Xét xử vụ án "bắt giam hòn đá": "Đá gì cũng là khoáng sản" (!)

Thứ sáu, 23/08/2013, 08:55
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “bắt giam hòn đá”, vị đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện đã “phán” như vậy. Hội đồng xét xử cũng đã tuyên án bác đơn khởi kiện của người dân.

Xét xử, hòn đá

Hôm qua 22/8, sau gần hai ngày xét xử, TAND H.Chư Sê (Gia Lai) đã bác đơn khởi kiện của bà Trần Thị Sắc, giữ nguyên quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND H.Chư Sê Nguyễn Hồng Linh đối với bà Sắc. Ngay khi phiên tòa kết thúc, bà Sắc tỏ ra rất bức xúc và cho biết sẽ kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Hòn đá bị “giam”

"Người dân sẽ không thể nhận biết và cũng không có quy định nào buộc họ phải phân biệt đá thường hay đá quý, do vậy việc áp người dân vào hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép là điều khó chấp nhận".

LS Phạm Văn Phất (Đoàn LS TP.Hà Nội)

Nhưđã thông tin, giữa tháng 3/2012, trong quá trình đào ao lấy nước tưới trong vườn tiêu của gia đình, bà Sắc phát hiện hòn đá lạ có khối lượng hơn 3,2m3; nặng khoảng 7,8 tấn nên thuê máy cẩu và nhân công đưa về làm cảnh.

Nhưng sau đó đoàn kiểm tra của huyện tới lập biên bản thu giữ và đến ngày 30/5/2012, ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND H.Chư Sê ký Quyết định số 17/QĐ-UBND xử phạt bà Sắc 2 triệu đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đồng thời tịch thu hòn đá.

Bất bình, bà Sắc đã khởi kiện ra tòa. Bà Sắc cho rằng ông chủ tịch huyện đã ban hành quyết định không đúng pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nên đề nghị tòa án tuyên hủy quyết định trên và trả lại hòn đá cho bà.

Loay hoay hơn một năm trời, TAND H.Chư Sê mới đem vụ kiện của bà Sắc ra xét xử. Còn hòn đá, nguyên cớ của vụ kiện đã bị sung công. Sau đó chính quyền huyện này có sáng kiến xuất kinh phí làm luôn cái lồng sắt nhốt hòn đá vào, đến khi bị dư luận phê phán mới chịu tháo lồng sắt cho hòn đá.

“Tôi nghĩ thế là đúng”

"Bà Sắc cẩu hòn đá đem về khi chưa được cơ quan chức năng cho phép là hành vi trái pháp luật, bởi cho dù là đá gì cũng là khoáng sản, mà như thế thì đây là tài sản của nhà nước".

Ông Nguyễn Đình Viên, Trưởng phòng TN-MT H.Chư Sê (Gia Lai)

Phiên xét xử sơ thẩm bắt đầu vào sáng 21/8, nhưng buổi chiều cùng ngày lại nghỉ để HĐXX nghị án và đến gần 10 giờ sáng 22/8 mới tuyên án. Chủ tọa phiên tòa, ông Hoàng Văn Tiến trong phiên xét xử đã cho rằng những chứng cứ bà Sắc đưa ra không hợp lý.

Tham gia tố tụng với tư cách bên bị kiện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND H.Chư Sê, ông Nguyễn Đình Viên, Trưởng phòng TN-MT, cho rằng: “Việc bà Sắc cẩu hòn đá đem về khi chưa được cơ quan chức năng cho phép là hành vi trái pháp luật, bởi cho dù là đá gì cũng là khoáng sản, mà như thế thì đây là tài sản của nhà nước”.

Ông Viên cũng khiến những người có mặt tại phiên tòa bật cười khi khẳng định: “Mọi tác động vào đất làm biến dạng đất đều phải xin phép, nếu không thì trái quy định”.

Nhưng luật sư (LS) Võ Thị Tiết (Văn phòng LS Võ Luật - Bình Định), đại diện cho bên khởi kiện, đã nói thẳng: “Không có quy định nào của pháp luật nêu rằng người dân muốn đào giếng tưới tiêu trong phần đất của mình phải đưa đơn lên xin phép chính quyền”.

LS Tiết tiếp tục hỏi thêm một số vấn đề liên quan đến việc tịch thu hòn đá, thay vì giải thích theo đúng các quy định của pháp luật thì vị cán bộ đại diện cho chính quyền cấp huyện này vẫn kiên trì: “Tôi nghĩ thế là đúng”. LS Tiết cho rằng, UBND H.Chư Sê đã vội vàng trong xử lý vụ việc, bất chấp các quy định của pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản.

Trao đổi với PV sau khi HĐXX đưa ra phán quyết bác yêu cầu khởi kiện của bà Sắc để bảo vệ quyết định của UBND H.Chư Sê, LS Tiết nói: “Ngay từ đầu, những văn bản xử phạt của đoàn kiểm tra liên ngành đã không đúng. Hòn đá bị thu giữ tại nhà bà Nguyễn Thị Nhung, xã H’bông chứ không hề đang vận chuyển như văn bản xử phạt đã nêu. HĐXX đã không đề cập đến những vi phạm này và đã đưa ra phán quyết có vẻ bất thường”.

Khó chấp nhận

Cùng ngày tại Hà Nội, nhiều vị lãnh đạo của TAND Tối cao khi tiếp xúc với PV đã cho rằng đây là vụ việc hy hữu, chưa từng có trong tiền lệ và từ chối nêu quan điểm với lý do vụ việc vẫn đang trong quá trình xét xử.

Nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó viện trưởng Viện Khoa học xét xử - TAND tối cao, vấn đề cốt lõi trong vụ việc này là phải làm rõ hòn đá mà bà Sắc lấy từ vườn là đá bình thường hay là khoáng sản - vốn được coi là tài sản quốc gia.

Trong khi đó, theo quan điểm LS Phạm Văn Phất (Đoàn LS TP.Hà Nội), khoáng sản thường nằm tập trung trong một khu mỏ và người dân rất khó để nhận biết bằng mắt thường là đá quý hay đá bình thường. “Nếu không có sự phân tích về hóa lý thì người dân sẽ không thể nhận biết và cũng không có quy định nào buộc họ phải phân biệt đá thường hay đá quý, do vậy việc áp người dân vào hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép là điều khó chấp nhận”, ông Phất nói.

LS Phất cũng cho rằng, cần phải làm rõ được căn cứ của quyết định xử phạt hành chính của UBND H.Chư Sê. Cụ thể, khi ra quyết định xử phạt, UBND H.Chư Sê đã có cơ sở nào để xác minh hòn đá bà Sắc đào và vận chuyển là đá quý hay chưa.

Xét xử, hòn đá

Bà Sắc bất bình với phần phán quyết của tòa - Ảnh: Trần Hiếu

Xét xử, hòn đá

Xét xử, hòn đá

Hòn đá bị sung công đang đặt ở trung tâm TP.Pleiku

Làm “hơi quá”!

Trao đổi với Thanh Niên,ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản - Tổng cục Địa chất và khoáng sản VN (Bộ TN-MT), phân tích: “Trong trường hợp cụ thể này tôi cho là chính quyền địa phương đã làm “hơi quá” vì nghĩ rằng hòn đá có giá trị lớn. Việc xử lý cần xem xét trên cả khía cạnh pháp lý và thực tế khách quan. Làm như vậy chưa “thấu tình” vì bà Sắc chỉ là vô tình đào được hòn đá mà thôi.

Khi xây dựng luật Khoáng sản (sửa đổi) chúng ta cũng chưa lường trước được những tình huống (quan hệ phát sinh đặc biệt) như thế này.

Trong thực tế, hiện nay còn có những trường hợp tương tự như việc có những hội chơi đá cảnh. Nhiều người đi sưu tầm đá cảnh ở các con suối, lòng sông đem về trưng bày, thậm chí đem bán.

Ở một số địa phương miền Bắc như Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa... người dân thường đi sưu tầm, thậm chí là đập các nhũ đá vôi để về làm non bộ, chơi đá cảnh và đem bán. Trong thời gian tới, việc sửa đổi, bổ sung luật cũng cần xét đến những trường hợp này để có đủ cơ sở pháp lý thực hiện.

Tôi xin nói thêm, pháp luật cũng quy định, trong trường hợp nhà nước trưng thu khoáng sản quý do người dân vô tình khai thác, phát hiện được thì người có công khai thác khoáng sản đó sẽ được hỗ trợ tiền công, phí vận chuyển... Rất tiếc khi xử phạt hành chính đối với bà Sắc và tịch thu hòn đá, cơ quan hữu trách ở địa phương đã chưa quan tâm đến nội dung này”.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn