|
Bị cáo Tứ (người cầm míc) tại phiên tòa. |
Ngày đầu tiên xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm (28.8), người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn, tóc để thả, cặp kính cận dày, ăn vận kiểu viên chức lặng lẽ xếp hàng làm thủ tục vào phiên tòa. (Có hơn 40 bị cáo được tại ngoại, hơn 700 người là cá nhân và đại diện cho tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xếp hàng làm thủ tục).
Dù chị đã đeo khẩu trang để tránh sự để ý của báo chí, nhưng vẫn có không ít phóng viên phát hiện và xì xào “diễn viên Quỳnh Tứ đấy” (tức bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ) và nhiều máy ảnh, điện thoại được giơ lên. Khi cảnh sát hỗ trợ tư pháp yêu cầu chị bỏ khẩu trang để trông rõ mặt thì máy ảnh, điện thoại của nhiều phóng viên được dịp bấm lia lịa.
Khi HĐXX tiến hành kiểm tra căn cước, vừa cầm mic chị đã khóc, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà phải liên tục động viên chị giữ bình tĩnh. Hai ngày hôm sau, khi bước lên vành móng ngựa để trả lời câu hỏi thẩm vấn của HĐXX, chị lại khóc khiến lời khai liên tục bị đứt mạch. Nghe những lời động viên, chị bảo, "bị cáo hay ốm yếu, sức khỏe kém, thần kinh yếu nên rất dễ xúc động, không giữ được bình tĩnh".
Tiếng khóc của chị có lẽ không đơn thuần là sự xúc động nhất thời, mà còn ẩn chứa những lo lắng phía sau. Ở vào hoàn cảnh của chị có lẽ đến người sức khỏe tốt, thần kinh vững cũng khó giữ được sự bình tĩnh.
Gia đình chị có điều kiện đặc biệt khó khăn, bố đẻ là thương binh và 2 anh trai bị nhiễm chất độc da cam, mất sức lao động. Bản thân chị cũng đã ly hôn, đang phải chăm sóc hai con nhỏ, cháu lớn 6 tuổi, nhỏ 4 tuổi.
Qua trò chuyện với một số người vốn là nhân viên tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), họ đều nói, trường hợp của chị Tứ đáng thương nhất trong số những bị cáo phải ra hầu tòa cùng Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn.
“Chị Tứ làm việc chăm chỉ, sống chan hòa với mọi người. Nhiều người cứ nghĩ chị đi đóng phim thì thế này, thế kia, rồi thư ký Hội đồng quản trị OceanBank sẽ có chuyện không lành mạnh với sếp. Đó là những suy nghĩ sai, chị Tứ sống tốt, không phải dạng ăn chơi, thời gian công tác ở OceanBank chẳng để điều tiếng gì”, một cựu nhân viên OceanBank khẳng định.
Theo cáo trạng truy tố, vào năm 2008, khi Công ty BSC thay đổi đăng ký kinh doanh, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ được Hà Văn Thắm cho đứng tên làm Chủ tịch HĐQT. Bị cáo Tứ được xác định đã ký 98 hợp đồng dịch vụ thu số tiền hơn 14 tỷ đồng (số tiền này dùng để chi “chăm sóc khách hàng”). Toàn bộ số tiền này bị Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt gây thiệt hại cho OceanBank. Ngoài ra, Tứ đã ba lần nhận tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng của Công ty BSC để chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn.
Trước tòa, bị cáo Tứ khóc nói: “Là Chủ tịch HĐQT nhưng bị cáo không biết trụ sở Công ty BSC ở đâu, không biết có bao nhiêu nhân sự, hoạt động thế nào. Anh Thắm nhờ bị cáo đứng hộ tên trong khi chờ người về điều hành, thấy không có sự vi phạm pháp luật gì nên bị cáo đồng ý. Bị cáo không làm gì, không nhận lương, không góp vốn, không làm bất cứ việc gì liên quan đến Công ty BSC. Nhiều lần bị cáo nói với anh Hà Văn Thắm, rằng em xin anh cho em không đứng tên, vì mọi việc em không làm, em không biết. Sau đó anh Thắm đồng ý cho bị cáo chuyển chức danh đó cho người khác".
Việc làm thiếu hiểu biết trên đã khiến bị cáo Tứ bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp cùng Hà Văn Thắm giúp sức cho hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân Sơn. Tội phạm và hình phạt mà bị cáo Tứ bị truy tố có mức hình phạt từ 20 năm hoặc tù chung thân.
Ở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm lần 1 (tháng 2 và 3.2017), Hoàng Thị Hồng Tứ được cơ quan điều tra đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự. Sau khi tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, đến phiên xử sơ thẩm lần 2, bị cáo Tứ đã bị truy tố. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cũng đề nghị trong quá trình xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Tứ. |
Theo Dân Việt