Theo Engadget ngày 20.4, Trudy Muller - phát ngôn viên của Apple - đã xác nhận với tờ Wired rằng dữ liệu điều khiển Siri của người dùng sẽ được lưu trữ trong máy chủ của Apple đến 2 năm để "phân tích".
Apple lý giải cách thức làm việc của Siri như sau: Khi người dùng đưa một lời thoại ra lệnh trên Siri, Apple sẽ gán cho câu ra lệnh đó bằng một dãy số ngẫu nhiên và dãy số này sẽ đi theo tài khoản Apple ID tương ứng của người dùng.
Thông tin ra lệnh trên Siri được Apple lưu lại trên máy chủ đến 2 năm - Ảnh: AFP |
Khi đó, máy chủ của Apple sẽ căn cứ vào các yếu tố trên để đưa ra các biện pháp xử lý thích hợp cho người dùng.
Trong vòng 6 tháng, dãy số tương ứng với lời thoại ra lệnh vẫn được lưu trên máy của người dùng, nhờ đó khi người dùng ra các lời thoại giống nhau thì khả năng phản hồi của Siri cũng sẽ hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các lệnh điều khiển này sẽ vẫn được lưu trữ tại máy chủ của Apple trong vòng 2 năm, để Apple thử nghiệm và "cải tiến sản phẩm".
Trong một động thái tương tự, đại diện của Google cũng vừa xác nhận với tờ Financial Times rằng các lệnh điều khiển của người dùng khi thực hiện chức năng tìm kiếm bằng giọng nói trên Google Search cũng sẽ được lưu trữ lại 2 năm để "phân tích".
Apple lẫn Google đều nói rằng, dữ liệu được lưu lại hoàn toàn là do máy móc thực hiện, nên độ bảo mật hoàn toàn bảo đảm.
Tuy nhiên, trước thông tin mà Apple lẫn Google vừa đưa ra đã làm dấy lên những quan ngại cho rằng những thông tin riêng tư của người dùng có thể sẽ không còn an toàn, do thời gian lưu trữ quá lâu.
Một số chuyên gia còn đưa ra những lời cảnh báo khá hài hước như: Khi điều khiển Siri cần nghiêm túc, đừng nên nói về những vấn đề riêng tư nhạy cảm hoặc các vấn đề về kinh doanh, vì có thể Apple sẽ biết mọi thứ.
Còn đối với tính năng tìm kiếm bằng giọng nói của Google thì không nên "nhờ" tìm những thông tin nhạy cảm trên các trang web, vì Google sẽ biết hết sở thích của bạn.
Theo Thanhnien