Nghe cậu nhân viên khoe vừa sắm Oppo, anh Đạt, giám đốc công ty tại Q.1, TP.HCM, tỏ vẻ quan tâm, nói cậu đưa điện thoại mình chiêm ngưỡng. Vừa nhìn thấy, anh không khỏi bất ngờ. Trên tay anh là chiếc điện thoại mang nhãn hiệu Oppo, chứ không phải Apple như anh Đạt nghĩ. Đó là sản phẩm của một nhà sản xuất 100% Trung Quốc vừa thâm nhập thị trường Việt Nam với các dòng sản phẩm được định vị ở phân khúc cao cấp với mức giá khoảng 10 triệu đồng.
“Với mức giá ấy, thà thêm tiền để mua iPhone luôn cho rồi. Đã thế còn mang tiếng sản phẩm Trung Quốc, chẳng oai phong gì cả”, anh Đạt buột miệng nhận xét trước vẻ mặt ngẩn ngơ của cậu nhân viên.
Phản ứng đó cho thấy việc một nhà sản xuất từ Trung Quốc tự định vị ở phân khúc cao cấp là chuyện không dễ dàng. Oppo lần đầu có mặt tại Việt Nam với sản phẩm Oppo Find 5 có giá bán khoảng 10 triệu đồng được coi là cái giá khá cao. Các hãng khác như Lenovo, Huawei, ZTE là những hãng Trung Quốc được biết đến nhiều hơn Oppo ở Việt Nam khi ra mắt những dòng máy cao cấp cũng thường chỉ để giá khoảng 4-6 triệu đồng.
Bất chấp điều đó, Oppo vẫn tỏ ra tự tin. “Chúng tôi tin rằng thị trường Việt Nam còn tiềm năng và chúng tôi sẽ đi thật chậm để từng bước thu hút người dùng nhờ chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Anh Phúc, Giám đốc Kinh doanh của Oppo, cho biết.
Ông Phúc cho rằng Oppo Find 5 là có mức giá cạnh tranh so với những sản phẩm có tính năng tương tự của HTC, Samsung hay Sony. Theo ông, Oppo có giá thấp hơn khoảng 30% so với các mẫu điện thoại cùng cấu hình chạy hệ điều hành Android.
Ông Phúc cũng cho biết, tất cả linh kiện được Oppo sử dụng cho sản phẩm của mình đều nhập từ các nhà sản xuất lớn đang cung cấp linh kiện cho Apple như Samsung.
Cứ cho là như vậy, nhưng là người đến sau, Oppo sẽ tìm cơ hội cho mình như thế nào?
Oppo vào thị trường Việt Nam chỉ mới một thời gian ngắn, hãng này chưa có bất kỳ thống kê nào về lượng bán ra hay doanh số. Tuy nhiên, sau Oppo Find 5, Hãng cho biết sẽ tiếp tục tung ra thị trường Việt Nam 2 dòng sản phẩm mới nữa.
Thực ra, Oppo cũng không phải là hãng vô danh. Hãng đã có 12 năm kinh nghiệm hoạt động và đứng trong top 3 thương hiệu điện thoại nội địa của Trung Quốc. Oppo cũng đã có mặt tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Nga và 7 nước Trung Đông. Tới Việt Nam, Oppo đã nhanh chóng lập văn phòng với gần 100 nhân viên, làm việc trực tiếp với nhà bán lẻ để nhanh chóng chiếm thị phần và giảm thiểu giá bán hàng.
Oppo tới Việt Nam với sản phẩm Oppo Find 5. |
Ông Phúc cho biết, Oppo đã đàm phán thành công với hơn 40 nhà phân phối ở TP.HCM. Hãng sẽ tập trung bán hàng tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Tuy nhiên, theo các nhà phân phối, điện thoại Trung Quốc có những khó khăn nhất định khi tới Việt Nam. Ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc Mai Nguyên Luxury Mobile, cho biết: “Thị trường hiện đang chững lại. Để len được vào thị trường đã khó, lấy được lòng tin càng khó hơn”.
Cách đây vài năm, có khá nhiều sản phẩm từ Trung Quốc làm mưa làm gió nhờ giá rẻ, nhưng thời gian đã thanh lọc khắc nghiệt, chỉ còn lại một vài hãng tồn tại. Những gương mặt đáng chú ý đều là những hãng có tên tuổi và có quyết tâm tại thị trường Việt Nam.
Bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng Giám đốc Viễn Thông A cho biết các dòng điện thoại Trung Quốc chiếm khoảng 20% lượng bán ra tại chuỗi này.
Ông Trần Kinh Doanh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Thegioididong.com cũng cho biết những sản phẩm từ Trung Quốc hiện chiếm khoảng 15-20% lượng điện thoại bán ra tại Thegioididong.com.
Tuy vậy, ông cũng thừa nhận, điểm yếu nhất của các nhà sản xuất này là thương hiệu yếu khiến họ không được tin tưởng như những nhà sản xuất lớn khác. “Vẫn biết là có những sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng nhưng không phải cứ nói tôi tốt nên tôi bán giá cao là khách hàng sẽ tin”, ông Doanh nói.
Tỉ trọng smartphone trong thị trường điện thoại di động |
Trong khi đó, các hãng đã gầy dựng được niềm tin ở Việt Nam như Nokia và Samsung cũng sẵn sàng đánh mạnh vào phân khúc tầm trung và tầm thấp mà các hãng Trung Quốc đang nhăm nhe.
Thương hiệu yếu, thiếu sự tin tưởng của khách hàng và bị vô vàn đối thủ vây quanh như vậy, con đường chiếm lĩnh thị trường của những hãng điện thoại Trung Quốc như Oppo sẽ đầy chông gai.
Tuy vậy, đại diện Oppo vẫn tỏ ra tự tin. Ông Phúc cho rằng, theo số liệu từ GFK thì hết năm 2012, smartphone mới chỉ chiếm 30% lượng máy bán ra tại Việt Nam, năm 2013 dự đoán con số này sẽ là hơn 40%.
Theo ông, như vậy vẫn còn cơ hội cho Oppo khi len vào ngách smartphone. “Chúng tôi nghĩ rằng ở thị trường Việt Nam, đối thủ lớn nhất chỉ có Samsung. Nokia rất đáng gờm nhưng họ vẫn đang loay hoay với Windows Phone. LG hay HTC không có nhiều sản phẩm và không có khác biệt với chúng tôi”, ông Phúc nói.
Theo NCĐT