Thịt dơi trên bàn nhậu
Dơi tại chùa Dơi có nhiều loại như: dơi ngựa lớn, dơi ngựa lớn Thái Lan, dơi quạ… Trong đó, dơi ngựa lớn Việt Nam nằm trong danh mục thuộc Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm.
Những năm trước đây, khi đến khuôn viên chùa Dơi đã thấy từng đàn dơi tụ tập từ hàng rào, rồi trên những ngọn cây. Cao điểm nhất, đàn dơi tại chùa Dơi lên đến khoảng 10.000 con dù không có con số thống kê chính thức từ các cơ quan chuyên môn. Buổi chiếu tối khi đàn dơi túa ra đi kiếm ăn thì trong khuôn viên chùa rợp trời một màu đen.
Chùa Dơi Sóc Trăng
Đến chùa Dơi thời điểm này, dơi đã tập trung sâu vào trong và số lượng giảm đáng kể. Thượng tọa Lâm Tú Linh, Phó trụ trì chùa Dơi cho biết, thời điểm năm 1991 - 1992 nhìn cây nào trong chùa cũng có dơi, giờ chỉ còn 20% - 30% so với trước.
Do các quán nhậu, nhà hàng bắt đầu bán những món ăn đặc sản chế biến từ dơi nên số lượng dơi ngày càng giảm dần. Dơi trong chùa, đến buổi tối là đi ăn ở tận Bạc Liêu, Trà Vinh nên bị người dân bắt giữ và giết thịt.
Việc thịt dơi được truyền tai nhau là chữa bệnh viêm khớp, thấp khớp, phế quản,… đặc biệt huyết dơi giúp tăng cường sinh lực cho đàn ông nên dơi càng bị săn lùng ráo riết. Tuy nhiên, những tin đồng này chỉ bịa đặt của các chủ quán nhậu để bán cho đắt hàng, thực tế thịt dơi cũng như các động vật hoang dã khác, rất nguy hiểm với con người vì chúng luôn mang các loại virus bệnh lạ.
Cách chùa Dơi chừng vài cây số có một quán nhậu, mà khi vào đây thực khách luôn được chủ quán giới thiệu những món nhậu hấp dẫn chế biến từ dơi như: dơi nấu cháo, dơi rô ti, rang muối,… Dơi được chủ quán nhốt nơi khác, tại quán chỉ để một vài con chủ yếu để khách yên tâm là thịt dơi “thứ thiệt”.
Dơi được nuôi nhốt tại một quán nhậu ở thành phố Sóc Trăng.
Khó bảo vệ vì... không nằm trong sách đỏ
Không chỉ tại Sóc Trăng mà các địa phương lân cận như Cần Thơ, Vĩnh Long đều có những quán nhậu, nhà hàng bán thịt dơi.
Ông Trương Văn Mưa, Quyền Trưởng phòng thanh tra, pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng) cho biết, năm 2008 UBND tỉnh đã ra chỉ thị cấm mua bán giết mổ dơi. Năm 2009, Công an thành phố Sóc Trăng có bắt được một vụ nhưng cũng chỉ xử phạt hành chính. Ông Mưa cho rằng số lượng dơi có giảm, nhưng không biết cụ thể vì không thể đếm được.
Số lượng dơi tại chùa Dơi giảm không chỉ do bị giết mổ làm thực phẩm mà có thể do môi trường sống bị thay đổi. Trước kia, đường vào chùa Dơi chỉ là một con đường nhỏ ít xe cộ qua lại, dân cư thưa thớt. Nay con đường được mở rộng, đèn điện sáng choang, phía trước chùa Dơi lại mọc lên một khu du lịch, đây có thể là nguyên nhân khiến dơi trong chùa bỏ đi.
Thượng tọa Lâm Tú Linh, Phó trụ trì chùa Dơi cho biết,
đàn dơi tại chùa đã giảm đáng kể
Ông Trịnh Công Lý, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch (Sở VH-TT-DL Sóc Trăng) cho biết, chủ dự án có ý định làm sân khấu ngay phía trước, đối diện cổng chùa. Nhưng vì sợ âm thanh, ánh sáng ảnh hưởng đến môi trường sống của dơi nên đã yêu cầu chủ đầu tư dời sân khấu vào bên trong. Sở đã làm đề tài khoa học bảo tồn đàn dơi được thông qua nhưng chưa triển khai được.
Theo ông Lý, cái khó hiện nay trong việc bảo vệ đàn dơi, là do dơi chưa nằm trong “sách đỏ” nên tỉnh Sóc Trăng cấm, còn những tỉnh khác thì không cấm. Trước đó, các nhà khoa học của một Viện nghiên cứu ở TP.HCM và các nhà khoa học nước ngoài đến gắn chíp theo dõi nhưng không thành công.
“Trước mắt để dơi không bỏ đi, trong bán kính 500m của khuôn viên chùa không được gây tiếng động, ánh sáng ảnh hưởng đến dơi. Hay yêu cầu chùa không đốt lá cây, vì khói bám vào thân cây lá cây cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt của dơi”, ông Lý nói.
Theo thượng tọa Lâm Tú Linh, con dơi gắn liền với hình ảnh chùa Dơi nếu hết dơi thì chùa không còn ý nghĩa nữa.
Ông Lê Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, sẽ chỉ đạo Sở VH-TT-DL phối hợp với UBND thành phố đánh giá tác động khu vực môi trường khu vực chùa Dơi. Bên cạnh đó, Sở KH-CN làm đề tài nghiên cứu nhằm mục đích bảo tồn và phát triển đàn dơi trở lại.
Theo Khampha