Bùng phát hành xử kiểu côn đồ

Thứ ba, 06/08/2013, 08:20
Vụ va chạm giao thông dẫn tới một người chết, hai trọng thương xảy ra ngày 2/8 tại TP.HCM một lần nữa dấy lên mối lo về lối hành xử ngày càng bạo lực trong xã hội.

Trên thực tế, chỉ một ánh nhìn, một cú va chạm, một câu nói vô tình không đúng chỗ, một tiếng nẹt pô... hay bất cứ chuyện nhỏ nhặt nào trong cuộc sống hằng ngày cũng có thể là nguồn cơn để nhiều người động tay, động chân và thậm chí gây án mạng.

Bùng phát hành xử kiểu côn đồ
Chỉ cần một va quệt xe trên đường cũng có thể dẫn đến ẩu đả - Ảnh: Đàm Huy

Bùng phát hành xử kiểu côn đồ
Sau khi lời qua tiếng lại, một nạn nhân bị đánh trọng thương phải đưa đi cấp cứu - Ảnh chụp trước một nhà hàng ở Q.9, TP.HCM cuối tháng 7/2013.

Chuyện nhỏ, nổi máu côn đồ

Ngày càng tăng

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, trong những tháng đầu năm 2013, tình hình tội phạm hình sự tuy có kéo giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm bảo kê, đòi nợ thuê... gây ảnh hưởng xấu đến vấn đề an ninh trật tự; tính chất hành xử manh động, côn đồ của một bộ phận đối tượng xấu trong giới trẻ ngày càng tăng, phần lớn là hành vi bột phát, chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ là dẫn đến gây gổ, đánh nhau.

Bên cạnh đó, số vụ tàng trữ, sử dụng vũ khí (súng hoa cải, súng tự tạo) để giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt, ăn nhậu, cờ bạc... đang có dấu hiệu chuyển biến phức tạp.

Hẳn nhiều bạn đọc chưa quên chuyện một nữ nhân viên trạm thu phí cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) bị đánh tơi tả hồi cuối tháng 4 vừa qua chỉ vì 4 thanh niên đi trên xe hơi không chịu chi 10.000 đồng mua vé.

Khi clip vụ hành hung này phát tán trên mạng, nhiều người bàng hoàng vì sao chỉ vì 10.000 đồng mà 4 thanh niên to khỏe lại nhẫn tâm dùng cơ bắp để tấn công một phụ nữ ngấp nghé tuổi 50 như thế?

Đến giờ, theo thông tin trên báo chí, nạn nhân bị tổn hại 1% sức khỏe nên không thể xử lý 4 thanh niên này về hành vi cố ý gây thương tích, mà chỉ "bồi thường dân sự" là xong hết!

Hay như vụ bà Lê Thị Tuyết (43 tuổi, ngụ Bình Dương) chỉ vì việc chồng không ngủ ở nhà mà đã cùng con trai 15 tuổi chặn đường đánh dã man chị B., hàng xóm; lột sạch quần áo của nạn nhân rồi kéo lê trên đường trước sự chứng kiến của nhiều người.

Hành vi coi thường tính mạng, nhân phẩm con người, gây bức xúc xã hội như vậy nhưng mới đây, lãnh đạo Viện KSND TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết chỉ xử lý được bà Tuyết về hành vi làm nhục người khác (cởi quần áo nạn nhân).

Theo luật, mức hình phạt cho tội này nếu cấu thành không quá 2 năm tù nên bà Tuyết được tại ngoại điều tra. Các chuyên gia phân tích với mức hình phạt này, tòa có thể cho bà Tuyết hưởng án treo, không phải đi tù (!?).

Không chỉ ngoài xã hội, ngay nhiều nữ sinh hiền lành là thế mà bây giờ chuyện đánh nhau cũng không lạ. Những clip nữ sinh mặt mày đằng đằng sát khí “tung chưởng” ngày một xuất hiện nhiều hơn.

Đôi khi nguyên nhân chỉ vì “con nhỏ đó thấy ghét” hoặc vì dám “lẳng lơ” với bồ của bạn... Chẳng hạn như ngày 26/7 vừa qua, tòa phúc thẩm cũng đình chỉ xét xử, y án 7 năm tù đối với Trần Thị Ngân Tâm (16 tuổi, ngụ Tây Ninh) về tội “giết người”.

Nguyên do, ngày 21/1/2013, Nguyễn Phạm Vương Linh (17 tuổi, ngụ Tây Ninh bị xử 15 năm tù) và Tâm cùng 2 cô gái khác đi nhậu.

Sau khi tan tiệc, Tâm đùa giỡn, cõng một cô đi về. Đến cổng số 2, KCN Trảng Bàng thì Trần Văn Lưng đang ngồi uống rượu với 5, 6 người nhìn thấy bèn đi đến đẩy vai Tâm. Hai bên có cãi nhau nhưng được mọi người can ngăn nên ra về. Dù đoạn đường cách xa mấy cây số, nhưng hai cô gái này về đến phòng trọ lại rủ Linh quay lại đánh trả thù.

Hậu quả, Linh đâm chết anh Lưng. Đáng nói, phải hầu tòa vì tước đoạt mạng sống người khác nhưng Tâm coi như không có gì ghê gớm, thậm chí còn cười rất thoải mái!?

Tự xử thay pháp luật ?

Cơ quan pháp luật phải thật công minh

Ông Henry Hollinger, cảnh sát về hưu người Canada từng có 25 năm kinh nghiệm làm trong ngành an ninh tại các nước Đông Nam Á - trong đó có Việt Nam, nói với PV: “Tại Canada và nhiều nước khác, nơi mà hệ thống pháp quyền đủ mạnh, chính phủ và cảnh sát thường xuyên nhắc nhở người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng là họ không được tự trao cho mình quyền hành xử thay pháp luật, nếu không chính họ cũng sẽ bị bắt và xử lý như là tội phạm. Vì thế, người dân ở những nước này không bao giờ tự ý hành xử thay pháp luật mà luôn nghĩ tới lực lượng cảnh sát đầu tiên để giúp họ giải quyết mọi mâu thuẫn. Và chúng tôi đã quen với điều này”.

Cũng theo ông Hollinger, điều quan trọng để được dân tin như vậy thì lực lượng cảnh sát phải tạo dựng được lòng tin của mình đối với dân, bằng những xử lý khách quan và công bằng - mọi người đều ngang bằng nhau trước pháp luật.

Kinh hoàng hơn và "không thể hiểu nổi" là ngày 23/6, anh Nguyễn Hữu Diên (22 tuổi) điều khiển xe máy trên đường 6B (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) thì bất thình lình bé Lý Minh Tâm (SN 2010) từ trong nhà chạy ra dẫn đến va quệt.

Không cần xác định lỗi tại ai, anh Diên vội chở cháu bé cùng mẹ cháu đến Bệnh viện Triều An cấp cứu. Bác sĩ kết luận bé Tâm bị trầy xước. Vậy mà, ít phút sau, một nhóm thanh niên hùng hổ xông vào bệnh viện la hét “thằng nào đụng cháu tao?”. Sau đó, nhóm này xông vào đấm đá, đánh đập anh Diên gãy cổ, thiệt mạng.

Một người bạn khác của anh Diên có mặt tại bệnh viện cũng bị đánh tơi tả, may mà kịp bỏ chạy nên giữ được mạng sống. Vụ việc làm xã hội rúng động. Không còn là hành vi hung hãn, côn đồ một cách đơn thuần, mà sự nhẫn tâm hành hạ người khác cho hả cơn giận khiến nhiều người nghĩ đến đã kinh hoàng.

Trao đổi về vấn đề gia tăng bạo lực trong xã hội, một công tố viên của Viện KSND tối cao nhận định: “Chuyện tự xử trong những tranh chấp dân sự cũng là một nguyên nhân làm xuất hiện nhiều côn đồ”.

Ngày 3/6 vừa qua, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đưa ra xử phúc thẩm và tăng hình phạt đối với Nguyễn Hữu Cần (22 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) từ 11 lên 14 năm tù về tội “giết người”.

Việc dùng dao đâm người bị xử lý hình sự là thỏa đáng đối với Cần, trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến nguyên nhân dẫn đến án mạng.

Theo đó, tháng 4/2011, Cần cầm chiếc xe gắn máy cho anh Nguyễn Minh Hoàng vay 14,5 triệu đồng chơi đánh bạc và thua sạch. Sau đó, Cần nói dối, lừa anh Hoàng để lấy lại xe máy không trả tiền.

Thay vì phải khởi kiện ra tòa để đòi nợ thì ngày 28/1/2012, anh Hoàng rủ thêm 4 thanh niên nữa tìm Cần đòi nợ. Cần hứa sẽ trả 1 triệu đồng/tháng nhưng không trả.

Ba tháng sau, Hoàng đưa giấy nợ cho nhóm 4 thanh niên trên đi tìm Cần đòi nợ, nếu đòi được Hoàng chỉ lấy 7,5 triệu đồng. Khi nhóm 4 thanh niên này vây, đánh Cần đòi trả nợ, Cần rút dao đâm làm 2 người bị thương tích 32% và 23%.

Nhận thấy việc không xử lý hành vi đòi nợ “ngoài luồng” bằng việc dùng số đông, đánh nhằm ép bị cáo trả nợ là có thiếu sót, Viện KSND đã có văn bản kiến nghị xử lý hành chính những người này.

Vấn đề đáng lo ngại là nhiều người đang xem đây là giải pháp hữu hiệu gây bất ổn cho xã hội và đã xảy ra những hậu quả đau lòng.

(Còn tiếp)

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn