.HCM) có 836 số liên lạc, trong đó có 339 số dùng Viber, 79 số dùng Zalo, 70 số dùng Line, 82 số dùng Tango! Có nhiều số dùng cả bốn ứng dụng nêu trên.

Nhà mạng thu được phí “cầu đường”

Trong một thống kê của Mobifone vào tháng 3 năm nay cho thấy số lượng cuộc gọi trên Viber ở Việt Nam khoảng 280.000 cuộc và 8,7 triệu SMS/ ngày. Giả định thời lượng cuộc gọi là một phút (giá sỉ là 1.000đ/ phút) và một tin nhắn là 200đ, mỗi ngày các nhà mạng đã mất tròm trèm 2 tỉ đồng.

Nhưng cũng cần hiểu rằng vì đây là những ứng dụng miễn phí nên người dùng mới “tám” nhiều như vậy. Mặt khác, các nhà mạng cũng không hoàn toàn thiệt vì ít nhất đến nay họ đã thu phí “cầu đường” với mức thu vừa được điều chỉnh lên 50.000đ/ tháng (trước đây là 40.000đ/ tháng).

Chỉ cần theo con số mà các nhà mạng báo cáo về Bộ Thông tin và truyền thông vào giữa năm 2012, với số lượng 16 triệu thuê bao 3G, tương ứng với 16 triệu thuê bao đăng ký gói cước mobile internet, mỗi ngày các nhà mạng đã thu được 21 tỉ đồng (tính theo mức thu 40.000đ/ tháng). Nhưng theo một chuyên gia về viễn thông, giả định nguồn thu trên là có thực, vẫn chưa đủ chi phí để xây dựng và vận hành hạ tầng mạng 3G.

Nhà phát triển ứng dụng OTT – hồi hộp

Nhà mạng lý lẽ rằng: “Không có đường làm sao xe chạy được?”. Vậy các nhà phát triển ứng dụng tính sao? Hiện nay, các ứng dụng OTT chưa thu phí từ người sử dụng nhưng rồi sẽ đến lúc phải thu phí hoặc tìm cách kiếm tiền (quảng cáo, bán những lựa chọn cao cấp…) để tồn tại.

Nhưng trước mắt, những nhà phát triển ứng dụng OTT đang đối mặt với một trong hai lựa chọn có thể sẽ xảy ra: Hoặc là nộp phí cho nhà mạng dựa trên số lượng người dùng hoặc là bị các nhà mạng ngăn chặn ứng dụng đó. Hiện nay, Bộ Thông tin và truyền thông, vụ Viễn thông và các nhà mạng đang tìm phương kế để giải quyết mối quan hệ trên một cách hợp lý, hợp tình như lời của Cục trưởng cục Viễn thông Phạm Hồng Hải.

Tính đến thời điểm này, có bốn ứng dụng OTT mà các nhà mạng có thể “nắm tóc”, trong đó có hai ứng dụng “thuần Việt” là Zalo của VNG và Wala (nhóm Nguyễn Quốc Minh), còn Kakao đến từ Hàn Quốc và Line (Nhật bản) cũng đã có đại diện tại Việt Nam.

Đến nay chưa rõ bốn nhà ứng dụng trên có cách tính gì để dung hoà với mối quan hệ với nhà mạng và người dùng, chỉ biết chưa thu phí người sử dụng.

Ông Vương Quang Khải, phó tổng giám đốc VNG, phụ trách dự án Zalo, cho biết, VNG đã gởi kế hoạch hợp tác với ba nhà mạng Mobifone, Vinaphone và Viettel về phương thức thu và chia sẻ lợi nhuận trên các ứng dụng OTT nhưng đến nay chưa thấy phản hồi.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn