|
Ông Phúc đưa bản đồ ra và cho biết, đây không phải khu vực cấp mỏ, nhưng thuyền khai thác ở đây phải nộp phí cho doanh nghiệp. |
Bị phá nhà vì không nộp phí “lậu”
Mới đây, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã xét xử phúc thẩm vụ án “Hủy hoại tài sản” và y án sơ thẩm (9 tháng tù treo) đối với Võ Phi Long, trú ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh. Bị hại Lê Thanh Chương (SN 1964), trú thôn Xuân Dục 2, xã Xuân Ninh, kể: Tối 10/3/2016, gia đình ông đã đóng cửa đi ngủ thì nghe trên mái nhà bị ném đá rầm rầm. Bà Nguyễn Thị Gái (SN 1967, vợ ông Chương) chạy ra cửa thì thấy 2 người cùng xã là Nguyễn Minh Thảo (Thảo “Nghé”) và Võ Phi Long đang xông vào nhà dùng đá đập phá am thờ, đập nát kính cửa và đe dọa giết cả gia đình ông Chương.
“Ngoài đường, khoảng 10 người mang hung khí chửi bới, phá cửa quán của con trai tôi, dọa sẽ giết người trong gia đình tôi”.
Nguyên nhân xảy ra vụ việc trên, theo ông Chương, xuất phát từ việc gia đình ông không chịu đóng tiền cho trạm thu phí “lậu”, khi thuyền của gia đình ông khai thác cát “lậu” trên sông Long Đại. Thảo “Nghé”, là đối tượng cộm cán trên địa bàn, được thuê để dằn mặt ông.
“Ngày 10/3, con trai tôi sau khi hút 1 đò cát về tới bến thì anh Mười, chủ mỏ điện cho tôi, bắt tôi vô khuôn khổ, nhưng vì tôi lấy cát ngoài mỏ của anh Mười nên tôi trả lời không vô khuôn khổ. Anh Mười nói với tôi: “Tôi nói với dượng rồi mà dượng không nghe thì đừng có trách”. Sau khi Mười tắt máy thì Thảo gọi điện: “Đ. mạ mi ở mô để lên tau giết giờ” rồi tắt máy. Một lúc sau Thảo lại điện tiếp cho tôi thì con tôi cầm máy và Thảo lại tiếp tục lời lẽ đe dọa “Mi là con thằng Chương phải không? Mi ở nhà đó để tau lên tau giết? Đến 9h tối thì họ kéo lên đập phá nhà tôi, trong đó Thảo là người cầm đầu và trực tiếp đập phá nhà tôi”.
Ông Chương thở dài nói: “Bất cứ thuyền của hộ dân nào khai thác cát trên sông Long Đại đều phải qua “trạm thu phí”, và đóng 40.000 đồng/m3. Gia đình tôi không chịu đóng phí là vì trước đây tôi có nộp cổ phần 165 triệu đồng với chủ mỏ Ngô Anh Tuấn để cùng khai thác. Sau đó, Ngô Anh Tuấn âm thầm bán lại cho chủ mỏ khác, nên họ đòi thu phí của tôi. Sau phiên tòa phúc thẩm, Thảo “Nghé” là tên cầm đầu nhưng không bị xét xử, thấy khó đòi công lý, nên tui đành phải nộp phí cho họ để duy trì nghề nghiệp, nuôi sống gia đình”.
|
Vợ ông Chương bên bàn thờ bị giang hồ đập phá dằn mặt |
Thu tiền tỷ mỗi tháng
Cùng đi trên con đò dọc, ngược dòng Long Đại với PV Tiền Phong để chứng kiến dòng sông này đang ngày đêm bị rút ruột còn có Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vật liệu Thống Nhất, xã Lương Ninh là ông Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Tuyên Huấn. Theo ông Phúc kể thì nghề khai thác cát, sạn trên sông Long Đại có từ lâu đời, là nghề truyền thống của các hộ dân nằm dọc sông Long Đại.
Năm 2015, tỉnh cấp mỏ cho 3 doanh nghiệp gồm: Công ty Xây dựng Lương Ninh, Công ty TNHH TMVT Hiền Ninh và Công ty TNHH XD Ngô Anh Tuấn (đều có địa chỉ tại huyện Quảng Ninh). Khu vực được cấp phép của cả 3 công ty này chỉ giới hạn tại bãi Lùi, bãi Cơm thuộc địa bàn xã Trường Xuân. Mỗi mỏ chỉ được phép khai thác 4.000 - 5.000m3. Có một số hộ dân xin vào khai thác thuê cho các chủ mỏ, số còn lại vẫn tiếp tục nghề nghiệp của mình ở những vùng ngoài mỏ.
Chỉ trong vòng mấy tháng, các chủ mỏ đã khai thác cạn kiệt cát sạn trong phần mỏ của mình, bắt đầu tràn ra phía ngoài để khai thác. Ban đầu, vì tranh giành địa bàn, người của các chủ mỏ liên tục đánh nhau, thậm chí là nổ mìn vào tàu của nhau. Nhận thấy sẽ mất “cả chì lẫn chài” nếu tiếp tục tranh giành, 3 chủ mỏ bắt tay nhau lập nên trạm thu phí đặt bên bờ Nam phía trên cầu Long Đại.
Tại trạm này thường xuyên có 3 người trực, họ tự in phiếu thu tiền như một dạng “lá bùa thông hành”. Cứ thuyền nào đi lên khai thác cát, sạn phải ghé vào đây để lấy phiếu, khi về phải ghé vào để nộp tiền. Tùy theo thuyền lớn bé, bình quân mỗi mét khối cát, sạn là 40.000 đồng. Ai “không vào khuôn khổ” sẽ bị xã hội đen đe dọa, đánh đập, thậm chí báo công an bắt vì khai thác cát, sạn không phép.
Nhận thấy việc làm của họ quá bất công, “ngồi mát ăn bát vàng” năm 2015, ông Huấn và ông Phúc đứng ra thành lập HTX với 47 thành viên. Mục đích để xin Nhà nước cấp mỏ, đóng thuế, phí cho ngân sách, đồng thời tránh những kẻ ăn trên mồ hôi, công sức của người dân. Tuy nhiên, từ đó đến nay, rất nhiều hồ sơ gửi đi, nhưng HTX vẫn chưa được cấp mỏ. Vì miếng cơm manh áo, các xã viên HTX vẫn tiếp tục khai thác lậu cát, sạn trên sông Long Đại và tiếp tục đóng “phí lậu” cho các doanh nghiệp.
Đò chạy ngược cách cầu Long Đại chừng 4km, dòng nước sông Long Đại từ màu xanh dần trở nên đục ngầu, nhiều bọt màu vàng nổi trên mặt nước. Mặt trời vừa ló dạng, cũng là lúc tàu thuyền khai thác cát, sạn tấp nập lên xuống. Ông Phúc nhẩm tính: “Nếu tính cả thuyền của xã viên HTX, thì phải có đến gần 100 chiếc thuyền thường xuyên khai thác cát sạn trên sông Long Đại. Thuyền nhỏ nhất có sức chứa 10m3 và lớn nhất trên 100m3. Bình quân, mỗi ngày sông Long Đại bị rút ruột 1.000m3 cát, sạn và nghiễm nhiên “trạm thu phí lậu” thu về trên dưới 40 triệu/ngày”.
Thuyền của chúng tôi đi qua mỏ có cắm bảng của Công ty Lương Ninh nhưng không hề thấy chiếc thuyền nào khai thác. Nhiều đống sỏi quá kích cỡ bị gạt lại, chất thành núi, có nơi chắn gần hết luồng lạch. Ông Phúc nói: “Hết rồi, có chi nữa mà khai thác hả chú, giờ họ cũng ra ngoài mỏ khai thác trộm như dân chúng tôi thôi”.
Cách khu vực được cấp mỏ cho 3 doanh nghiệp nói trên chừng 2km về phía thượng nguồn có hơn chục tàu thuyền với thiết bị hút cát, sỏi đang chạy hết công suất. Ông Phúc nói, đó là khu vực hút trộm của xã viên HTX. Phía trên nữa là của các doanh nghiệp có mỏ nhưng đi hút trộm, hôm nay “động” (có người theo dõi) nên họ đã rút về. Chủ một thuyền hút cát, ông T. cho biết: Gia đình ông có chiếc thuyền 10m3, chuyên lên đây hút cát, sạn.
Tuy nhiên, công sức của hai vợ chồng bỏ ra, trừ chi phí mỗi tháng chỉ được chừng 5 triệu đồng. “Nếu mà không phải nộp phí cho họ thì gia đình đỡ hơn nhiều. Ức lắm nhưng không biết làm sao. Có hôm chờ trời tối mới chạy đò về để trốn trạm thu phí. Nhưng vừa tới bến là bị công an bắt, nên lần sau không dám nữa. Ở đây ai mà “không vô khuôn khổ” là bị dọa nạt, đánh đập hoặc bị công an bắt” - ông T. nói.
Sau vụ giang hồ dằn mặt ông Chương vì không nộp phí, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh từng công bố: “Nếu sự việc đúng như người dân phản ánh, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh thu lại giấy phép. Chúng tôi cũng sẽ tìm hướng giải quyết việc người dân khai thác cát lậu trên sông”.
Ông Nguyễn Đức Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Quảng Ninh, từng có quan điểm: Tùy vào mức độ vi phạm, cá nhân cũng như tập thể Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiền Ninh và Công ty TNHH Lương Ninh có thể sẽ bị xử lý nặng. Thậm chí, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự nếu số tiền thu từ việc bán hóa đơn bất hợp pháp cho người dân vượt quá 50 triệu đồng. |
Theo Tiền Phong