Cô gái đã dạn dày trong nghề múa thoát y tiếp câu chuyện về giai đoạn được coi là “hoàng kim” của mình. Thùy Dung kể: “Lúc em trẻ đẹp, thì mấy chỗ sàn nhảy thích em đến làm “chim mồi”, nhưng dần dần em bị tụt hạng cho đến khi vào đến karaoke ôm nhảy thoát y là hết hạng rồi”. Quãng đường từ hạng sang đến hết hạng của Dung cũng không phải là dài.
Màn thác loạn ở Hà Nội. |
Khi còn làm “chim mồi” ở vũ trường, Dung chỉ phải đứng ở bục nhảy hay nhảy mào đầu giữa sàn khi DJ đổi nhạc. Thi thoảng, có khách chịu chơi sẽ mời đến bàn làm chén rượu, còn sau đó có đi chơi hay không là tùy. Dung bảo: “Nhảy tất nhiên là mệt, nhưng ở sàn ít đắng cay hơn ba cái vụ múa thoát y trong quán karaoke”.
“Rớt hạng”, Dung bị đánh bật khỏi các vũ trường để tìm đến những quán karaoke ôm. Nơi đây là hạng thấp hơn so với vũ trường, nhưng không có nghĩa là các vũ nữ không phải căng sức ra thể hiện.
Dung giãi bày: “Làm tiếp viên karaoke ôm mà không múa thoát y, không có mấy chiêu độc như múa lửa, gắp tiền, mở bia thì coi như đào ế hàng. Đã ế thì không có tiền bo, tiền thưởng của khách. Anh bảo, ngồi hai tiếng đồng hồ mà chỉ nhận được có 200.000 đồng thì mấy bữa mà chết đói. Cầm tiền, chưa bước ra khỏi cửa phòng đã có đứa đòi chia hết rồi”.
Cô gái trẻ Thúy Ngọc cũng chia sẻ về sức ép phải thể hiện để kiếm tiền trên bàn nhảy: “Trước khi vào nghề, một chị đã khuyên em nên bỏ tiền đi học nhảy. Chị ý bảo dù có đẹp nhưng người như khúc gỗ vào đấy khách cũng chả thích đâu”. Ngọc nghe theo lời khuyên để có trong tay chút vốn ban đầu nhằm cạnh tranh trong cuộc chiến “tiền bo” với những vũ nữ khác.
Nhưng nhảy đẹp mà không có chiêu trò độc thì rồi cũng “loãng”, cái khách cần khi đã ngấm men say là những thời điểm thăng hoa, vui tới bến trong phòng hát. Mỗi phòng có tới mấy đào, ai có được độc chiêu sẽ hút được nhiều tiền bo của khách nhất.
Ngọc tổng kết một thực tiễn giản đơn: “Túi tiền của khách có hạn, họ vung tiền cho người này thì sẽ giảm bớt cho người kia. Không nhanh móc ví của họ ra thì đến lúc đứng dậy chỉ còn vài đồng lẻ, lại còn mang tiếng kỳ kèo, lần sau chả ai thèm gọi nữa”.
Ngọc kể một ví dụ cho chúng tôi nghe. Hồi mới đi làm, với thân hình thon thả, bụng phẳng lỳ, Ngọc hút khách ngay từ khi mới bước lên bàn. Khách không tiếc tiền bỏ ra để “mua đồ” của cô, nhưng khoảng thời gian “bán đồ” rồi uốn éo chẳng kéo dài lâu, lại dễ dẫn đến nhàm sau khi người bán chẳng còn gì trên người để bán nữa. Lúc đấy, những ai có chiêu độc sẽ hút được khách hơn.
Ngọc nhớ lại: “Hồi đầu em chỉ biết nhảy. Một lúc khách cũng chán, đòi phải có trò khác. Một chị biết gắp tiền đã khiến cho tất thảy khách phấn khích. Họ không tiếc tiền bỏ ra để xem chị diễn, em gần như bị gạt sang một bên chỉ có nhiệm vụ cuốn tờ tiền vào chai bia. Tất nhiên, tiền đó là chị kia được nhận chứ em chả được đồng nào”.
Sau những bài học đó, Ngọc phải tìm đến các đàn chị thân quen để nhờ “đào tạo nâng cấp”. Có những chiêu trò moi tiền của khách, Ngọc phải mất “học phí” mới được các đàn chị truyền dạy lại. Nhưng biết là một chuyện, diễn trên bàn như thế nào để khách chịu chi lại là chuyện khác.
Cô gái trẻ thừa nhận: “Ở trên bàn uốn éo, trần trụi có lúc em thấy mình phần “con” nhiều hơn phần “người”. Bước xuống bàn vẫn tự đỏ mặt ngượng với bản thân khi không hiểu tại sao mình có thể làm như vậy để mua vui cho người ta”.
Tập chiêu trò là một cách để “thăng hạng”, với Thùy Dung, cô dùng một cách nữa để chứng tỏ đẳng cấp và thương hiệu của mình. Trong một lần trò chuyện, Dung chìa lưng chỉ cho chúng tôi xem hình xăm hoa văn ở phía đuôi cột sống sát với mông và bảo đó là một biểu hiện để khách chú ý hơn.
Hình xăm xuất hiện từ hồi cô còn làm “chim mồi” ở các vũ trường, quán bar hạng sang. Thời ấy, cô không mất nhiều tiền để có nó, nhưng lại thu được nhiều tiền hơn khi mang hình vẽ trên người. Nhưng rồi hình xăm “tiền tài” đó giờ lại trở thành một vết sẹo khó xóa, làm mất đi cả cơ hội tìm kiếm hạnh phúc của cô gái này.
Vòng tròn quẩn quanh
Kể tiếp về chuyện hậu họa của cái hình xăm, giọng Dung buồn rười rượi: “Ở khu nhà trọ em có thương một người ít tuổi hơn mình. Nhưng chuyện tình đẹp chẳng kéo dài được lâu khi một ngày anh ta phát hoảng khi thấy hình xăm của em, rồi phát hiện ra chuyện em đi làm khuya ở quán karaoke ôm. Giờ mỗi lần soi gương nhìn thấy hình này em lại thấy mình khùng hết cỡ”.
Như những lần trước, sau khi tan vỡ cuộc tình, cô gái yếu đuối về tâm lý lại lao vào các cuộc thác loạn mua vui cho khách như một con thiêu thân.
Màn thác loạn ở Sài Gòn |
Cuộc đời cho Dung thêm một cơ hội nữa để thoát khỏi kiếp vũ nữ thoát y. Ba má cô ép cưới một người đàn ông đã bỏ vợ và có một con riêng. Cô tặc lưỡi đồng ý vì dù sao cũng là một cách để dứt được với cái nghề nhớp nhúa này và có cơ hội làm lại từ đầu. Nhưng đời vẫn quá nghiệt với cô, người chồng hợp pháp đầu tiên của cô nhanh chóng thể hiện tật bài bạc và thói trăng hoa.
Dung kể: “Tưởng hạnh phúc êm ấm, nhưng anh ta vẫn chứng nào tật ấy. Có lần nghe hàng xóm nói em theo dõi bắt tận tay anh ta với bồ nhí ở khách sạn. Anh ta thề sống thề chết, nhưng không thể bỏ được bài bạc với thói trăng hoa”. Dứt tình, Dung ôm con gái mới sinh bỏ Mỹ Tho lên Sài Gòn sinh sống.
Không có việc gì làm, Dung lại quay về con đường cũ làm vũ nữ thoát y ở quán bia ôm. Dung lặng người đi khi nghe chúng tôi hỏi về cô con gái: “Mỗi đêm khi về đến nhà trọ, nhìn con gái thiếp ngủ em lại đau đớn lắm. Tưởng hạnh phúc gia đình sẽ vớt vát được phần nào tủi nhục lúc sa chân đầu đời, ai ngờ lại càng thêm gánh nặng và tủi nhục chồng chất”.
Nói đoạn, Dung lại khóc rưng rức: “Em giờ như lục bình dạt, chẳng biết làm gì ngoài mong muốn gia đình khá hơn một chút. Em đang cố kiếm cách nào đó bỏ nghề cay đắng này, càng lớn tuổi nhan sắc càng tàn còn đâu mà mua vui cho người đời nữa”.
Với những vũ nữ trẻ như Ngọc đang kiếm được nhiều tiền, chưa vướng bận gia đình con cái, chưa từng trải nhiều như Dung thì vẫn ủ trong mình một ước mơ. Nhưng nghe qua ước mơ của cô gái trẻ, tôi lại thấy đấy là một vòng tròn quẩn quanh không có lối thoát. Nó chật hẹp, bức bí như cái mặt bàn là nơi hành nghề của những người như Ngọc.
Cô gái trẻ hồn nhiên nói với chúng tôi: “Em đang tích góp tiền để sau này mở một quán massage do mình làm chủ, mội ngày chỉ cần 30 khách là em có lời rồi”. Nếu ước mơ của Ngọc thành hiện thực, sẽ có thêm nhiều cô gái nữa sẽ bước chân vào con đường “massage - bar - vũ trường - karaoke ôm” không biết đến bao giờ mới thấy điểm dừng.
Tuần trước, tôi nhận được một tin nhắn từ số máy rất lạ, sau này tôi mới biết là số máy điện thoại di động từ Thái Lan gửi về. Đó là tin nhắn của Dung: “Em Dung đây, nếu anh có kể về đời em, thì hãy thêm một phần cho đoạn kết đó nghe. Đó là em quyết bỏ nhà ra đi, theo người ta qua đất khách quê người làm ăn. Anh cũng đừng hỏi, đừng biết em qua đây làm nghề gì, chỉ cần biết rằng, em sẽ tìm cho mình một lối đi khác, nhưng tương lai thế nào thì em cũng chưa biết được anh ạ”.
Hy vọng, đời sẽ cho Dung cơ hội thứ ba, một lần nữa để làm lại từ đầu.
Theo Lao động