Hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng liên quan thế nào đến 2 nhà máy thép gây ô nhiễm?

Thứ tư, 10/10/2018, 15:45
Việc cấp phép cho 2 nhà máy gây ô nhiễm tại Đà Nẵng có nhiều sai phạm; 2 cựu lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng (đã bị Bộ Công an khởi tố) bị đề nghị xem xét trách nhiệm.

Như PV đã thông tin, ngày 7.10 vừa qua, Thanh tra TP.Đà Nẵng đã công bố kết luận thanh tra về chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và xử lý môi trường tại Công ty CP Thép Dana - Ý (gọi tắt là Dana - Ý), Công ty CP Thép Dana - Úc (gọi tắt là Dana - Úc) tại cụm công nghiệp (CCN) Thanh Vinh (thuộc xã Hòa Liên, H.Hòa Vang) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Giao đất sửa sai, vẫn gây ô nhiễm

Trong phần kiến nghị biện pháp xử lý, Thanh tra Đà Nẵng nêu rõ: “Đối với trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng (giai đoạn 2007 - 2014) trong việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) đối với 2 nhà máy thép tại CCN, hiện nay bị điều tra theo quyết định khởi tố của Bộ Công an. Do đó, Thanh tra TP.Đà Nẵng kiến nghị Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng báo cáo Thường trực Thành ủy để có ý kiến chỉ đạo”.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng giai đoạn 2007 - 2014 đã bị Bộ Công an khởi tố là 2 cựu Chủ tịch TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh (giai đoạn 2006 - 2011) và Văn Hữu Chiến (giai đoạn 2011 - 2014).

Vậy những sai phạm của 2 vị cựu lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng trong việc cấp GCNĐT và phê duyệt ĐTM thế nào?

Cụ thể, theo tài liệu, CCN Thanh Vinh mở rộng được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng tại quyết định số 8658 ngày 28.10.2004 với diện tích 32,67ha. Trong đó, việc phân lô nhằm bố trí cho các dự án công nghiệp nhẹ, ít gây ô nhiễm môi trường, không có loại hình sản xuất thép, luyện kim.

ĐTM của CCN Thanh Vinh (do Công ty CP Xây dựng và đầu tư Đà Nẵng C.T làm chủ đầu tư) lập năm 2006 và được phê duyệt tại quyết định vào ngày 7.7.2006 của Sở TN-MT Đà Nẵng cũng cho thấy, việc bố trí ngành nghề trong CCN không có ngành nghề luyện thép.


Với khoảng cách cách ly không đạt chuẩn, quá gần khu dân cư, người dân đã chịu nhiều khổ sở từ 2 nhà máy này

Năm 2008, 2009, UBND TP.Đà Nẵng đã cấp GCNĐT, phê duyệt ĐMT cho các dự án nhà máy thép Dana - Ý, Dana - Úc hoạt động tại CCN Thanh Vinh.

Trong quá trình hoạt động, người dân địa phương có ý kiến về vấn đề ô nhiễm môi trường của 2 nhà máy nên UBND TP.Đà Nẵng ban hành quyết định số 4129 ngày 7.6.2010 về phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất dự trữ phát triển CCN với diện tích 5,77ha và công văn số 3036 ngày 9.5.2012 giao phần đất trên cho 2 công ty để trồng cây xanh, tạo khoảng không gian cách ly giữa CCN với khu dân cư.

Tuy nhiên, khoảng cách cách ly từ nhà máy thép Dana - Ý đến khu dân cư chỉ 31,5m đến 80,3m; từ nhà máy thép Dana - Úc đến khu dân cư là 27,2m đến 143,3m vẫn chưa đảm bảo khoảng cách cách ly tối thiểu là 500m đối với nhà máy độc hại cấp 2 (công suất dưới 1 triệu tấn/năm đối với nhà máy luyện thép) theo quy định.

Biết sai, vẫn đồng ý đầu tư?

Theo tài liệu, ngày 7.11.2007, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp GCNĐT dự án nhà máy sản xuất thép Thành Lợi số 4 của Công ty CP Thép Thành Lợi.

Ngày 20.11.2007, UBND TP.Đà Nẵng cấp GCNĐT lần đầu cho Công ty CP Thép Thành lợi với các nội dung: đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thép, sản lượng 100.000 tấn/năm; vốn đầu tư hơn 175 tỉ đồng.

Năm 2008, UBND TP.Đà Nẵng cấp GCNĐT chuyển đổi từ Công ty CP Thép Thành Lợi thành Công ty CP Thép Đà Nẵng - Ý. Năm 2009, Công ty CP Thép Đà Nẵng - Ý đối thành Công ty CP Thép Dana - Ý.

Ngày 15.9.2009, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng có bút phê “đồng ý theo tờ trình. Chuyển Trung tâm xúc tiến đầu tư làm thủ tục trình ký”. Ngày 8.9.2009, UBND TP.Đà Nẵng cấp GCNĐT điều chỉnh.

Tuy nhiên, đến ngày 19.9.2009, UBND TP.Đà Nẵng mới có quyết định phê duyệt ĐTM dự án với công suất lên đến 200.000 tấn thép/năm.

Thanh tra TP.Đà Nẵng khẳng định việc cấp GCNĐT lần đầu cho dự án nhà máy thép Thành Lợi số 4 cho Công ty CP Thép Thành Lợi và GCNĐT lần đầu cho dự án nhà máy Thép Đà Nẵng - Ý cho Công ty CP Thép Dana - Ý không phù hợp với quy định ngành nghề tại CCN theo ĐTM được phê duyệt; không phù hợp với chủ trương của UBND TP.Đà Nẵng về việc không cho đầu tư lắp đặt mới lò luyện thép trong các KCN theo thông báo ngày 5.5.2006 của UBND TP.Đà Nẵng; vượt công suất (100.000 tấn/năm) theo bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được phê duyệt; không đảm bảo khoảng cách ly tối thiểu 500 m đối với khu dân cư theo tiêu chuẩn.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, việc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tiếp nhận, xử lý, trình UBND TP.Đà Nẵng cấp GCNĐT điều chỉnh cho công ty là không đúng theo quy định, nhưng thực hiện là do chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP..Đà Nẵng. Việc cấp GCNĐT trước khi phê duyệt ĐTM là không đúng với quy định Luật Bảo vệ môi trường.

Ngay từ đầu, việc cấp phép đầu tư 2 nhà máy này đã có nhiều sai phạm liên quan đến 2 cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã bị Bộ Công an khởi tố

Bên cạnh đó, việc thẩm định, phê duyệt đối với dự án nhà máy Thép Dana - Ý tại các quyết định vào các năm 2009, 2012, 2014 là không phù hợp với quy hoạch ngành nghề công nghiệp nhẹ, ít gây ô nhiễm theo ĐTM của CCN được phê duyệt…

Cấp dưới: “không phù hợp”, cấp trên: vẫn ký!

Đối với nhà máy thép Dana - Úc, kết luận Thanh tra TP.Đà Nẵng nêu ngày 17.7.2008, Công ty CP Xuân Hưng được UBND TP.Đà Nẵng cấp GCNĐT lần đầu với nội dung đầu tư dây chuyền sản xuất thép công nghệ Trung Quốc. Nguyên liệu đầu vào là sắt thép phế liệu có nguồn gốc trong nước và nhập khẩu; công suất 300.000 tấn/năm; vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng.

Sau đó, UBND TP.Đà Nẵng cấp GCNĐT điều chỉnh lần 1 và lần 2, nội dung điều chỉnh tên dự án thành Dana - Úc, nâng mức vốn lên gần 370 tỉ đồng. Thanh tra TP.Đà Nẵng cũng khẳng định không phù hợp với quy định ngành nghề tại CCN theo ĐTM được phê duyệt; không phù hợp với chủ trương của UBND TP.Đà Nẵng; vượt công suất được ĐTM được phê duyệt với 300.000/150.000 tấn năm…

Đáng chú ý, trên cơ sở đề nghị của Công ty CP Xuân Hưng về việc thẩm định ĐTM của dự án đầu tư, Sở TN-MT đã có tờ trình ngày 2.10.2007 gửi UBND TP.Đà Nẵng, trong đó có ý kiến việc đầu tư nhà máy thép vào CCN là không phù hợp với ngành nghề được quy định tại ĐTM của CCN và chủ trương không cho lắp mới lò luyện thép.

Tuy nhiên, tại công văn số 2086 ngày 10.4.2008, UBND TP.Đà Nẵng vẫn đồng ý chủ trương thực hiện dự án nhà máy thép Xuân Hưng và giao Sở TN-MT trình báo cáo thẩm định ĐTM.

Vào ngày 21.4.2008, UBND.Đà Nẵng TP đã có quyết định phê duyệt ĐTM với công suất 150.000 tấn/năm. Nhưng sau đó lại cấp GCNĐT cho công ty này với công suất lên đến 300.000 tấn/năm.

Theo giải trình của Sở TN-MT thì do TP.Đà Nẵng đã đồng ý bố trí nhà máy thép vào CCN và yêu cầu thẩm định ĐTM nên Sở đã thực hiện.

“Từ năm 2009 đến nay, mặc dù công suất tại GCNĐT không phù hợp với công suất tại ĐTM được phê duyệt nhưng công ty vẫn hoạt động sản xuất mà chưa được phê duyệt ĐTM bổ sung là không đúng với quy định của Chính phủ”, Thanh tra TP.Đà Nẵng nêu.

Như PV đã thông tin, nhiều năm qua, 2 nhà máy thép Dana - Ý, Dana - Úc liên tục để xảy ra tình trạng ô nhiễm khiến người dân bức xúc.

Ngày 28.2 vừa qua, UBND TP.Đà Nẵng đã quyết định tạm dừng hoạt động 2 nhà máy thép. Ngày 26.3, UBND TP.Đà Nẵng công bố quyết định cho 2 nhà hoạt động thêm trong vòng 6 tháng để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.

Mới đây, trước tình hình các hộ dân tập trung trước cổng 2 nhà máy thép có dấu hiệu phức tạp, Thành ủy Đà Nẵng vừa có văn bản chỉ đạo “chấm dứt hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường”.

Sở TN-MT “chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm”

Theo kết luận Thanh tra TP.Đà Nẵng, mặc dù Sở TN-MT đã có tờ trình ngày 2.10.2007 với ý kiến đầu tư nhà máy thép vào CCN là không phù hợp với quy hoạch ngành nghề tại ĐTM của CCN, nhưng sau khi UBND TP.Đà Nẵng đồng ý phê duyệt dự án đầu tư 2 nhà máy thép tại CCN, Sở TN-MT đã thẩm định, trình UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt ĐTM 2 dự án mà không có ý kiến tham mưu là “chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn